Kiến nghị lùi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia để doanh nghiệp có thời gian cơ cấu lại sản phẩm
Ghi nhận tại phiên thảo luận ở tổ ngày 22/11 về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất lùi thời điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia tới năm 2027 để doanh nghiệp có thời gian cơ cấu lại sản phẩm; tránh gây ra cú sốc ảnh hưởng đến hàng chục ngành hàng trong chuỗi cung ứng…
Ngày 22/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Vấn đề tăng thuế tiêu thụ với rượu, bia được đưa ra thảo luận sôi nổi vì đây là mặt hàng phổ biến, nằm trong chuỗi cung ứng liên quan đến hàng chục ngành hàng cả ở lĩnh vực sản xuất và thương mại, dịch vụ.
Theo đó, hầu hết các ý kiến đồng tình với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia nhưng nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị cơ quan soạn thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cần bổ sung cơ sở khoa học khi đánh giá tác động của 2 đề xuất tăng thuế trên 4 phương diện: (1) khả năng điều tiết hành vi tiêu dùng; (2) tác động đến việc làm và an sinh xã hội; (3) tác động đến thu ngân sách và (4) tác động đến tăng trưởng kinh tế.
CẦN BỔ SUNG ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG Ở 4 PHƯƠNG DIỆN
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội Đoàn TP. Hà Nội, mục tiêu trước hết của thuế tiêu thụ đặc biệt là thay đổi hành vi người tiêu dùng; để người dân không tiêu dùng những sản phẩm gây hại cho sức khỏe cá nhân hoặc là ảnh hưởng đến môi trường. Mục tiêu chính của thuế tiêu thụ đặc biệt không phải là để thu ngân sách.
"Tuy nhiên, khi chúng ta đưa ra một giải pháp là tăng thuế thì tôi đề nghị vẫn phải đánh giá khả năng đáp ứng đồng thời 2 mục tiêu: (1) có chuyển đổi hành vi tiêu dùng hay không và (2) tác động đến thu ngân sách như thế nào. Nếu chúng ta đưa ra một giải pháp mà mục tiêu chuyển đổi hành vi không đạt được như kỳ vọng và thu ngân sách cũng không bền vững thì phải xem xét lại”, GS.TS Hoàng Văn Cường nêu vấn đề.
GS.TS Hoàng Văn Cường lưu ý một số vấn đề khi đưa ra phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia.
Thứ nhất, trong báo cáo đánh giá tác động mà cơ quan soạn thảo đưa ra chưa thấy đề cập khi tăng thuế với bia theo hai phương án đề xuất thì bao nhiêu phần trăm người tiêu dùng sẽ thay đổi hành vi?
“Chúng ta thấy bia không phải sản phẩm gây nghiện. Từ trước đến nay, chỉ có tình trạng nghiện rượu là phố biến chứ rất hiếm thấy trường hợp nghiện bia. Tôi nói thật, trước đây khi chưa có Nghị định 100 (xử lý vi phạm với những người tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu và hơi thở - PV) thì phần lớn nam giới đi làm về là rẽ vào quán uống 1-2 cốc bia như nước giải khát bình thường. Thực sự thì biện pháp xử phạt tại Nghị định 100 đã khiến hành vi của người tiêu dùng thay đổi rất rõ ràng rồi còn mức thuế đánh vào bia tác động ra sao thì chưa rõ”, ông Cường nói.
Thứ hai, ông Hoàng Văn Cường lưu ý từ khi thực hiện Nghị định 100 thì tiêu dùng rượu, bia giảm rõ rệt và ảnh hưởng rất lớn đến các ngành dịch vụ ăn uống, du lịch.
“Chúng ta biết rằng dịch vụ, du lịch là một nhánh trong tiêu dùng có ảnh hưởng rất lớn tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, Chính phủ đang phải kích cầu tiêu dùng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Mấy năm qua tăng trưởng của chúng ta chủ yếu là nhờ xuất khẩu chứ còn cái tiêu dùng trong nước vẫn đang rất chậm. Bây giờ nếu chúng ta tăng giá của bất kỳ mặt hàng tiêu dùng nào trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống thì ảnh hưởng lập tức đến tăng trưởng kinh tế và tôi thấy rằng có lẽ cũng rất là cần phải xem lại”, ông Cường phân tích.
