Xu hướng chi tiêu tiết kiệm dịp Tết 2025
Những năm trước, sức mua hàng hóa sản phẩm Tết gia tăng từ tháng 11 âm lịch. Tuy nhiên, năm nay, dự báo nhu cầu mua sắm giảm vì người tiêu dùng muốn dành nhiều thời gian cho nghỉ ngơi hay chi tiêu đơn giản hơn. Sự thay đổi không chỉ trong ngắn hạn năm 2025 mà có thể lâu hơn nữa.
Liên quan tới tình hình tài chính, nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường và truyền thông toàn cầu NielsenIQ cho thấy, có đến 67% người dân Việt Nam tin tưởng tình hình tài chính sẽ đi lên. So với 1 năm trước đây, con số này là hơn 50%. Số liệu này cho thấy sự thay đổi về mặt thu nhập. Tuy nhiên, người dân lại thận trọng hơn trong chi tiêu bởi những biến động khách quan và sự thay đổi xu hướng tiêu dùng.
Tại Hội thảo “Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội”, bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc Nghiên cứu hành vi khách hàng, đại diện khu vực phía Bắc của NielsenIQ Việt Nam cho biết, NielsenIQ có chia ra 5 nhóm người tiêu dùng thể hiện mức độ chi tiêu thực tế. 3 nhóm đầu tiên bị ảnh hưởng nhiều về kinh tế, và bây giờ vẫn bị ảnh hưởng. Nhóm thứ 4 bị ảnh hưởng, nhưng đã phục hồi và nhóm thứ 5 không bị ảnh hưởng, nhưng rất thận trọng.
“3 nhóm này chiếm 56% là những người chi tiêu rất thận trọng. Mặc dù họ có niềm tin về sự phục hồi, nhưng vẫn chưa thực sự yên tâm, vì vậy trong việc chi tiêu rất thận trọng. Sự thận trọng thể hiện ở việc có đến 69% biết rõ mức giá tăng của những mặt hàng thiết yếu”, bà Đặng Thúy Hà cho biết.
Theo NielsenIQ, đối với mức độ tiêu thụ: Quý III và IV/2024 hàng hóa tiêu thụ nhanh, điều này cũng tương tự như các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Trung Quốc. Tháng 9/2024, NielsenIQ đo được mức độ tăng trưởng của hàng hóa tiêu thụ nhanh là 1,3%, đây là chỉ số đi lên.
Trong nghiên cứu gần nhất của NielsenIQ, có tới 42% người tiêu dùng quan tâm tới tài chính cá nhân của họ trong năm tới. Trong khi mức độ tiêu thụ vẫn dè dặt thì đây là chỉ số quan ngại. Người tiêu dùng không chỉ quan tâm tới yếu tố “đủ ăn đủ mặc”, mà còn quan tâm tới việc tận hưởng cuộc sống.
“Chúng tôi hi vọng với những điểm sáng về xuất nhập khẩu, đầu tư FDI, đầu tư công sẽ thúc đẩy hành vi tiêu dùng tại Việt Nam nhiều hơn”, chuyên gia của NielsenIQ bày tỏ.
Số liệu từ Kantar Worldpanel Vietnam cũng cho thấy, trong 3 năm qua, giá trị đóng góp từ 2 tháng Tết vào kết quả kinh doanh cả năm của ngành hàng tiêu dùng nhanh đã giảm dần từ 2-3% ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Với xu hướng chuẩn bị cho Tết Nguyên đán đơn giản và tiện lợi, những sản phẩm được chú ý trong mùa mua sắm Tết tập trung vào các dòng hàng thiết thực, tốt cho sức khỏe, tiêu dùng với mức giá hợp lý, vừa túi tiền.
Theo bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc khối kinh doanh của Kantar Worldpanel Vietnam: Nhu cầu của người tiêu dùng, của thị trường có sự thay đổi khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tăng trưởng. Người tiêu dùng quan tâm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe tinh thần, các sản phẩm liên quan đến tình cảm và tính kết nối người tiêu dùng với gia đình, bạn bè, cộng đồng.
Ngoài ra, trên thị trường nhiều thương hiệu, sản phẩm mới trong và ngoài nước với những đổi mới trong bao bì, nhãn mác hay giá thành cạnh tranh hơn được giới thiệu. Đặc biệt, sự xuất hiện thêm nhiều kênh mua sắm mới như hệ thống các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội hay các cửa hàng chuyên doanh.
Thị trường được chia nhỏ ra, không chỉ người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm dễ dàng, mà các doanh nghiệp nhỏ cũng có cơ hội hiện diện nhiều hơn trên các kênh phân phối. Đây là điều mà trước đây các công ty nhỏ, mới thành lập gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận kênh phân phối vốn khá hạn chế, chỉ có cửa hàng nhỏ lẻ, siêu thị, chợ.
Từ sự đa dạng của các kênh phân phối, cùng thuận tiện trong vận chuyển, nhiều gia đình ở khu vực ngoại thành, nông thôn cũng có thể dễ dàng và nhanh chóng mua hàng online. Bà Nguyễn Phương Nga cho biết, số liệu thống kê, năm 2023 có 31% số hộ gia đình ở nông thôn mua online các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Tính trung bình có khoảng 6 triệu hộ gia đình ở nông thôn đã mua online và xu hướng này dự báo sẽ ngày càng gia tăng.
Sự thay đổi này đang đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ chuyển đổi sản xuất kinh doanh theo hướng xanh, sạch hơn, mà còn thay đổi cách thức truyền thông sản phẩm, hàng hóa. Thay vì nhấn mạnh vào những quy định, đặc tính sản phẩm, hiện nay cách quảng bá đã gần gũi, hấp dẫn và có câu chuyện để lôi cuốn người tiêu dùng.