Chủ động phòng, chống hạn, xâm nhập mặn
Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An và các địa phương đã và đang chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn.

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tại Trạm bơm Cây Gáo (huyện Thủ Thừa)
Không chủ quan, lơ là
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, mùa khô năm 2024-2025, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN).
Mực nước đầu nguồn các sông: Vàm Cỏ, Rạch Cát, sông Tra, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều và ở mức xấp xỉ TBNN, xâm nhập mặn vùng cửa sông Soài Rạp, Vàm Cỏ ở mức cao hơn TBNN.
Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong khu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập) dẫn đến tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trở nên trầm trọng hơn.
Trong đó, khu vực Cầu Nổi (huyện Cần Đước) và lân cận không có nước ngọt trong suốt mùa khô, kể cả vào lúc triều thấp.
Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh, hiện trên sông Vàm Cỏ Đông, độ mặn 1g/l vượt qua cầu Bến Lức, huyện Bến Lức (1,7g/l), cách sông Soài Rạp khoảng 58km; độ mặn 4g/l đến cống Xóm Bồ, huyện Cần Đước (3,2g/l), cách sông Soài Rạp khoảng 40km. Trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn 1g/l đến cống Chợ Giữa, huyện Châu Thành (0,6g/l), cách sông Soài Rạp khoảng 50km; độ mặn 4g/l đến cống Sông Cui, huyện Châu Thành (3,8g/l), cách sông Soài Rạp khoảng 42km.

Cống Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ) đã được đóng để ngăn mặn, trữ ngọt, phục vụ sản xuất
Mặc dù so cùng kỳ năm 2024, độ mặn trên các sông đang thấp hơn từ 0,4-7,1g/l. Tuy nhiên, ngành chức năng tỉnh khuyến cáo người dân và cơ quan chuyên môn tại các địa phương trong tỉnh không được chủ quan, lơ là mà cần hết sức cảnh giác với tình hình xâm nhập mặn; đồng thời, cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Theo Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh - Nguyễn Quang Ngọc, xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (trong đó có Long An) trong mùa khô năm 2024-2025 được dự báo ở mức cao hơn TBNN nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và mùa khô năm 2019-2020.
Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 02 và tháng 3/2025 (từ ngày 10 đến ngày 16/02/2025; từ ngày 27/02 đến ngày 04/3/2025); sông Vàm Cỏ vào tháng 3 và 4/2025 (từ ngày 10 đến ngày 15/3/2025; từ ngày 29/3 đến ngày 02/4/2025; từ ngày 27/4 đến ngày 01/5/2025).
Cùng với đó, tình hình xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương cần cập nhật kịp thời thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có biện pháp chủ động phòng, chống hạn, xâm nhập mặn.
"Hiện nay, ngoài cống Đôi Ma (xã Long Cang) còn mở để lấy nước vào nội đồng thì hầu hết các cống đầu mối còn lại trên địa bàn huyện Cần Đước đều được đóng kín. Nhìn chung, năm nay, lượng nước tích trữ trong các kênh nội đồng khá dồi dào, bảo đảm duy trì tốt hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân”.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Võ Anh Tuấn
"Để tránh bị ảnh hưởng do hạn, mặn, tôi chủ động xuống giống vụ Đông Xuân 2024-2025 trong tháng 12/2024 theo khuyến cáo của ngành chức năng. Đến nay, lúa hơn 60 ngày tuổi, đang trong giai đoạn trổ và sinh trưởng tốt”.
Ông Nguyễn Văn Chanh (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ)
Chủ động phòng ngừa, ứng phó
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua rà soát, tổng hợp báo cáo của các huyện: Cần Đước, Thủ Thừa, Bến Lức, Thạnh Hóa, Tân Trụ và TP.Tân An, có khoảng 16.887ha cây trồng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn. Trong đó, có 12.226ha lúa; 469ha rau màu; 2.268ha chanh; 49ha thanh long và 1.875ha cây trồng khác.
Tại huyện Tân Trụ, vụ Đông Xuân 2024-2025, toàn huyện gieo sạ 5.050ha lúa. Trong đó, có 830ha lúa Đông Xuân tại các xã: Đức Tân, Nhựt Ninh và Tân Phước Tây có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, xâm nhập mặn. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết cống đầu mối đã được đóng kín nhằm ngăn nước mặn xâm nhập vào nội đồng.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo cho biết, nhằm bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp các địa phương tăng cường khuyến cáo nông dân chủ động tích trữ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm; đồng thời, thường xuyên cập nhật tình hình độ mặn trên các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn huyện để người dân nắm và chủ động trong sản xuất.
Tại huyện Cần Đước, độ mặn trên các tuyến sông chính như Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông,... hiện vượt mức 1g/l. Tuy nhiên, nhờ chủ động tích trữ nguồn nước sản xuất, mực nước tại các kênh, rạch nội đồng của huyện đều bảo đảm cho sản xuất, nhất là sản xuất lúa Đông Xuân 2024-2025 và sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao.
Anh Phạm Hồng Tân (xã Long Hòa, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Gia đình tôi đang trồng 0,4ha rau ăn lá các loại. Để có đủ nước sản xuất trong mùa khô năm nay, gia đình tôi chủ động tích trữ nước vào ao chứa. Với lượng nước đã tích trữ cùng với lượng nước dồi dào trên các tuyến kênh nội đồng, gia đình tôi có thể sản xuất xuyên suốt trong mùa khô năm nay”.

