Kiến nghị nâng cao mức phạt hành chính với người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật

Góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (sửa đổi) vào sáng 10.5, nhiều đại biểu đã kiến nghị cần xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo sai sự thật, nhất là đối với những người nổi tiếng, có ảnh hưởng đối với công chúng.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu thực tế hiện nay khi nhiều người nổi tiếng hay có ảnh hưởng trong xã hội như các KOLs, YouTuber, Facebooker, TikToker quảng cáo các sản phẩm trên nhiều nền tảng mạng xã hội, dựa vào uy tín và tầm ảnh hưởng đã tạo sự tin tưởng cho khách hàng, nhất là trong các chiến dịch quảng bá, marketing thương hiệu của các nhãn hàng.

Điều này dẫn đến tình trạng quảng cáo sai sự thật, kể cả đối với các mặt hàng là thực phẩm truyền thống, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Vì thế bà đề nghị tăng mức xử phạt hành chính đối với cá nhân người nổi tiếng, người có ảnh hưởng khi quảng cáo sai sự thật.

Theo đại biểu, trong luật sửa đổi lần này, cùng với quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là những người có ảnh hưởng cần phải tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo bởi những tác động trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân.

Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, nâng cao mức phạt để đảm bảo tính răn đe, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản và quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, tạo ra môi trường quảng cáo lành mạnh và bình đẳng.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị các cơ quan chủ quản cần có các quy định quản lý chặt chẽ với người nổi tiếng, người có ảnh hưởng cũng như cần có quy định về đạo đức, trách nhiệm xã hội đối với người nổi tiếng trong lĩnh vực này.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) đề nghị làm rõ khái niệm về "hàng hóa", đối chiếu với quy định tại Luật Đấu thầu, Luật Dược. Bởi theo quy định của những luật này, hàng hóa bao gồm cả thuốc trong đó có quy định chỉ được quảng cáo đối với những danh mục thuốc không kê đơn.

Bà cũng đề nghị người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải có trách nhiệm xác minh độ tin cậy của loại hàng hóa, sản phẩm mà mình sẽ thực hiện quảng cáo. Đồng thời dự thảo Luật nên bổ sung thêm quy định cấm quảng cáo sai sự thật, để đề cao trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Đồng thời bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng.

Đại biểu Trần Thị Khánh Thu góp ý cho dự án Luật sáng 10.5

Đại biểu Trần Thị Khánh Thu góp ý cho dự án Luật sáng 10.5

Cùng quan tâm và tham gia góp ý về nội dung này, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định về kiểm soát, quản lý trong hoạt động quảng cáo đối với những người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng.

Đồng thời có chế tài xử lý nghiêm đối với các trang tin điện tử đăng tải quảng cáo sai sự thật, không đúng theo công dụng, nội dung của sản phẩm để công tác quản lý, kiểm soát đối với nội dung và hoạt động quảng cáo được chặt chẽ.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định yêu cầu các trang tin phải chịu trách nhiệm kiểm duyệt quảng cáo trước khi đăng tải nội dung, thay vì chỉ dựa vào hệ thống quảng cáo tự động như hiện nay.

Đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng cần quy định rõ hơn trong luật cơ chế bồi thường với hoạt động quảng cáo sai của người chuyển tải quảng cáo, nhất là những người nổi tiếng. Có thể bổ sung thêm nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường vì hành động quảng cáo sai.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) nêu thực tế nhức nhối hiện nay khi lực lượng chức năng đã phát hiện các vụ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, quảng cáo thổi phồng, sai sự thật về công dụng sản phẩm, như trong các vụ việc liên quan đến quảng cáo sữa giả, kẹo rau do MC, biên tập viên, Quang Linh Vlog thực hiện hoặc vụ "lòng se điếu" gây bức xúc hiện nay.

Việc này đã dẫn đến nhiều hệ lụy, vì thế, theo đại biểu, việc sửa đổi Luật trong thời điểm này là cần thiết.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng nêu các vụ việc nhức nhối hiện nay như vụ sữa giả hay vụ lòng se điếu

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng nêu các vụ việc nhức nhối hiện nay như vụ sữa giả hay vụ lòng se điếu

Bà đề nghị cần tiếp tục rà soát để bịt lỗ hổng về pháp chế, không để xảy ra các vụ quảng cáo sai sự thật và các hành vi vi phạm khác. Đại biểu cũng đề nghị cần có chế tài nghiêm khắc hơn khi Bộ Luật Hình sự sửa đổi, đang được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 và cần có các quy định xử phạt vi phạm hành chính đủ mạnh để xử lý vấn đề này.

Đồng tình với quy định trong dự thảo luật, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải có trách nhiệm xác minh về độ tin cậy của người quảng cáo; kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo.

Trường hợp người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chưa sử dụng hoặc chưa hiểu rõ về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ thì không được giới thiệu về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ, đại biểu nhấn mạnh việc đưa ra những quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của người có ảnh hưởng trong việc chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

Đây là đối tượng có một lượng lớn người theo dõi và tin tưởng. Lời nói và hành động của họ có tác động mạnh mẽ đến người tiêu dùng. Do đó cần có trách nhiệm với thông tin mà mình chuyển tải.

Tuy nhiên để những quy định này chặt chẽ hơn nữa, có tính khoa học và thực tiễn, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu chế tài xử lý đủ mạnh, các quy định trong hợp đồng dịch vụ quảng cáo chặt chẽ hơn...

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban VHXH của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, ý kiến của các đại biểu sẽ được nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện dự án Luật, tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực quảng cáo phát triển.

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/chinh-tri/kien-nghi-nang-cao-muc-phat-hanh-chinh-voi-nguoi-noi-tieng-quang-cao-sai-su-that-132892.html
Zalo