Kiên định chính sách tài khóa vì dân

Với sứ mệnh huy động mọi nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Chính phủ, ở bất cứ thời điểm nào, ngành Tài chính đều kiên định mục tiêu xây dựng hệ thống chính sách tài chính theo quan điểm lấy dân làm gốc, dựa vào dân, phục vụ nhân dân. Điều này đã được minh chứng trong suốt chiều dài 80 năm xây dựng và bảo vệ đất nước, cũng gắn liền với sự hình thành và phát triển của ngành Tài chính đến hôm nay.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Hoãn, giảm thuế những lúc khó khăn

Ngay từ thời điểm đất nước Việt Nam non trẻ ra đời, ngành Tài chính được thành lập, Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng đã tiến hành cải cách hệ thống thuế cũ, bãi bỏ các thứ thuế bất hợp lý, xây dựng chế độ thuế mới phù hợp.

Cùng với đó, công tác phát hành công trái, công phiếu, tín phiếu củng cố giá trị đồng tiền, hạn chế lạm phát và giải quyết khó khăn về tài chính để phục vụ kháng chiến cũng được triển khai sâu rộng.

Bên cạnh các giải pháp cấp bách nói trên, ngành Tài chính cũng sớm xác định các nguồn thu lâu dài và thường xuyên cho ngân sách nhà nước (NSNN) phải dựa trên nghĩa vụ đóng góp theo pháp luật, sớm có những chính sách huy động nguồn lực công bằng, thường xuyên, đều đặn.

Vào thời điểm đó, để nhân dân an tâm và phấn khởi sản xuất, giải phóng sức sản xuất bị kìm hãm do nạn sưu cao thuế nặng, Chính phủ Lâm thời đã ra sắc lệnh quyết định bãi bỏ các hạng thuế môn bài thấp (dưới 50 đồng/năm).

Hay như ở thời điểm nạn lũ lụt năm 1945, làm thiệt hại ước chừng 274.000 tấn thóc chiêm; vụ mùa tại Bắc bộ do thiếu nước và côn trùng phá hại nên thu hoạch giảm sút khoảng 60%, sau khi được sự đồng ý của Hội đồng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành nghị định nhất loạt giảm 20% thuế điền trong cả nước và các địa phương bị nạn lụt được miễn không phải trả thuế điền năm 1945.

“Sức mạnh” của chính sách tài khóa nhân văn

Kiên định một mục tiêu vì dân, khi người dân gặp khó khăn, Chính phủ đã cùng sẻ chia, giúp đỡ thông qua hàng loạt các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí…

Nhìn lại chính sách tài khóa 5 năm qua, định hướng nêu trên đã được thể hiện rõ nhất. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong các cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp đã khẳng định Chính phủ luôn đồng hành bên cạnh doanh nghiệp, bất kể là doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước. Mục tiêu cao nhất để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy phát triển.

Chính sách tài khóa được coi là bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế

“Sức mạnh” trong việc thực hiện chính sách tài khóa đến từ việc Chính phủ, Bộ Tài chính đã duy trì một lập trường tài khóa khôn khéo, khi miễn, giảm, giãn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí, nhưng cái được lớn hơn là doanh nghiệp phục hồi, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và quay trở lại đóng góp cho ngân sách. Chính sách tài khóa được coi là bệ đỡ, là trụ cột cho tăng trưởng kinh tế. Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong

5 năm qua, trước tình hình dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã triển khai tổng thể các giải pháp, trong đó không thể thiếu chính sách tài khóa hỗ trợ nhân dân. Qua thống kê cho thấy, gần 5 năm đã có khoảng 900 nghìn tỷ đồng hỗ trợ thông qua các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí. Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 196 nghìn tỷ đồng. Năm 2024 ước tính khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng.

Mỗi năm trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư quy định giảm 35 - 37 khoản phí, lệ phí như phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, y tế, cấp căn cước công dân, thẩm định dự án đầu tư xây dựng… Số tiền giảm phí, lệ phí hỗ trợ từ khoảng 700 tỷ đồng/năm. Trong thời điểm khó khăn nhất của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 với gói hỗ trợ lên tới 347 nghìn tỷ đồng.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, “sức mạnh” trong việc thực hiện chính sách tài khóa đến từ việc Chính phủ, Bộ Tài chính đã duy trì một lập trường tài khóa khôn khéo, khi miễn, giảm, giãn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí, nhưng cái được lớn hơn là doanh nghiệp phục hồi, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và quay trở lại đóng góp cho ngân sách. Chính sách tài khóa được coi là bệ đỡ, là trụ cột cho tăng trưởng kinh tế. Điều đáng trân trọng, theo vị chuyên gia này, đó là khi nhận thấy tình hình còn nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đã kịp thời đề xuất các giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước, như đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng, giảm nhiều khoản phí hỗ trợ người dân.

“Việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài chính thời gian qua đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất kinh doanh. Đời sống của người dân được trở lại bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế” - TS. Nguyễn Minh Phong nhận định.

Chính sách miễn, giảm, giãn thuế hỗ trợ trực tiếp, kịp thời cho doanh nghiệp

Những năm gần đây, do tình hình dịch bệnh chưa có trong tiền lệ nên Chính phủ, Bộ Tài chính đã linh hoạt ứng phó, chủ động trong điều hành và thực thi nhiều biện pháp “chưa từng có tiền lệ”. Nhiều gói chính sách giãn, hoãn, giảm thuế được thực hiện. Các gói hỗ trợ giảm thuế, nhất là giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã có tác dụng tốt với việc kiềm chế lạm phát; góp phần phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Chia sẻ với báo chí, đại diện Công ty TNHH CEDO Việt Nam cho biết, chỉ riêng năm 2024, được giảm thuế 6 tháng cuối năm, doanh nghiệp đã có thêm cả chục tỷ đồng để mua sắm thêm gần chục máy mới, mở rộng sản xuất kinh doanh. Chính sách này còn được kéo dài sang nửa năm 2025 tới đây. Như vậy, liên tục lần thứ 5, chính sách giảm, giãn thuế được thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và kích cầu cho nền kinh tế, vượt qua những ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu.

Chia sẻ niềm vui với báo chí, ông Vũ Văn Phụ - Chủ tịch HĐQT Nhà máy Nhôm Việt Pháp cho biết, việc gia hạn thời gian nộp thuế, Chính phủ kéo dài 2 - 3 tháng, doanh nghiệp sẽ được lợi về lãi suất khoảng 135 - 140 triệu đồng/tháng. Ở một góc độ khác, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, ông Phạm Văn Việt cũng chia sẻ niềm vui: “Chúng tôi đỡ phải lo nguồn vốn trong 6 tháng cuối năm và cũng không phải trả một lần với số tiền quá lớn để tập trung vào mua nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất”. Với doanh nghiệp ngành dệt may, số tiền được gia hạn nộp thuế lên tới trên 60 tỷ đồng và trở thành nguồn lực tài chính chủ động, ngay lập tức được đưa trở lại phục vụ sản xuất, kinh doanh của chính doanh nghiệp.

Việc được giãn hoãn nộp các khoản thuế, tiền thuê đất sẽ giúp doanh nghiệp có thêm dòng vốn ngắn hạn, rất có ý nghĩa với doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kien-dinh-chinh-sach-tai-khoa-vi-dan-167614.html
Zalo