Kiến nghị các biện pháp tăng hiệu quả phòng chống tác hại thuốc lá
Theo chuyên gia, các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá cần sự phối hợp chặt chẽ của toàn xã hội và các ban, ngành, đoàn thể trong cả nước cùng với ý thức của người dân.
Tăng kiểm tra giám sát
Ngày 18/6/2012, Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013. Luật trên ra đời được thế giới đánh giá là rất mạnh mẽ và phù hợp với Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới về kiểm soát thuốc lá, đồng thời là một quyết định quan trọng, mang tính lịch sử trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đây là một thành công của ngành Y tế sau nhiều năm xây dựng và vận động toàn xã hội, các ban, ngành, Quốc hội, Chính phủ ủng hộ cho Dự luật quan trọng nhằm góp phần giảm thiểu tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của cộng đồng.
Để Luật đi sâu vào cuộc sống và tác động mạnh mẽ tới ý thức của người dân, các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá cần sự phối hợp chặt chẽ của toàn xã hội và các ban, ngành, đoàn thể trong cả nước cùng với đó là ý thức của mỗi người dân.
Bộ Công an là một trong những thành viên đóng vai trò chủ chốt, là những người thi hành pháp luật, là một thành viên không thể thiếu trong công tác triển khai kiểm tra, giám sát hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc lá và chấp hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá trên địa bàn các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Từ năm 2019 - 2023, các bộ phận chức năng thuộc Bộ Công an phối hợp với Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế đẩy mạnh ra quân kiểm tra xử phạt các vi phạm hành chính về phòng chống tác hại thuốc lá trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong quá trình đi kiểm tra xử phạt tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Khách sạn, nhà hàng là địa điểm có tỷ lệ vi phạm cao và tỷ lệ hút thuốc lá thụ động cao nhất so với các địa điểm quy định trong Luật phòng chống tác hại thuốc lá.
Các vi phạm phổ biến tại nhà hàng là hút thuốc tại các khu trong nhà của nhà hàng, không treo biển có chữ/biểu tượng cấm hút thuốc lá.
Các vi phạm phổ biến tại khách sạn: Hút thuốc tại các khu trong nhà của khách sạn, không treo biển có chữ/biểu tượng cấm hút thuốc lá, nơi dành riêng không đáp ứng quy định của Luật.
Một số nguyên nhân việc hút thuốc tại nhà hàng, khách sạn đó là tâm lý chiều khách, sợ mất khách. Hiểu biết về tác hại của hút thuốc và hút thuốc thụ động còn hạn chế.
Chưa hiểu rõ quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và các quy định xử phạt vi phạm hành chính. Chưa hiểu rõ các lợi ích của việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại các khách sạn nhà hàng (lợi ích cho sức khỏe của chính nhân viên, lợi ích về kinh tế, về môi trường, giảm nguy cơ cháy nổ, tạo môi trường văn minh lịch sự).
Nhằm hướng dẫn các Công an các đơn vị, địa phương triển khai xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá, từ năm 2019- 2023, Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá Bộ Công an đã tổ chức 25 lớp tập huấn Hướng dẫn thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, thực hiện nơi làm việc không thuốc lá cho cán bộ chiến sỹ Công an.
Ngoài việc tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn thực thi pháp luật, Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá Bộ Công an liên tục triển khai 30 đợt kiểm tra, giám sát công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Công an các tỉnh/thành phố trên địa bàn cả nước.
Từ đó hỗ trợ, nhắc nhở các Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá Công an các tỉnh/thành phố, các đơn vị thuộc Công an các tỉnh/thành phố triển khai các hoạt động kiểm tra, xử phạt các vi phạm hành chính về phòng chống tác hại thuốc lá trên địa bàn các tỉnh/thành phố mà họ quản lý; chia sẻ các kinh nghiệm kiểm tra xử phạt đã triển khai tại các địa phương khác;
Hướng dẫn đẩy mạnh xây dựng các nội quy, quy chế, quy định trong cơ quan, đơn vị nhằm xây dựng thành công môi trường cơ quan, đơn vị, doanh trại không khói thuốc lá.
Để tăng hiệu quả thực thi phòng chống tác hại thuốc lá đại diện Bộ Công an kiến nghị mọi hoạt động trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá có thành công hay không cần có sự ủng hộ rất lớn từ phía ban lãnh đạo các cơ quan/đơn vị. Bởi vậy, người làm công tác phòng chống tác hại thuốc lá cần tranh thủ được sự ủng hộ từ phía thủ trưởng các cơ quan/đơn vị.
