Kiểm tra Ngữ văn không dùng ngữ liệu trong SGK: Bớt lo học thêm mới có điểm cao

Không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa sẽ tạo ra sự hấp dẫn cho những học sinh có năng khiếu văn, tránh tình trạng học sinh ỷ lại, chỉ chọn tác phẩm để học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý một số vấn đề cụ thể đối với việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn.

Theo đó, các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông cần tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ. Thay vào đó, sẽ sử dụng các ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.

Phụ huynh không cần lo việc phải cho con đi học thêm mới có điểm cao

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, sự thay đổi này sẽ chấm dứt tình trạng học vẹt, học tủ của học sinh khi không còn chuyện học tác phẩm nào thi vào tác phẩm đó.

Trước kia học sinh học thuộc lòng theo thầy cô, chứ không thật sự là văn của các em. Sự thay đổi này cũng là cách giúp học sinh được thoải mái bày tỏ quan điểm và nâng cao khả năng sáng tạo, tích cực, chủ động, từ đó phát huy năng lực bản thân, cảm nhận văn học tốt hơn.

Đồng thời, với cách kiểm tra và đánh giá này, giáo viên cũng phải phát triển bản thân không ngừng. Các thầy cô sẽ thật sự là người truyền cảm hứng, khơi gợi cảm xúc, được thả mình vào văn chương với từng tác phẩm.

Bên cạnh đó, sự đổi mới này đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực rất nhiều để bài giảng được cuốn hút hơn. Và sau mỗi bài giảng của thầy cô, từ việc khai thác một văn bản trong sách giáo khoa có thể giúp học sinh khai thác một văn bản khác.

 Cô giáo Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Mộc Hương.

Cô giáo Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Mộc Hương.

“Cách dạy, cách kiểm tra đánh giá này giúp giáo viên phát huy được khả năng sáng tạo trong văn chương nhưng cũng đồng thời tránh được hiện tượng dạy thêm, học thêm. Phụ huynh không cần lo việc phải cho con đi học thêm mới có điểm cao”, cô Vân Hồng chia sẻ.

Đồng quan điểm, thầy Trần Văn Toản, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Quốc học Huế cho rằng, những năm trước, ngữ liệu ngoài sách giáo khoa đã được đưa vào phần Đọc hiểu trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đề kiểm tra định kỳ của nhiều trường.

Với hướng dẫn mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể hiểu, các tác phẩm đã học trong sách giáo khoa cũng sẽ không được đưa vào câu Làm văn.

“Trước đây các em có thể đoán tác phẩm trong câu 2 của phần Làm văn nhưng hiện nay cả giáo viên và người học sẽ không đoán được. Việc chọn ngữ liệu hoàn toàn mới từ phần Đọc hiểu, Nghị luận văn học, Làm văn sẽ tạo ra sự hấp dẫn cho những học sinh có năng khiếu văn, tránh tình trạng học sinh ỷ lại, chỉ chọn tác phẩm để học”, thầy Toản chia sẻ.

Cũng theo thầy Toản, trước đây học sinh sẽ học theo kiểu học gì thi đó ở câu 2 phần Làm văn, dẫn đến tình trạng học tủ, giảm khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh. Sự đổi mới này sẽ khắc phục tối đa tình trạng học theo văn mẫu hay những bài viết có sẵn.

Ngoài ra, trong quá trình học, học sinh cũng khó đoán được tác phẩm nào sẽ xuất hiện trong đề bởi việc chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa vô cùng phong phú, đa dạng.

Từ đó, các em sẽ phải học và làm bài bằng chính những kiến thức, kĩ năng, phương pháp làm bài được các thầy cô trang bị.

Bên cạnh đó, nếu đưa ngữ liệu hoàn toàn ngoài sách giáo khoa vào đề thi, giáo viên cũng cần phải đổi mới phương pháp dạy học phù hợp, xác định rõ mục tiêu dạy học môn ngữ văn, trang bị cho các em kỹ năng, cách thức làm bài, cả thầy và trò đều phải rèn luyện, rèn giũa để gặp bất cứ tác phẩm nào, ngữ liệu nào thì các em cũng có thể làm được.

Còn theo cô Mộng Thu, giáo viên Ngữ văn tại Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), những đoạn trích được lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa sẽ giúp cho học độc lập, sáng tạo trong suy nghĩ, tránh học vẹt, học tủ, tuy nhiên việc này đòi hỏi các em nắm vững từng đặc trưng của thể loại và đặc trưng của từng phương pháp làm bài.

Đồng thời, việc này giúp học sinh có được kỹ năng tư duy, hướng đến 4 kỹ năng đọc, viết, nói, nghe, tránh tình trạng học theo văn mẫu hay học theo các bài viết có sẵn.

