Vi phạm trong hoạt động thương mại diễn biến phức tạp hơn

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thương mại có diễn biến phức tạp hơn. Đối tượng vi phạm tham gia đầy đủ chu trình khép kín, từ sản xuất đến phân phối, đưa hàng giả ra thị trường.

Sáng 17/12, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, trong năm 2024, tình hình thị trường cơ bản ổn định. Hàng hóa trên thị trường đa dạng, trong đó tập trung gia tăng nguồn cung vào nhóm hàng thực phẩm, thời trang, hàng tiêu dùng với nhiều chủng loại, xuất xứ và mức giá ở các phân khúc thị trường khác nhau.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT. Ảnh: Moit.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT. Ảnh: Moit.

Vi phạm trong hoạt động thương mại diễn biến phức tạp hơn và tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn

Tuy nhiên, ông Linh nhấn mạnh, tình hình vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thương mại có diễn biến phức tạp hơn và tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn khi đối tượng vi phạm không chỉ làm thương mại mà tham gia đầy đủ chu trình khép kín, từ sản xuất đến phân phối, đưa hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lưu thông trên thị trường; số lượng, trị giá hàng hóa vi phạm lớn, thuộc trường hợp chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để xem xét dấu hiệu tội phạm.

Điển hình là các vụ việc phát hiện, thu giữ sách giáo khoa giả mạo nhãn, bao bì của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam tại Hậu Giang, Sóc Trăng; vụ việc sản xuất bóng golf giả mạo nhãn hiệu tại Yên Bái; vụ việc sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả của Công ty Cổ phần sữa Hà Lan; gạo giả mạo nhãn hiệu Gạo Ông Cua; sản xuất hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam (thuốc) và Công ty TNHH đầu tư và thương mại HBT (động cơ máy nổ); một số vụ việc sản xuất thực phẩm bổ sung giả tên, địa chỉ thương nhân, giả mạo nhãn, bao bì sản phẩm tại Hà Nội, Tây Ninh.

"Các đối tượng vi phạm bị kiểm tra, xử lý không chỉ là các đối tượng hoạt động nhỏ lẻ, mang tính thời vụ như trước mà có xu hướng gia tăng vi phạm tại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có đăng ký đầy đủ tư cách pháp nhân, có giấy phép kinh doanh.

Hội nghị trực tuyến đến lực lượng QLTT 63 tỉnh thành. Ảnh: Moit.

Hội nghị trực tuyến đến lực lượng QLTT 63 tỉnh thành. Ảnh: Moit.

Số lượng các vụ việc vi phạm về điều kiện kinh doanh và việc thực hiện các quy định của pháp luật trong kinh doanh có điều kiện được phát hiện, xử lý gia tăng, điển hình là vi phạm của các thương nhân kinh doanh rượu (mua bán rượu không đúng đối tượng, địa bàn trên giấy phép kinh doanh); thương nhân kinh doanh xăng dầu (mua, bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối, kinh doanh xăng dầu không đáp ứng các điều kiện kinh doanh của thương nhân phân phối).

Tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào các thời điểm lễ tết, kỳ nghỉ dài ngày do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm trở nên sôi động.

Ngoài ra, hàng hóa vi phạm được các đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa. Vi phạm chủ yếu phát hiện đối với nhóm hàng có nhu cầu cao như thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm.

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, theo ông Linh, đa số các thương nhân xây dựng nhiều kho hàng gần cửa khẩu và thiết lập các điểm livestream chốt đơn ở các tỉnh, thành phố, giao hàng thông qua đơn vị chuyển phát. Các tài khoản chào hàng trung gian, địa điểm tiếp nhận đơn và chuyển hàng được bố trí ở nhiều địa điểm khác nhau.

Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ký gửi hàng hóa và sử dụng những người nổi tiếng, nhiều lượt theo dõi trên trang cá nhân để livestream, chốt đơn hàng. Do tốc độ lưu chuyển hàng hóa nhanh nên số lượng, chủng loại hàng hóa tại các kho tương đối lớn và thường xuyên biến động.

Trong năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực này và phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước...

Tuyệt đối không để gián đoạn hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường

Chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh, năm 2025, tình hình kinh tế - xã hội nói chung và ngành Công thương nói riêng được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi.

Nền kinh tế mở cùng với tốc độ gia tăng cao của thương mại điện tử (nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới) sẽ ngày càng đặt ra nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp hơn cho công tác Quản lý thị trường.

Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương. Ảnh: Moit.

Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương. Ảnh: Moit.

Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng bùng phát và ngày càng tinh vi hơn. Bên cạnh đó, kinh tế nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với việc tham gia nhiều các Hiệp định thương mại sẽ mang lại nhiều thời cơ, thuận lợi cho hoạt động ngoại thương nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về quản lý hàng hóa nhập khẩu, nhất là hàng tạm nhập, tái xuất.

Từ bối cảnh trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, mục tiêu chung của công tác năm tới là tập trung đấu tranh, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phấn đấu tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất trong nước.

Để thực hiện tốt mục tiêu trên và kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém thời gian qua, Bộ trưởng đề nghị toàn lực lượng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ năm 2025 được giao, thông qua các nhiệm vụ:

Một là, tiếp tục quán triệt thật sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ (qua các Nghị định, Thông tư, Chỉ thị, Công điện…), cùng với khuyến nghị của các Bộ, ngành liên quan và chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương để thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng QLTT, tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, qua thực tiễn quản lý, thực thi công vụ, lực lượng QLTT cần tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu cho Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương ban hành mới (hoặc sửa đổi, bổ sung) các quy định, cơ chế chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của toàn lực lượng.

Hai là, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường (đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết) nhằm kịp thời phát hiện và xử lý thật nghiêm các sai phạm, nhất là những sai phạm có tính phổ biến trong sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chú trọng kiểm tra, xử lý các sai phạm trong các ngành hàng thiết yếu như: xăng dầu, phân bón; các loại thực phẩm, đồ uống, thuốc lá (nhất là thuốc lá thế hệ mới); thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, hàng thời trang, hàng điện tử...

Trong bối cảnh mới, cả nước đang tích cực và khẩn trương thực hiện Nghị quyết 18, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặc biệt nhắc lại tinh thần, không có khoảng trống, không bị đứt đoạn trong công tác triển khai, thực thi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thị trường của lực lượng QLTT.

"Các đồng chí phải quyết liệt thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công thương. Tổng cục QLTT vẫn phải cùng Cục QLTT các địa phương quán triệt thực hiện nhiệm vụ cho đến khi có quy định mới", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo.

Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn với các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử, đặc biệt là thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết của UBTV Quốc hội về giám sát chuyên đề Thương mại điện tử và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương trong lĩnh vực thương mại điện tử (như Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025; Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ; tăng cường công tác hậu kiểm trong quản lý hoạt động thương mại điện tử).

Ba là, tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong chỉ đạo điều hành và ý thức chấp hành pháp luật của công chức trong toàn lực lượng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm, nhất là đối với hành vi bảo kê, tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức, sự đồng thuận trong hành động và sự chia sẻ, ủng hộ của xã hội đối với các hoạt động của ngành; đồng thời, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong mọi hoạt động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trên các mặt công tác trong toàn lực lượng.

Năm là, về sắp xếp tổ chức bộ máy của lực lượng Quản lý thị trường thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, toàn lực lượng xác định việc sắp xếp tổ chức bộ máy là việc cần làm và phải làm ngay nhưng phải làm khách quan, dân chủ, khoa học, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả (chứ không phải là sự sắp xếp cơ học) nhằm giảm thiểu sự chồng chéo, không rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị (tổ, đội).

"Tuyệt đối không để phát sinh tư tưởng, mất đoàn kết nội bộ; không để xảy ra tình trạng so bì, bê trễ, lơ là trong thực thi công vụ, nhất là trong bối cảnh năm mới và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, thị trường hàng hóa sẽ rất sôi động, dễ phát sinh những sai phạm trong sản xuất, kinh doanh nếu công tác kiểm tra, giám sát thị trường bị buông lỏng", Bộ trưởng chỉ đạo và đặc biệt nhấn mạnh thêm một lần nữa về nhiệm vụ không để gián đoạn, không tạo khoảng trống trong công tác QLTT.

Kết quả, năm 2024, lực lượng QLTT đã thanh tra, kiểm tra 68.280 vụ (giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023), phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023); chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023). Thu nộp NSNN trên 541 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023). Trị giá hàng hóa vi phạm 425 tỷ đồng (tăng 23% so với năm 2023), trong đó: Trị giá hàng hóa tịch thu 220 tỷ đồng; trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy 205 tỷ đồng...

Ngọc Diệp

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-pham-trong-hoat-dong-thuong-mai-dien-bien-phuc-tap-hon-192241217111215084.htm
Zalo