GS.TS Hoàng Văn Cường dẫn số liệu trong một báo cáo của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, với mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia theo hai phương án mà Bộ Tài chính đề xuất thì sẽ đều dẫn đến giảm GDP.
"Chúng ta chưa chuẩn bị cho việc tái cấu trúc ngành bia, rượu và những ngành cung cấp sản phẩm đầu vào cho ngành bia, rượu mà nếu quyết một phát tăng thuế vào năm 2026 thì sẽ dẫn đến hàng loạt vấn đề về việc làm, thu ngân sách và các nhà đầu tư sẽ cảm thấy rất là chơi vơi”.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng, đoàn Quảng Trị.
“Các con số đấy thì chưa biết có đáng tin cậy hay không nhưng người ta dùng các phương pháp tính toán khá khoa học và chỉ ra vấn đề rằng tăng thuế thì tiêu dùng sẽ giảm, dịch vụ sẽ giảm và từ đó tác động tiêu cực đến GDP. Mà GDP giảm thì đương nhiên là thu ngân sách cũng giảm”, ông Cường nói.
Cùng quan điểm với ông Cường, Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, nhấn mạnh: “Tôi ủng hộ việc hạn chế tiêu dùng bia, rượu. Điều này không cần bàn cãi vì chúng ta đã có cả Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tuy nhiên, cũng phải cân nhắc bài toán như thế này: hầu như tỉnh/thành nào ở nước ta cũng có nhà máy bia và nó giải quyết rất nhiều việc làm. Tôi có nghiên cứu báo cáo của CIEM thì thấy rằng là có hơn 20 ngành là đầu vào để sản xuất ra một chai bia. Cho nên phải cân đối giữa mục đích giảm tiêu thụ bia với việc làm, an sinh xã hội và thu ngân sách nhà nước”.
KIẾN NGHỊ LÙI THỜI GIAN TĂNG THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT VỚI BIA, RƯỢU SANG NĂM 2027
Nhiều Đại biểu Quốc hội đề xuất lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu sang năm 2027.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, mục tiêu chính của thuế tiêu thụ đặc biệt là để thay đổi hành vi thì phải để cho người tiêu dùng nhận biết được đánh thuế này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người ta và nếu không thay đổi thì họ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Do vậy, ông Cường kiến nghị cả với thuốc lá và rượu, bia nên tăng thuế mạnh ngay lần đầu tiên nhưng phải có thời gian để các bên chuẩn bị.
“Đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, tôi đề nghị chúng ta ban hành vào năm 2025 nhưng thời gian áp dụng lùi lại 1 năm so với Dự thảo (2027 – PV) để người tiêu dùng có thời gian thay đổi hành vi. Chứ họ đang hút thuốc, đang uống rượu, bia thành thói quen mà ngày mai đánh thuế thì họ cũng không thay đổi được. Trong thời gian lùi đó, Nhà nước truyền thông đến người tiêu dùng biết rằng đến thời điểm này mà anh không thay đổi hành vi thì anh sẽ phải chịu thuế cao”, ông Cường phân tích.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, đoàn TP. Hà Nội.
"Đừng nghĩ rằng thay đổi hành vi của người tiêu dùng Việt Nam bằng đánh thuế là chính mà phải thay đổi bằng các biện pháp khác. Chẳng hạn như rượu, bia vừa rồi áp dụng Nghị định 100 đấy.
Thuốc lá bây giờ cũng thế, phải hạn chế không gian được phép hút thuốc để việc hút thuốc trở nên khó khăn. Sau đó phải tiến hành đồng bộ các giải pháp truyền thông thay đổi nhận thức".
Theo ông Cường, trong một năm đó, các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng thay đổi hành vi; cũng đồng thời để các doanh nghiệp chuẩn bị, nghiên cứu phương án chuyển đổi sản xuất sang các mặt hàng tác động ít đến sức khỏe, có thể sẽ được khuyến khích hơn .