Với cách làm này, học sinh sẽ tự cảm nhận được cái hay của từng tác phẩm dựa trên đặc trưng của thể loại mà thầy cô đã dạy, từ đó, giáo viên cũng trở lại đúng vai trò là người truyền cảm hứng chứ không phải "thợ dạy".

Tuy nhiên, việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá đặt ra nhiều thách thức cho đội ngũ giáo viên, các thầy cô phải không ngừng tự học, tự bồi dưỡng kiến thức, tiếp tục cải tiến phương pháp dạy học để có thể phát huy được năng lực và phẩm chất của học sinh.

 Ảnh minh họa.V.D

Ảnh minh họa.V.D

Chia sẻ về phương pháp ôn tập để đáp ứng yêu cầu đề thi của chương trình mới, cô Thu cho biết, nhà trường và tổ chuyên môn đã hướng dẫn học sinh tìm hiểu và nắm chắc các đặc điểm của từng thể loại văn học, vận dụng đọc hiểu các văn bản ngoài sách giáo khoa ngay sau khi học xong các thể loại.

Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 cách dạy phải thay đổi để học trò nắm đặc trưng thể loại, kỹ năng đọc, viết, nói, nghe. Giáo viên không lấy văn bản đã học để ra đề mà chỉ lấy văn bản tương đương mà các em chưa học.

Còn theo cô Vân Hồng, học sinh được ôn tập theo nội dung chủ đề của thời gian học, khi học thể thơ 5 chữ giáo viên sẽ dạy cách nhận diện đặc điểm, cách khai thác của thể thơ 5 chữ, học sinh được ôn theo thể loại, chủ đề.

Hay khi học về truyện ngắn hiện đại thì sẽ dạy chung về truyện ngắn sau đó đi vào 1 số tác phẩm cụ thể. Từ đó, học sinh nắm vững được phương pháp làm bài của từng thể loại, các em hoàn toàn có thể làm tốt bài thi của mình.

Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Quốc học Huế cho rằng điều này buộc giáo viên văn phải quán triệt các em về phương châm, mục tiêu, cách thức ra đề. Đồng thời trang bị cho học sinh kỹ năng, phương pháp làm bài, đặc trưng thể loại để vào phòng thi gặp bất cứ tác phẩm mới nào cũng có thể vận dụng để làm.

Chọn ngữ liệu liệu tin cậy, đảm bảo chất lượng

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương, Hà Nội, để đưa ngữ liệu ngoài sách giáo khoa vào đề thi đòi hỏi người ra đề phải có chuyên môn vững vàng, các thầy, cô cần có trách nhiệm, thận trọng, hơn trong việc ra đề.

Điều này cũng sẽ giúp giáo viên nâng cao trình độ, chỉnh chu, cẩn thận trong việc chọn ngữ liệu làm sao để đảm bảo sự trong sáng về mặt tiếng việt, đảm bảo tính thẩm mỹ, giá trị văn học, có nguồn gốc rõ ràng, có trích dẫn đầy đủ và hướng tới tính nhân văn, tính giáo dục.

Còn theo cô Mộng Thu, yếu tố quan trọng nhất để ra được đề kiểm tra môn Ngữ văn theo yêu cầu mới là nguồn ngữ liệu có chất lượng.

Vì vậy, giáo viên cần chọn những ngữ liệu đảm bảo được yêu cầu về mặt thể loại, nghệ thuật, bao trùm được những đặc trưng cơ bản của văn học, ngữ liệu được lựa chọn phải đảm bảo tính chính thống được đăng trên những nhà xuất bản uy tín.

Đồng thời, điều này cũng đòi hỏi người ra đề phải thật sự giỏi, có sự hiểu biết về chuyên môn, luôn cập nhật kiến thức cho bản thân và trong quá trình dạy. Bên cạnh đó, khi lựa chọn ngữ liệu cũng cần chú ý về chủ thể hoặc tính chính trị của ngữ liệu trong một giai đoạn nhất định, đặc biệt là chú ý xem thông điệp nào cần thiết để đưa đến học trò.

Thầy Toản cho rằng, đề kiểm tra định kỳ nếu không có sự kiểm duyệt chuẩn mực, mạnh ai nấy làm sẽ dễ tạo ra những “hạt sạn” đáng tiếc. Vì vậy, ngoài việc nâng cao năng lực chuyên môn, giáo viên cũng cần lựa chọn những văn bản có tính thẩm định, đảm bảo về chất lượng; ra đề căn cứ vào mục tiêu cần đạt của chương trình.

Theo đó, trong nhiệm vụ về thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá năm học 2024-2025 với học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu như sau:

Thực hiện đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông theo đúng quy định, không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình, lưu ý một số nội dung như: xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học; tăng cường thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập.

Đối với môn Ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kì nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thu Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/kiem-tra-ngu-van-khong-dung-ngu-lieu-trong-sgk-bot-lo-hoc-them-moi-co-diem-cao-post244738.gd
Zalo