Kiểm soát thị trường thuốc điều trị cúm

Trong những ngày gần đây, bệnh cúm đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội. Theo thống kê, trong tháng 1, Hà Nội ghi nhận hơn 820 trường hợp mắc cúm, tăng 51 trường hợp (6%) so với cùng kỳ năm 2024.

Lo ngại dịch bệnh bùng phát, nhiều người dân đã tìm mua thuốc Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir) để dự phòng, khiến nhiều nhà thuốc nâng giá sản phẩm thuốc này, dẫn đến tình trạng biến động giá thuốc Tamiflu trên thị trường.

Trên trang web của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), thuốc Tamiflu viên nang cứng (75 mg), hộp 1 vỉ gồm 10 viên có giá bán công khai là 44.877 đồng/viên (gần 450.000 đồng/hộp). Tuy nhiên, thực tế hầu như không có nhà thuốc nào bán đúng giá này.

Theo khảo sát tại các nhà thuốc ở phố Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân), thuốc Tamiflu được bán với giá 52.000 đồng/viên, tức 520.000 đồng hộp (cao hơn 15% so với giá niêm yết). Một số nhà thuốc tại các quận Thanh Xuân, Đống Đa còn chào bán với mức giá từ 60.000-75.000 đồng/viên. Nhân viên các cửa hàng thuốc lý giải, gần đây, giá thuốc Tamiflu tăng cao do nhu cầu người dân mua tích trữ đã khiến nguồn cung khan hiếm, buộc họ phải nhập hàng với giá cao. Không chỉ có thuốc Tamiflu tăng giá, mà một tuần gần đây, giá các loại thuốc liên quan đến cúm đều tăng.

Trước thực tế trên, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir vẫn bảo đảm đủ nguồn cung. Đối với thuốc Tamiflu, theo thông tin từ công ty nhập khẩu, hiện số lượng thuốc tồn kho là hơn 10.000 hộp và công ty sẽ nhập thêm khoảng 50.000 hộp trong thời gian tới. Các doanh nghiệp dược phẩm trong nước cũng sản xuất và cung ứng hơn 300.000 viên thuốc chứa Oseltamivir với mức giá bán buôn ổn định.

Theo đại diện Cục Quản lý dược, các hành vi lợi dụng, tăng giá bán nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt theo Khoản 4 Điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP ngày 12/7/2024 của Chính phủ, với số tiền phạt từ 50-80 triệu đồng đối với cá nhân; đối với tổ chức, mức phạt tăng hai lần theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định này.

PGS, TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) lưu ý, thuốc kháng virus điều trị cúm là Oseltamivir (Tamiflu) dùng để ức chế vi-rút nhân lên, làm giảm khả năng bám dính của vi-rút ở đường hô hấp, không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng.

Việc dùng Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48 giờ đầu, theo chỉ định của bác sĩ vì thuốc này là thuốc kê đơn, thường chỉ dùng đối với các trường hợp có nguy cơ chuyển nặng. Người trẻ, khỏe, không có bệnh nền chỉ hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ không cần uống thuốc kháng vi-rút. Bản thân thuốc này cũng có tác dụng phụ và gây tình trạng nhờn thuốc. Chính vì vậy, người dân không nên tự ý mua để tích trữ.

Để bảo đảm bình ổn giá thuốc điều trị cúm, ngành y tế cần khẩn trương chỉ đạo các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc bảo đảm nguồn cung thuốc. Các cơ sở y tế cần lập kế hoạch dự trữ, mua sắm thuốc điều trị cúm, nhất là các thuốc kháng vi-rút, bảo đảm sẵn sàng và cung ứng kịp thời thuốc điều trị bệnh cúm. Bên cạnh đó, Thanh tra Y tế cần phối hợp lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng, bảo đảm thuốc được phân phối hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, vi phạm quy định về giá bán.

HẢI CHI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/kiem-soat-thi-truong-thuoc-dieu-tri-cum-post859908.html
Zalo