Thường xuyên kiểm tra chất lượng nước tại các cống đầu mối, hạn chế tình trạng rò rỉ nước mặn vào các kênh, rạch
Để hạn chế đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng và thiệt hại trong sản xuất, sinh hoạt của người dân do hạn, xâm nhập mặn gây ra, UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành cần quán triệt thực hiện tốt kế hoạch của UBND tỉnh về phòng, chống hạn, xâm nhập mặn năm 2025.
Trong đó, theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn để chỉ đạo, dự báo và cảnh báo thiên tai hiệu quả, thông tin kịp thời về diễn biến hạn, xâm nhập mặn qua các bản tin chuyên môn của ngành chức năng có liên quan và các địa phương trong tỉnh để người dân biết sớm, từ đó có giải pháp ứng phó kịp thời.
Cụ thể, đối với các huyện vùng giữa và thượng nguồn của tỉnh, thực hiện đồng bộ việc kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, các trạm bơm điện gắn với nạo vét các tuyến kênh nội đồng nhằm bảo đảm khả năng trữ nước ngọt trên đồng.
Còn đối với các huyện vùng hạ nguồn của tỉnh, cần thường xuyên kiểm tra việc vận hành các công trình ngăn mặn, trữ ngọt, không cho mặn xâm nhập sâu vào nội đồng bằng giải pháp đóng các cửa cống; đồng thời, nạo vét các tuyến kênh nội đồng để trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Đối với vùng có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, các công ty, nhà máy cấp nước thực hiện rà soát, sửa chữa hệ thống cấp nước nông thôn và xem xét mở rộng tuyến ống để đáp ứng nhu cầu nước sạch trong mùa hạn, mặn cho người dân.
Bên cạnh đó, ngành chức năng, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tích trữ và sử dụng nước tiết kiệm; trong đó, tận dụng kênh, rạch hiện có để trữ nước ngọt nhằm bảo đảm đủ nước cho cây trồng, vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại.
Đặc biệt, khuyến cáo người dân ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp như tưới tiết kiệm nước, thủy canh, khí canh và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm giảm tác động tiêu cực, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Quyền Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Trần Thị Mộng Thúy cho biết, Chi cục đề nghị Trung tâm Quản lý Khai thác công trình thủy lợi phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện phía Nam và TP.Tân An thường xuyên cập nhật thông tin và đưa ra dự báo, cảnh báo kịp thời về tình hình xâm nhập mặn trong suốt mùa khô; theo dõi và sử dụng hiệu quả dữ liệu từ các trạm đo mặn tự động; tập trung rà soát số hộ gia đình có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt để triển khai biện pháp hỗ trợ kịp thời, bảo đảm không để người dân thiếu nước sinh hoạt trong mùa hạn, mặn năm nay./.