Kiểm toán Nhà nước: Bảo hiểm đã chi trả, bệnh viện vẫn thu thêm tiền của người bệnh

Qua kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2023 tại Bộ Y tế, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 119,8 tỉ đồng

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa hoàn thành báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2023 tại Bộ Y tế.

KTNN đánh giá trong năm 2023, công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc cơ bản đã thực hiện theo quy định của Nhà nước, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Tuy nhiên, công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách còn nhiều hạn chế, bất cập.

Qua kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2023 tại Bộ Y tế, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 119,8 tỉ đồng

Qua kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2023 tại Bộ Y tế, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 119,8 tỉ đồng

Giải ngân chỉ đạt 2,3%

Về chi đầu tư phát triển, kết quả kiểm toán chỉ rõ công tác đăng ký nhu cầu, phân bổ vốn các dự án khởi công mới năm 2023 chưa sát thực tế, dẫn đến nhiều dự án đăng ký vốn nhưng không phân bổ được, trong năm phải điều chỉnh kế hoạch vốn 2 đợt; việc giao vốn còn chậm.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 năm 2022 của Quốc hội đến hết niên độ năm 2023 chỉ giải ngân 23,14/1.465 tỉ đồng, đạt 1,6%; đến tháng 4-2024 mới giải ngân được 34,186/1.465 tỉ đồng, đạt 2,3%.

KTNN cũng kết luận công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư còn nhiều tồn tại, bất cập. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, danh mục trang thiết bị ban đầu chưa phù hợp, dự toán lập chưa chính xác; phê duyệt một số nội dung thiết kế bản vẽ thi công chưa phù hợp thiết kế cơ sở, không thuộc phạm vi dự án; thiết kế không đầy đủ chi tiết làm căn cứ tính khối lượng.

Phê duyệt dự toán thiết bị y tế chưa tuân thủ quy trình; lập dự toán thiết bị căn cứ vào báo giá thiết bị có thông số kỹ thuật không đồng nhất; dự toán trình, phê duyệt chi phí dự phòng tăng so với thẩm định của cơ quan chuyên môn và không có cơ sở.

Thu, chi chưa đúng quy định

Cơ quan kiểm toán cũng phát hiện nhiều khoản thu, chi chưa đúng quy định. Cụ thể, về chi thường xuyên, kết quả kiểm toán chỉ rõ một số đơn vị lập dự toán chưa đầy đủ căn cứ, thuyết minh, lập một số nội dung chưa đảm bảo theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Bộ Y tế phân bổ dự toán điều chỉnh nhiều lần; phân bổ kinh phí thực hiện chính sách miễn học phí cho người học chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y nhưng chưa được Nhà nước đặt hàng theo quy định tại Nghị định số 81 năm 2021 của Chính phủ; phân bổ kinh phí cho một số nhiệm vụ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững không thuộc nội dung chi theo quy định tại Thông tư số 46 năm 2022 của Bộ Tài chính; giao dự toán viện trợ cho các đơn vị trực thuộc làm chủ dự án ODA chưa chi tiết từng dự án theo quy định tại Thông tư số 78 năm 2022 của Bộ Tài chính...

Về thu dịch vụ y tế, KTNN cho biết một số đơn vị chưa ghi nhận doanh thu dịch vụ khám chữa bệnh đối với các dịch vụ đã hoàn thành; phản ánh chưa đúng tính chất nguồn thu. Một số dịch vụ y tế xây dựng giá có một số danh mục thuốc, chi phí đã được kết cấu trong cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh được BHXH chi trả nhưng cơ sở khám chữa bệnh vẫn thu thêm tiền của bệnh nhân; áp giá dịch vụ khám chữa bệnh chưa chính xác.

Theo KTNN, một số khoản thu dịch vụ khác nhưng phản ánh thu khám chữa bệnh. Một số bệnh viện phát sinh thu từ thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chưa được quy định trong Thông tư số 13 năm 2023 của Bộ Y tế như dịch vụ phẫu thuật theo yêu cầu trong hoặc ngoài giờ hành chính; phẫu thuật ghép gan; Thu của bệnh nhân một số dịch vụ kỹ thuật đã được kết cấu trong giá ngày, giường trong giá dịch vụ phẫu thuật.

KTNN chỉ rõ: Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM có 3 cơ sở khám chữa bệnh được Bộ Y tế cấp trong 1 giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chưa đúng quy định tại Nghị định số 109 năm 2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đại học Y dược TP HCM thực hiện dịch vụ xét nghiệm khi chưa có giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề theo quy định.

Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 119,848 tỉ đồng. Trong đó, tăng thu ngân sách Nhà nước gần 62,2 tỉ đồng; Thu hồi, giảm chi ngân sách hơn 57,6 tỉ đồng. Kiến nghị khác 71,07 tỉ đồng, gồm: Giảm chi khác hơn 1,3 tỉ đồng; Giảm khác các dự án đầu tư xây dựng hơn 69,7 tỉ đồng.

KTNN cũng kiến nghị Bộ Y tế và các đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục các tồn tại, hạn trong việc lập, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư công; thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư; báo cáo cấp có thẩm quyền có giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án...

Chấn chỉnh khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc lập phân bổ, giao dự toán kinh phí; chấm dứt thu thêm của bệnh nhân một số dịch vụ kỹ thuật đã được kết cấu trong giá dịch vụ khám chữa bệnh hoặc đã được BHXH chi trả; chấm dứt việc sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê không có đề án được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền...

Ngoài ra, KTNN kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân và xem xét xử lý theo quy định đối với sai sót tồn tại trong việc cấp giấy phép, xác nhận cơ cấu tổ chức, địa điểm hoạt động của Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM được hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại 3 địa điểm chưa tuân thủ theo quy định; Tổ chức hoạt động xét nghiệm khi chưa có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh và chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh theo quy định tại Đại học Y dược TP HCM.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kiem-toan-nha-nuoc-bao-hiem-da-chi-tra-benh-vien-van-thu-them-tien-cua-nguoi-benh-196240919082343677.htm
Zalo