Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013: Tinh gọn bộ máy, tăng cường phân quyền

Theo chương trình dự kiến của Kỳ họp thứ 9, ngay trong buổi làm việc đầu tiên, Quốc hội sẽ nghe tờ trình và thảo luận tại tổ về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ quy định cụ thể các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh - Ảnh: Hạ Vy

Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ quy định cụ thể các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh - Ảnh: Hạ Vy

Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 được kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng không quy định quá chi tiết về hệ thống các đơn vị hành chính với tên của từng loại đơn vị theo 3 cấp như hiện nay.

Chuẩn bị sửa đổi Hiến pháp năm 2013 - công việc hệ trọng của Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khai mạc ngày 5/5 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi tới các vị đại biểu Quốc hội báo cáo rà soát, đánh giá việc thực hiện một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Báo cáo đưa ra đánh giá toàn diện về quá trình hơn 11 năm thi hành Hiến pháp 2013, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) 2015 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (đã sửa đổi, bổ sung), chỉ rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đưa ra các kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 trong bối cảnh xây dựng nền quản trị quốc gia, địa phương hiện đại, ứng dụng công nghệ số và hội nhập quốc tế. Mục tiêu là tinh gọn, tập trung đầu mối, giảm bớt tầng nấc trung gian, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính và tập hợp quần chúng, giảm chồng chéo. Việc đổi mới phải đi đôi với nâng cao chất lượng cán bộ, ứng dụng công nghệ, chống lãng phí. Việc sửa đổi cũng nhằm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Đảng về đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Đối với MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều của Hiến pháp năm 2013 theo hướng: Sửa đổi, bổ sung Điều 9 theo hướng quy định bao quát, toàn diện hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của MTTQVN và các tổ chức thành viên theo mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp. Khẳng định MTTQVN là bộ phận của hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Quy định khái quát các tổ chức chính trị - xã hội (Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh) là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQVN, hoạt động thống nhất trong MTTQVN nhưng vẫn giữ tính độc lập tương đối.

Sửa đổi, bổ sung Điều 10 để bảo đảm kế thừa vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn, thống nhất với Điều 9 sau sửa đổi, bổ sung quy định về vai trò đại diện người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quốc tế.

Sửa đổi, bổ sung Điều 84 theo hướng không tiếp tục quy định các cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật, pháp lệnh.

Đề nghị không sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến mối quan hệ công tác, phối hợp của MTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội với Chính phủ, chính quyền địa phương tại Điều 96, Điều 101 và Điều 116.

Đối với chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 110 theo hướng không quy định chi tiết hệ thống đơn vị hành chính (ĐVHC) theo 3 cấp mà chỉ quy định khái quát 2 cấp: tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ quy định cụ thể các ĐVHC dưới cấp tỉnh (xã, phường, đặc khu), để đáp ứng yêu cầu thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và bảo đảm tính ổn định lâu dài của Hiến pháp.

Sửa đổi, bổ sung các điều 111, 112, 114, 115 theo hướng không sử dụng thuật ngữ “cấp chính quyền địa phương” để thể hiện tính thống nhất mô hình (gồm HĐND và UBND), tránh nhầm lẫn; chỉnh lý quy định phù hợp mô hình tổ chức mới.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Bổ sung quy định chuyển tiếp để đảm bảo chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, phù hợp lộ trình sắp xếp.

Theo chương trình dự kiến của Kỳ họp thứ 9, ngay trong buổi làm việc đầu tiên, Quốc hội sẽ nghe tờ trình và thảo luận tại tổ về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kien-nghi-sua-doi-bo-sung-hien-phap-2013-tinh-gon-bo-may-tang-cuong-phan-quyen-d276220.html
Zalo