Kiến tạo không gian phát triển mới cho đất nước
Với hàng loạt các quyết sách được xem xét, thông qua, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV khép lại ghi dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, kiến tạo không gian phát triển mới cho đất nước trong giai đoạn mới.

Quang cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: ST
Thời điểm lịch sử cần những quyết định lịch sử, đột phá
Tại Kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, thông qua 4 luật, trong đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) - đạo luật “gốc” quy định thẩm quyền, quy trình xây dựng pháp luật - được tiến hành với tư duy đổi mới về xây dựng pháp luật; góp phần khơi thông “điểm nghẽn” về thể chế, giúp đẩy nhanh tiến trình và nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, tạo tiền đề cho đất nước phát triển. Đồng thời, ba đạo luật “gốc” về tổ chức, hoạt động của Quốc hội và Chính phủ, chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua sẽ là nền tảng để tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Những nội dung được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Bên cạnh đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và 04 nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Quốc hội đã quyết nghị bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên nhằm kịp thời hoàn thiện thể chế pháp luật, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030.

Các ĐBQH biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Ảnh: ST
Quốc hội cũng thông qua một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; các cơ chế chính sách đặc thù đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng… và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia.
Các đại biểu ghi nhận, các dự thảo luật trình Quốc hội có nhiều vấn đề mới, đúng và trúng, ngắn gọn, dễ hiểu, theo đúng tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; khẳng định quyết sách kịp thời, tất yếu khách quan, đúng đắn, tầm nhìn xa, cơ sở thuyết phục của Đảng, Nhà nước; đã bắt được đúng mạch, không chần chừ, do dự để khẩn trương khắc phục những tồn tại, vướng mắc, những điểm nghẽn làm chậm sự phát triển của đất nước. “Thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc thì phải có những quyết định lịch sử, đột phá cho sự phát triển của đất nước” - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Kiểm toán nhà nước đồng hành trong triển khai các quyết sách
Với các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, nói đi đôi với làm.
Đặc biệt, các nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ nhiệm vụ của cơ quan Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong triển khai thực hiện các nội dung của nghị quyết. Trong đó, tại Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Quốc hội yêu cầu bổ sung đại diện KTNN tham gia Tổ thẩm định khi lựa chọn nhà thầu các gói thầu EPC, gói thầu tư vấn sử dụng nhà thầu nước ngoài. Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ tổng mức đầu tư cho KTNN để thực hiện kiểm toán làm cơ sở phê duyệt Dự án. KTNN có trách nhiệm gửi kết quả kiểm toán cho cấp quyết định đầu tư trong thời hạn tối đa không quá 15 ngày, kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị kiểm toán. Đồng thời, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, KTNN kiểm toán việc thực hiện Dự án.
Tương tự, theo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quốc hội yêu cầu một số Bộ, ngành, trong đó có KTNN cử đại diện tham gia Tổ thẩm định khi được cơ quan có thẩm quyền mời tham gia việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu các gói thầu EPC, gói thầu tư vấn sử dụng nhà thầu nước ngoài. Ngoài ra, KTNN có trách nhiệm kiểm toán hồ sơ tổng mức đầu tư làm cơ sở phê duyệt Dự án đường sắt đô thị, công trình đường sắt đô thị thuộc Dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD và gửi kết quả kiểm toán cho cấp quyết định đầu tư trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị kiểm toán.
Tại Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, ngoài việc thực hiện kiểm toán Dự án theo nhiệm vụ, quyền hạn, Quốc hội yêu cầu, chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 có trách nhiệm gửi dự thảo hợp đồng “chìa khóa trao tay” xây dựng nhà máy chính cho KTNN để thực hiện kiểm toán, làm cơ sở ký hợp đồng. “KTNN có trách nhiệm gửi kết quả kiểm toán cho cấp thẩm quyền ký hợp đồng chìa khóa trao tay trong thời hạn tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị kiểm toán kèm theo hợp đồng, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến tiến độ Dự án” - Nghị quyết nêu rõ.
Hay trong Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Quốc hội giao cơ quan chức năng về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các nhiệm vụ, dự án, hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Việc Quốc hội giao trọng trách cho KTNN cho thấy sự tin tưởng, kỳ vọng của Quốc hội cũng như yêu cầu của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đặt ra đối với hoạt động kiểm toán nhằm phúc đáp kịp thời những đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước. Sự đồng hành của KTNN và các cơ quan thanh tra, kiểm tra là cần thiết để các quyết sách của Quốc hội được thực hiện hiệu quả; bảo đảm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quá trình triển khai; bảo đảm mọi nguồn lực được sử dụng tiết kiệm hiệu quả. Đây cũng là tinh thần được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh khi phát biểu bế mạc Kỳ họp: Cần hết sức lưu ý trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và công tác giám sát sau khi các luật, nghị quyết có hiệu lực thi hành, đảm bảo thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước./.