Kiến nghị thu hồi gần 190 nghìn tỷ đồng và 166 ha đất sau thanh tra năm 2023

Sau thanh tra chuyên ngành và lồng ghép nội dung thanh tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, ngành thanh tra kiến nghị thu hồi 188,6 nghìn tỷ đồng và 166 ha đất. Năm 2024, tập trung thanh tra đất đai, đầu tư công, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản...

Còn tình trạng trụ sở làm việc tại một số địa phương để hoang hóa

Còn tình trạng trụ sở làm việc tại một số địa phương để hoang hóa

Chiều ngày 20/5, Quốc hội nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

TRỤ SỞ, NHÀ Ở CÔNG VỤ HOANG HÓA, THOÁI VỐN CHẬM CHẠP

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, nhấn mạnh năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song tình hình kinh tế xã hội có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng đạt mức cao so với các nước trong khu vực và thế giới, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh và phát huy trên nhiều lĩnh vực, góp phần huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực còn một số tồn tại, hạn chế nhất định đã được phân tích, đánh giá.

Thay mặt cơ quan thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, cho biết Ủy ban cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ.

Chỉ rõ bên cạnh những kết quả tích cực, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh tóm tắt về công tác thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 - Ảnh: Quochoi.vn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh tóm tắt về công tác thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 - Ảnh: Quochoi.vn.

Về công tác hoàn thiện thể chế, chỉ đạo, điều hành, công tác hoàn thiện thể chế còn có những tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục. Một số bộ, ngành chưa thực hiện đúng kế hoạch lập pháp, còn tình trạng chậm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Kiến nghị sau giám sát của các cơ quan của Quốc hội chưa được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ một số quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ không còn phù hợp với thực tế, chậm được sửa đổi, bổ sung. Tình trạng vi phạm các định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn xảy ra tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tình trạng chậm phân bổ ngân sách, đặc biệt là phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 đến gần cuối năm mới được thực hiện. Chi chuyển nguồn còn lớn, chậm được khắc phục, gây lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Năm 2023, ngành thanh tra đã triển khai 7.689 cuộc thanh tra hành chính và 193.774 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đã lồng ghép nội dung thanh tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào nội dung thanh tra trách nhiệm, thanh tra hành chính. Từ đó, phát hiện vi phạm về kinh tế 257,7 nghìn tỷ đồng, 616 ha đất; kiến nghị thu hồi 188,6 nghìn tỷ đồng và 166 ha đất.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại một số bộ, ngành, địa phương chậm do nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra trong các báo cáo, tồn tại trong nhiều năm qua nhưng chưa có giải pháp kiên quyết và biện pháp khắc phục triệt để, hữu hiệu.

"Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 cho thấy 91/115 bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân cả nước, có đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn", ông Mạnh nêu rõ.

Mặc dù công tác quản lý thuế đã được tăng cường song vẫn còn bất cập, tình trạng gian lận, trốn thuế còn lớn, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử. Nợ thuế có xu hướng tăng so với năm 2022.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công chưa đầy đủ; còn nhiều vướng mắc trong xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chậm. Còn tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương để hoang hóa, lãng phí.

Việc xử lý, sắp xếp sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập, nhất là tại các huyện, xã khu vực miền núi còn lãng phí do thiếu cơ chế, chính sách, pháp luật để xử lý.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, việc tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử đụng đất tại một số địa phương còn chậm. Việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát với nhu cầu.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng còn tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ dẫn đến trì trệ, kém hiệu quả.

Cơ chế tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập y tế, giáo dục đại học còn nhiều bất cập do thiếu quy định pháp luật.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, công tác cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tiến độ chậm.

TẬP TRUNG THANH TRA LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI, ĐẦU TƯ CÔNG

Đề cập về nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cho biết năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ năm 2024, với 9 nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp để thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024. Xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực.

Thứ hai,hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đề xuất sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013.

Thứ ba,đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao, thống nhất nhận thức, trách nhiệm. Thực hiện các biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí.

Thứ tư,tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực: quản lý ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; công tác tổ chức bộ máy, quản lý lao động, thời gian lao động.

Thứ năm, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung lĩnh vực trọng điểm như đất đai, đầu tư công, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản.

Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí.

Ánh Tuyết

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/kien-nghi-thu-hoi-gan-190-nghin-ty-dong-va-166-ha-dat-sau-thanh-tra-nam-2023.htm
Zalo