Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nâng cao năng lực khám, chữa bệnh
Sáng 9-1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác y tế năm 2023, triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2024. Hội nghị được kết nối tới 63 điểm cầu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu và lãnh đạo Sở Y tế chủ trì hội nghị với sự tham dự của đại diện các sở, ngành và các đơn vị trong ngành Y tế tỉnh.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.
Năm 2023, ngành Y tế cả nước đã thực hiện vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao, đạt 12,5 bác sĩ/10.000 dân; 32 giường bệnh/10.000 dân; có 93,2% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 7/9 chỉ tiêu của ngành Y tế được Chính phủ giao đạt và vượt, như: Tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế, số dược sĩ đại học trên 10.000 dân…
Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của ngành có nhiều đổi mới, thể chế chính sách, văn bản pháp luật được rà soát, sửa đổi, bổ sung. Qua đó, đã giải quyết các vướng mắc, bất cập trước mắt, nhất là tháo gỡ khó khăn trong mua sắm, cấp phép nhập khẩu, lưu hành thuốc, vắc xin, vật tư, thiết bị y tế…
Đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, điều chỉnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang nhóm B. Các dịch bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch chồng dịch; đẩy mạnh phòng, chống bệnh không lây nhiễm.
Y tế cơ sở được chú trọng, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường đã phục hồi so với giai đoạn trước dịch Covid-19. Công tác đào tạo, phát triển nhân lực và khoa học công nghệ, trang thiết bị y tế và công trình y tế được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân…
Tại Tiền Giang, năm 2023, ngành Y tế tỉnh đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, đặc biệt đã ngăn chặn, hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19 trong cộng đồng, khống chế các ca bệnh truyền nhiễm. Các cơ sở y tế tập trung xây dựng cơ sở y tế an toàn để phòng, chống dịch bệnh nhằm chủ động ngăn chặn, khống chế dịch hiệu quả, chất lượng.
Công tác khám bệnh, chữa bệnh, đến năm 2023, tổng số lần khám bệnh tăng so với cùng kỳ, đạt 138,5% so với kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh có 207 cơ sở y tế có giường bệnh với tổng số 3.838 giường bệnh, đạt tỷ lệ 24 giường bệnh/vạn dân. Công suất sử dụng giường bệnh chung toàn tỉnh đạt 71,28%, tăng so với cùng kỳ 2022. Tiếp tục thực hiện hợp tác y tế với các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh để triển khai các kỹ thuật mới tại Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2030 trong khuôn khổ hợp tác giữa tỉnh Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh.
Trong năm 2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang đã triển khai và thực hiện tốt các gói kỹ thuật cao như thay khớp háng bán phần và toàn phần, nội soi khớp gối, kết hợp xương bằng nẹp khóa, kết hợp xương qua màn hình tăng sáng, phẫu thuật nội soi đại trực tràng và cắt tuyến giáp qua nội soi, tiêm Dyspor cho bệnh nhân cứng cơ sau đột quỵ, co thắt cơ mặt; hợp tác quốc tế về đào tạo trên lĩnh vực nội thần kinh…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của ngành Y tế năm qua đã góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn. Về nhiệm vụ năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, đây là năm liền kề năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), do đó ngành Y tế cần bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để xây dựng thể chế, chính sách đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thực hiện đổi mới về cơ chế tài chính theo hướng tính đúng, đủ giá dịch vụ y tế; hoàn thiện cơ chế tài chính để tập trung giải quyết tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc chữa bệnh tại các đơn vị y tế; chuẩn bị đầy đủ cơ sở dữ liệu để thực hiện tốt việc kiểm soát giá dịch vụ y tế.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị ngành Y tế tập trung làm tốt một số nhiệm vụ chuyên môn: Kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh, chủ động chuẩn bị các tình huống, phương án đối phó, đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán; nâng cao năng lực y tế các tuyến, nhất là tuyến cơ sở, y tế dự phòng. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số; nâng cao nguồn lực y tế; thực hiện các giải pháp tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân…