Kiến trúc Pháp - Đông Dương ở 'Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông'
Cuốn sách 'Kiến trúc Pháp - Đông Dương: Dấu tích 'Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông'' do tác giả Trần Hữu Phúc Tiến biên soạn, vừa được NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ra mắt độc giả.
Sài Gòn xưa - Thành phố Hồ Chí Minh nay là đô thị lớn bậc nhất cả nước. Trong quá trình kiến tạo thành phố, khoảng thời gian 1862 - 1945 là giai đoạn hình thành và hoàn chỉnh của một đô thị tân tiến và hiện đại, khác hẳn mô hình thành thị phong kiến Á Đông trước đó.
Công sức xây đắp của người Pháp và đông đảo người Việt cùng toàn bộ cư dân thuộc nhiều vùng miền tứ xứ, đã làm nên một đô hội mỹ lệ và nhộn nhịp, kết hợp nhiều yếu tố Đông - Tây, trên cơ sở thừa kế đô thị Gia Định xưa cổ.
![Cuốn sách cung cấp thông tin tư liệu về kiến trúc Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NXB](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_592_51433017/19650baa30e4d9ba80f5.jpg)
Cuốn sách cung cấp thông tin tư liệu về kiến trúc Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NXB
Từ đầu thế kỷ XX, đặc biệt từ thập niên 1920 trở đi, chính quyền Đông Dương tự hào quảng bá Sài Gòn là La Perle de l'Extrême-Orient - Hòn ngọc Viễn Đông, một điểm đến không thể thiếu của du khách, các nhà đầu tư và bạn bè thế giới.
Cuốn sách mang tới cho độc giả thêm những góc nhìn về lịch sử, kiến trúc, văn hóa của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Trong thực tế, vẻ đẹp của "Hòn ngọc Viễn Đông" không chỉ là cảnh sắc và phố phường, mà là toàn diện từ kiến trúc đến kinh tế, văn hóa và con người. Trong đó, chỉ riêng về kiến trúc, có nhiều kiến trúc hay đẹp từ dinh thự đến nhà ở, phố chợ và nhiều công trình khác, thể hiện nhiều phong cách đa dạng...