Chăm lo cho con can, phạm nhân
'Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục phối hợp UBMTTQ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp... tuyên truyền, vận động hỗ trợ, giúp đỡ con chưa thành niên của can, phạm nhân, giúp họ an tâm chấp hành án, sớm trở về gia đình, trở thành người có ích cho xã hội' – đại tá Nguyễn Thế Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh, đề nghị.
Cuối tháng 5/2023, Công an tỉnh ra mắt mô hình dân vận khéo “Lực lượng phòng, chống tội phạm chăm lo cho con can, phạm nhân”. Mục đích lớn nhất của mô hình là cùng chia sẻ, chung tay chăm lo em, cháu có điều kiện học hành, xóa bỏ mặc cảm, tự ti, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn. Đồng thời, góp phần động viên, cảm hóa, giáo dục can, phạm nhân hợp tác, khai báo, chấp hành quy định về tạm giam, thi hành án.
Từ khi thành lập đến nay, mô hình nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, kịp thời hỗ trợ 28 trường hợp con của can, phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổng số tiền trên 200 triệu đồng (học phí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, tập sách, xe đạp…). Cụ thể, từ nguồn quỹ xã hội hóa thực hiện mô hình, lực lượng trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền và hỗ trợ vật chất, tinh thần: Quần áo đồng phục, sách giáo khoa, tập đầu năm học, tiền ăn uống, sinh hoạt hàng tháng 300.000 đồng/cháu/tháng.
Kết hợp việc trao tiền hỗ trợ, Công an tỉnh thăm hỏi, tuyên truyền, vận động người thân và các cháu chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, phấn đấu hơn nữa trong học tập để sau này trở thành công dân có ích cho xã hội. Đến nay, chưa có cháu nào vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu tham gia tệ nạn xã hội. Biết con mình được quan tâm, hỗ trợ về vật chất, tinh thần, can, phạm nhân có thái độ thành khẩn khai báo, nỗ lực lao động, học tập và cải tạo tốt. Nhiều trường hợp được giảm án, tha tù trước thời hạn. Tuy nhiên, người thân của can, phạm nhân còn e ngại, lo sợ, chưa thật sự cung cấp cho lực lượng công an thông tin có liên quan đến an ninh, trật tự tại địa phương. Khi lực lượng chức năng đến hỗ trợ, tiếp xúc, hầu hết mạnh dạn trình bày khó khăn trong cuộc sống, mong muốn nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình, công an các đơn vị, địa phương tiếp tục phối hợp tuyên truyền, vận động hỗ trợ, giúp đỡ con chưa thành niên của phạm nhân đang bị tạm giữ, tạm giam. Cơ quan cảnh sát điều tra 2 cấp tiếp tục rà soát, thống kê danh sách con bị can đang bị tạm giam để điều tra, bảo đảm đúng đối tượng hỗ trợ. Phân công cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia theo dõi các cháu, thường xuyên gặp gỡ tiếp xúc để nắm diễn biến tư tưởng, nguyện vọng, việc học, hoàn cảnh gia đình, giúp đỡ kịp thời.
Bên cạnh đó, động viên gia đình hỗ trợ lực lượng công an trong việc đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở, cùng chăm lo cho các cháu trở thành người có ích cho xã hội. Thường xuyên thông báo cho can, phạm nhân tình hình gia đình, động viên họ yên tâm chấp hành án, chấp hành nghiêm túc nội quy cơ sở giam giữ để sớm trở về đời sống xã hội, chăm lo cho gia đình. Đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, công an các đơn vị, địa phương kịp thời tham mưu đề xuất cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp chỉ đạo ban, ngành, đoàn thể, phối hợp tiếp xúc, vận động gia đình để nắm bắt được tâm tư, tình cảm của họ; kịp thời giúp đỡ, tạo điều kiện về vật chất và tinh thần (giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn, hướng dẫn làm ăn). Tuyệt đối không được phân biệt đối xử; phải giúp họ vượt qua mặc cảm, tự ti, từng bước tái hòa nhập cộng đồng.