“Đánh thuế lần đầu cao sau đó dừng 5 năm. Chẳng hạn năm 2027, chúng ta bắt đầu đánh thuế cao với rượu, bia sau đó năm 2032 lại đánh thuế tiếp để người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi chứ không tăng đều đều hằng năm như thế”, GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
“Tôi ủng hộ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu nhưng phải tính toán lộ trình thế nào cho hợp lý vì mình mới trải qua mấy năm Covid rồi cơn bão Yagi. Thứ hai nữa là chúng ta chưa chuẩn bị cho việc tái cấu trúc ngành bia, rượu và những ngành cung cấp sản phẩm đầu vào cho ngành bia, rượu mà nếu quyết một phát tăng thuế vào năm 2026 thì sẽ dẫn đến hàng loạt vấn đề về việc làm, thu ngân sách và các nhà đầu tư sẽ cảm thấy rất chơi vơi”, Đại biểu Thắng, Đoàn Quảng Trị nêu ý kiến.
21 ngành bị ảnh hưởng nếu ngành bia suy giảm, kéo tụt tăng trưởng kinh tế
Ông Thắng kiến nghị cơ quan soạn thảo tính toán kỹ lưỡng hai vấn đề: (1) mức thuế hợp lý, (2) thời điểm đánh thuế nên lùi lại để ngành hàng rượu, bia có thời gian chuẩn bị, tái cơ cấu.
“Chậm lại 1 năm, đến 2027 thì tăng thuế suất đối với hàng rượu, bia. Cùng đó, Chính phủ phải dự liệu được vấn đề khi tăng thuế tiêu thụ rượu, bia thì (1) kiểm soát hàng nhập lậu từ nước khác thế nào và (2) kiểm soát các sản phẩm thủ công phi chính thức như rượu quốc lủi thế nào?”, Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề xuất.
Đại biểu Phan Đức Hiếu, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, cũng “thiết tha kiến nghị chỉ nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với bia từ sau 2026, bắt đầu áp dụng từ 2027”.
Ông Hiếu đưa ra ba lý do lùi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia. Thứ nhất, trong mấy năm qua và tới đây, Nhà nước vẫn tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách tài khóa, nghĩa là giảm thuế nên tăng thuế ngay từ 2026 thì không thống nhất với chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp. Thứ hai, khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia với mục tiêu điều tiết tiêu dùng thì phải có thời gian để doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, không thể thay đổi trong ngày một ngày hai được. Nếu không cho doanh nghiệp thời gian hợp lý thì họ chỉ có một con đường là suy thoái dần dần. Thứ ba, sự ổn định của môi trường đầu tư là rất quan trọng. Chính sách không nên giật cục và gấp gáp khiến các nhà đầu tư hoang mang.
Ngoài ra, ông Hiếu ủng hộ việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia theo phương án 1 mà Bộ Tài chính đề xuất. Đại biểu Lê Thị Song An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cũng chọn phương án 1 vì 2 lý do.
Thứ nhất, Đại biểu An cho rằng trong thực tế, mức tiêu thụ rượu, bia ở nước ta hiện nay đang có xu hướng giảm nhờ những quy định mạnh mẽ của Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Luật An toàn giao thông đường bộ; quy định cấm người tham gia giao thông đường bộ khi trong máu và hơi thở có nồng độ cồn. Tính tuân thủ quy định đã uống rượu bia thì không lái xe hiện ở mức cao.
Thứ hai, người dân ngày càng nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ sức khỏe bằng cách hạn chế sử dụng đồ uống có cồn.
“Chính vì vậy, tôi chọn phương án 1 theo đề xuất của Bộ Tài chính đưa ra để đảm bảo các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi cung ứng không bị rơi vào các cú sốc. Đây là nhóm doanh nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong chuỗi sản xuất rượu, bia ở nước ta”, Đại biểu An nói.
Bà Lê Thị Song An cũng đề nghị Chính phủ cần ban hành các chính sách tăng cường quản lý thị trường để giảm thiểu tình trạng buôn lậu rượu, bia gây thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Tăng cường truyền thông để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Có chính sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi giá trị sản xuất, thương mại, dịch vụ của ngành rượu, bia.