Hoạt động kiểm tra, xử phạt tại các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn Công an các tỉnh/thành phố chỉ thành công khi có sự tham gia quyết liệt của các đồng chí Cảnh sát phụ trách mảng quản lý hành chính về trật tự xã hội các cấp (cấp Bộ, cấp tỉnh/thành phố, quận/huyện, xã/phường).
Cần có kinh phí hỗ trợ công tác phí và kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động triển khai kiểm tra, xử phạt (nhất là đối với các tỉnh/thành phố chưa triển khai kiểm tra, xử phạt các vi phạm hành chính về phòng chống tác hại thuốc lá lần nào) để hỗ trợ cán bộ Ban chỉ đạo công tác phòng chống tác hại thuốc lá Bộ Công an và Ban chỉ đạo công tác phòng chống tác hại thuốc lá các tỉnh hướng dẫn các bộ phận chức năng trong vận dụng và thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cũng như Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Sớm thay đổi hình ảnh cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá
Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc, ngày 08 tháng 2 năm 2013, Bộ Y tế và Bộ Công Thương ban hành Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BYT-BCT hướng dẫn việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá quy định: Diện tích in cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao bì thuốc lá.
Việc ghi nhãn và in cảnh báo sức khỏe trên bao bì các sản phẩm thuốc lá được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BYT-BCT ngày 8/2/2013 hướng dẫn việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá đã sử dụng bộ 6 mẫu cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh.
Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, về cơ bản, các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá tuân thủ quy định về ghi nhãn thuốc lá, tuân thủ quy định về luân phiên thay đổi hình ảnh cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá.
Các hình ảnh cảnh báo sức khỏe trên bao bì các sản phẩm thuốc lá cùng với các thông điệp làm tăng mong muốn bỏ thuốc và giảm tỉ lệ bắt đầu hút thuốc, đặc biệt là trong giới trẻ.
Nhiều bằng chứng trên thế giới cho thấy tác động của diện tích hình ảnh cảnh báo lớn trên bao bì các sản phẩm thuốc lá lên nhận thức và hành vi sử dụng thuốc lá.
Tuy nhiên, hình ảnh và thông điệp về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người in trên bao bì các sản phẩm thuốc lá đã thực hiện 10 năm nhưng chưa có thay đổi về hình ảnh và nội dung.
Theo kinh nghiệm của các nước việc không thay đổi, làm mới các hình ảnh và thông điệp in cảnh báo sức khỏe trên bao bì các sản phẩm thuốc lá sẽ dần làm mất tác dụng cảnh báo đối với người tiêu dùng.
Theo nghiên cứu năm 2019 của Trường Đại học Y tế công cộng cho thấy hiệu quả cảnh báo và tác động cảnh báo của cả 6 mẫu cảnh báo sức khỏe hiện đang áp dụng tại Việt Nam đều giảm rõ rệt so với thời điểm năm 2013 là thời điểm bắt đầu in cảnh báo sức khỏe.
Đặc biệt có 3 mẫu bị đánh giá là hiệu quả cảnh báo ở mức dưới trung bình và thông điệp cảnh báo sức khỏe không rõ ràng.
Cụ thể là các mẫu “Khói thuốc lá rất có hại cho thai nhi và trẻ nhỏ”, “Hút thuốc dẫn tới cái chết từ từ và đau đớn” và “Hút thuốc gây hôi miệng và hỏng răng”.
Hơn 70% đối tượng tham gia nghiên cứu đồng ý tăng diện tích cảnh báo to hơn so với hiện nay và đa phần đề xuất tăng diện tích cảnh báo lên bằng 75% diện tích của vỏ bao thuốc, phần chữ của hình ảnh cảnh báo được đề nghị in sắc nét, tương phản với hình ảnh cảnh báo và có thể giữ nguyên diện tích phần chữ hoặc tăng diện tích phần chữ lên 30%.
Nghiên cứu khuyến nghị cần thay đổi bộ cảnh báo sức khỏe để đảm bảo hiệu quả của cảnh báo theo hướng dẫn của Điều 11 Công ước Khung về Kiểm soát tác hại của thuốc lá với 6 mẫu cảnh báo sức khỏe mới được đề xuất bởi cộng đồng.
Diện tích in hình ảnh và thông điệp cảnh báo bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc hiện nay của Việt Nam là 50%, nhỏ hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực, như: Lào, Brunei và Myanmar là diện tích in cảnh báo là 75%.
Thái Lan và Singapore đã thực hiện in bao bao bì theo chuẩn mực chung nhằm hạn chế hoặc cấm sử dụng logo, màu sắc, hình ảnh thương hiệu hoặc các thông tin quảng cáo trên bao bì thuốc lá.