Kiến tạo tầm nhìn mới thời biến động: Kinh nghiệm từ sếp GreenFeed và FoundryAI Vietnam
Trong bối cảnh biến động đã trở thành một hằng số, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải đối mặt với bài toán kép: vừa dẫn dắt tổ chức vượt qua thách thức vừa kiến tạo một tầm nhìn mới để phát triển bền vững.
Tại hội thảo "Kiến tạo tầm nhìn mới trong thế giới biến động" do Viện Đào tạo Quốc tế (ISB.IEI) phối hợp cùng VietSuccess tổ chức mới đây, những kinh nghiệm và triết lý quản trị sâu sắc đã được chia sẻ bởi ông Võ Quang Huệ - Chủ tịch FoundryAI Vietnam và bà Nguyễn Tâm Trang - Tổng Giám đốc Nhân sự Tập đoàn GreenFeed.
Chia sẻ về nghệ thuật ra quyết định, ông Võ Quang Huệ - người từng trải qua các vị trí lãnh đạo tại Bosch, VinFast và hiện là FoundryAI cho biết, mọi quyết định đều dựa trên hai nền tảng quan trọng: thông tin dữ liệu đầu vào và trực giác.
Trong bối cảnh tràn ngập thông tin hiện nay, việc tập luyện kỹ năng sử dụng AI và thiết bị hiện đại để có được dữ liệu chất lượng trở thành yếu tố then chốt. Tuy nhiên, dữ liệu chỉ là một phần của câu chuyện.
Trực giác, theo ông Huệ, không phải là cảm tính mà là sản phẩm của quá trình rèn luyện nhiều năm. Điều quan trọng là có những nguyên tắc bất biến làm nền tảng - những giá trị cốt lõi không thay đổi dù trong bất kỳ biến động nào.
Bàn về văn hóa doanh nghiệp, bà Nguyễn Tâm Trang đã chỉ ra một sai lầm phổ biến. Văn hóa không phải là những khẩu hiệu treo trên tường, mà phải được "hiện thực hóa qua các cơ chế, chính sách, công nghệ và quy trình cụ thể". Vai trò tiên phong và làm gương của đội ngũ lãnh đạo là yếu tố quyết định sự thành bại trong việc xây dựng và duy trì văn hóa doanh nghiệp.

Hội thảo "Kiến tạo tầm nhìn mới trong thế giới biến động" do ISB.IEI và Vietsuccess tổ chức.
Bổ sung cho quan điểm này, ông Võ Quang Huệ chia sẻ kinh nghiệm từ BMW về việc kiến tạo văn hóa sáng tạo. Khi có cơ chế thưởng cho mọi sáng kiến cải tiến, dù là nhỏ nhất, doanh nghiệp có thể khai phóng được sức sáng tạo của hàng chục nghìn nhân viên. Điều này tạo ra một văn hóa mà ở đó, mỗi nhân viên đều được xem là "tướng lĩnh trong việc mình đang làm", làm chủ công việc chứ không đơn thuần là làm thuê.
Trong thời đại đòi hỏi sự linh hoạt, bà Tâm Trang giới thiệu một khái niệm nhân sự hiện đại: "borrow" (vay mượn).
"Doanh nghiệp cần tận dụng năng lực của toàn bộ hệ sinh thái. Với những mảng mới chưa thể tự xây dựng ngay, chúng ta có thể 'mượn' thông qua hợp tác chiến lược, thông qua mạng lưới chuyên gia tư vấn. Thậm chí, khái niệm này có thể áp dụng ngay trong nội bộ", bà Trang gợi ý.
Lấy ví dụ, theo bà Trang, có thể "mượn 20% năng lực của bạn marketing để làm thương hiệu tuyển dụng". Điều này cho thấy sự linh hoạt trong việc điều chuyển nguồn lực giữa các phòng ban. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường có lợi thế trong việc này nhờ cơ cấu gọn nhẹ và khả năng thích ứng nhanh.

Đại diện Viện Đào tạo Quốc tế (ISB.IEI) và VietSuccess chụp ảnh cùng hai diễn giả.
Dù đánh giá cao sự thông minh và nhạy bén của người Việt, ông Võ Quang Huệ đã thẳng thắn chỉ ra một thực tế đáng suy ngẫm: số lượng bằng sáng chế được công nhận quốc tế của Việt Nam còn rất hạn chế.
Hiện nền giáo dục của Việt Nam chưa khai phóng hết tiềm năng sáng tạo. Người Việt luôn khát khao làm điều mới nhưng giáo dục chưa tạo được bệ phóng vững chắc.
Do đó, để có sáng tạo thực sự, cần một môi trường khuyến khích tư duy phản biện, thảo luận cởi mở và chấp nhận thử nghiệm, thất bại. Vai trò của hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại các trường đại học và doanh nghiệp chính là chìa khóa cho tương lai đổi mới sáng tạo của quốc gia.
Gửi gắm thông điệp chung tới các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, hai diễn giả cho rằng: người lãnh đạo phải quản trị được bản thân trước khi lãnh đạo người khác, phải xác định được đâu là "la bàn" định hướng và đâu là "mỏ neo" giá trị. Có tầm nhìn dài hạn, can đảm thay đổi và không ngừng học hỏi để thích ứng với thế giới biến động là điều thực sự cần thiết với lãnh đạo doanh nghiệp, nhất là lãnh đạo trẻ.