Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục
Trong những năm gần đây, ngành giáo dục huyện Tư Nghĩa đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thành công đó là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, sự phối hợp đồng bộ giữa phòng GD&ĐT, chính quyền địa phương, nhà trường và sự vào cuộc trách nhiệm của cả cộng đồng.
Huy động sức mạnh tổng thể
Với đặc thù là địa phương có phần lớn người dân sống bằng nghề nông, đời sống kinh tế còn khó khăn, nhiều phụ huynh đi làm ăn xa và để con em lại cho ông bà chăm sóc. Việc thiếu giám sát, quan tâm sát sao từ người lớn khiến học sinh (HS) dễ nảy sinh tâm lý chán nản, dẫn đến tình trạng đi học không đều hoặc bỏ học. Trước thực trạng đó, Huyện ủy, UBND huyện Tư Nghĩa đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện phối hợp với chính quyền cơ sở và các trường thực hiện đồng loạt các giải pháp. Trong đó, vai trò “đi từng ngõ, gõ từng nhà” của các thầy, cô giáo, các hội đoàn thể và cán bộ cơ sở được phát huy tối đa.

Trường THCS Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) là "Trường học hạnh phúc" đầu tiên của tỉnh.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tư Nghĩa Lê Hoài Phúc cho biết, khi HS nghỉ học không lý do hoặc “đi học giã gạo”, các trường nhanh chóng thông báo với chính quyền địa phương để tổ chức đến tận nhà vận động, thuyết phục các em quay trở lại lớp. Việc làm này được thực hiện liên tục cho đến khi HS trở lại trường. Các em nhận thức ngày càng đúng đắn về việc đi học. Từ đó, tình trạng bỏ học giảm mạnh và không còn xảy ra trong 2 năm trở lại đây.
Tại Trường THCS Nghĩa Lâm, với đặc thù HS đến từ một số địa phương miền núi như xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa) và xã Sơn Nham (Sơn Hà), công tác duy trì sĩ số được thực hiện bài bản. Theo Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Lâm Nguyễn Ngọc Vương, giáo viên chủ nhiệm là lực lượng nòng cốt trong việc nắm bắt tình hình từng HS. Khi có trường hợp vắng học không lý do, giáo viên kịp thời thông báo với chính quyền địa phương đến nhà ngay trong ngày để vận động. Nhờ cách làm quyết liệt này, trường đã đảm bảo sĩ số HS trong 2 năm nay. Đến thời điểm này, nhà trường duy trì đủ 492/492 HS, một con số rất đáng khích lệ ở vùng có nhiều HS người đồng bào dân tộc thiểu số.
Không chỉ dừng lại ở việc giữ chân HS đến lớp, Trường THCS Nghĩa Lâm còn từng bước nâng cao chất lượng dạy học. Cuối năm 2023, trường được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I và được Sở GD&ĐT công nhận kiểm định chất lượng mức độ 2.
Yêu thương và sẻ chia
Những năm qua, Trường THCS Nghĩa Thắng triển khai đồng bộ mô hình đỡ đầu HS người đồng bào dân tộc Hrê. Theo đó, mỗi giáo viên nhận đỡ đầu từ 3 - 4 HS. Không chỉ quan tâm đến việc học, mà trường còn quan tâm đến hoàn cảnh gia đình và tâm tư, nguyện vọng cá nhân của từng em.
Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Thắng Võ Thị Bông chia sẻ, chúng tôi luôn lắng nghe HS, nhất là HS đồng bào dân tộc Hrê. Các cuộc trò chuyện, khảo sát ý kiến HS được tổ chức định kỳ để kịp thời hỗ trợ, đồng hành cùng các em. Đồng thời, việc lập sổ thi đua, lấy số điện thoại của phụ huynh ngay từ đầu năm học giúp nhà trường dễ dàng nắm bắt thông tin và kịp thời xử lý những trường hợp có nguy cơ nghỉ học.
Ngoài ra, Trường THCS Nghĩa Thắng còn phát động các phong trào như: “Đôi bạn cùng tiến”, “Tiếp sức đến trường”, “Lắng nghe trái tim em”... nhằm tạo động lực học tập và xây dựng tinh thần đoàn kết trong HS. Nhờ đó, Trường THCS Nghĩa Thắng trở thành đơn vị đầu tiên trong tỉnh được công nhận là “Trường học hạnh phúc”.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Những giải pháp sáng tạo, thiết thực của ngành giáo dục huyện Tư Nghĩa đã tạo ra nền tảng quan trọng để nâng cao chất lượng dạy và học. Cụ thể, năm học 2023 - 2024, tỷ lệ HS đạt loại giỏi, khá tăng 10,6%; tỷ lệ HS yếu, kém giảm gần 10% so với năm học 2021 - 2022. Tỷ lệ HS hoàn thành chương trình cấp tiểu học đạt 100%, tốt nghiệp THCS đạt 99,62%. Kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng khả quan hơn khi điểm chuẩn vào các trường THPT tăng từ 2 - 4 điểm. Đặc biệt, số HS trúng tuyển vào Trường THPT Chuyên Lê Khiết tăng 57% so với năm học 2021 - 2022.
Trong các kỳ thi HS giỏi, huyện Tư Nghĩa cũng gặt hái thành công với số lượng giải thưởng cấp tỉnh tăng 21 giải so với năm học 2021 - 2022, tiếp tục giữ vững vị trí tốp đầu của tỉnh. Địa phương đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học mức độ 3 - mức cao nhất; phổ cập THCS mức độ 2 và xóa mù chữ mức độ 2. Đây không chỉ là minh chứng cho những bước tiến vượt bậc mà còn là cơ sở để huyện tiếp tục hướng tới mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện, bền vững và chất lượng.
Đặc biệt, sự vào cuộc quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục và toàn xã hội chính là yếu tố quan trọng giúp huyện Tư Nghĩa đảm bảo sĩ số HS. Điều tưởng chừng nhỏ nhưng lại là “mắt xích” đầu tiên và quan trọng nhất trong hành trình nâng cao chất lượng giáo dục. Đây cũng là bài học để các địa phương khác có thể học tập và vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị, địa phương mình.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG