Kiểm soát bệnh sởi, khuyến khích tiêm vắc-xin dự phòng

Trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 20 ca sốt phát ban nghi sởi và 10 ca mắc bệnh sởi xác định. Điều kiện thời tiết hiện nay là môi trường thuận lợi cho nhiều dịch bệnh phát triển; dự báo các ca bệnh sẽ tăng trong những ngày tới.

 Một bệnh nhi phát ban toàn thân do sởi đang điều trị tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế

Một bệnh nhi phát ban toàn thân do sởi đang điều trị tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế

Dễ bị biến chứng trên bệnh nền

Tại Khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu Nhi, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế, hai bệnh nhi (BN) sởi bị biến chứng suy hô hấp, viêm phổi do sởi được hỗ trợ ô-xy và theo dõi các thông số nhịp tim, nhịp thở, máu qua màn hình. Bé Ly Y. N. 4 tuổi, người Xê Đăng đến từ Kon Tum bị hội chứng down kèm bệnh tim nhập viện từ đầu tháng 12/2024. Bé đang ở giai đoạn phát ban sởi trên cơ địa bệnh nền, Khoa đang mời thêm bác sĩ chuyên khoa mắt hội chẩn nhằm theo dõi biến chứng viêm loét giác mạc. Cạnh bệnh nhi N. là Lê Bá M. Q. 1 tuổi đến từ TX. Hương Thủy nhập viện 4 ngày qua. Ca bệnh này có dấu hiệu đáp ứng tốt nên sẽ được chuyển về điều trị chuyên khoa trong những ngày tiếp theo.

ThS.BS Phạm Kiều Lộc, Phó Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu Nhi thông tin: “Thời gian gần đây, Khoa tiếp nhận khoảng 5 ca bệnh sởi nặng. Chúng tôi điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, đồng thời theo dõi các biến chứng của bệnh này trên trẻ như viêm màng não, viêm tai giữa, viêm phổi…”.

Rơi vào tình trạng biến chứng, BN Nguyễn Đ.Y.V. 11 tháng tuổi ở Lộc Bổn, Phú Lộc phát bệnh sởi trên nền tim bị thông liên thất kèm tan máu bẩm sinh. Sau khi nằm hồi sức cấp cứu, bé được chuyển đến cấp cứu Khoa Nhi Tiêu hóa - Tiết niệu - Bệnh nhiệt đới xong về lại Khoa Nhi Tim mạch - Khớp theo dõi. Chị Nguyễn K.N. - mẹ BN kể, V. là con thứ hai trong gia đình, bé chưa được tiêm vắc-xin phòng sởi. Do con đau ốm liên tục nên chị nghỉ việc theo con đi điều trị. Hiện V. nặng 7kg, ăn uống kém.

Theo thống kê ban đầu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, từ đầu năm đến nay, có hơn 20 trẻ sốt phát ban nghi sởi, 10 ca sởi xét nghiệm cho kết quả dương tính. Các ca bệnh này đều dưới 5 tuổi ở TP. Huế, Quảng Điền, Phú Lộc, Hương Thủy… Trong số 6 trẻ trên 9 tháng tuổi thì 4 trẻ chưa tiêm chủng mũi sởi; còn lại trẻ từ 9 tháng tuổi trở xuống đều chưa đủ tuổi tiêm chủng vắc-xin sởi.

Theo dõi sức khỏe trẻ nhiễm sởi tại Khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu Nhi

Theo dõi sức khỏe trẻ nhiễm sởi tại Khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu Nhi

Tăng cường giám sát ở các tuyến cơ sở

Đa phần trẻ nhập viện có các triệu chứng sốt cao (39-40 độ C), ho, sổ mũi, đỏ mắt, phát ban. Ban sởi điển hình là hồng ban dát sẩn xuất hiện tuần tự. Có trẻ bị biến chứng do đưa đến các cơ sở y tế muộn.

Sởi lây qua không khí, tiếp xúc, giọt bắn của dịch tiết mũi, họng người bệnh; lây lan mạnh từ 4 ngày trước khi phát ban đến 4 ngày sau khi phát ban. Chỉ số lây nhiễm Ro 9-12 tức là 1 người có thể lây cho 9 đến 12 người tiếp xúc gần mà chưa có miễn dịch. Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hữu Châu Đức - Phó Trưởng khoa Nhi Tiêu hóa - Tiết niệu - Bệnh nhiệt đới, TT Nhi khoa, BVTW Huế, trẻ chưa được tiêm phòng sởi hoặc tiêm không đầy đủ 2 mũi sởi; trẻ suy giảm miễn dịch là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao. Vì vậy, tăng cường miễn dịch cho trẻ trong cộng đồng và bệnh nhân mắc bệnh mãn tính/suy giảm miễn dịch trong BV rất cần thiết. Cần triển khai song song hai giải pháp: Tiêm vắc-xin (bù, tiêm bổ sung, tiêm chiến dịch), bảo vệ đối tượng nguy cơ nhằm giảm tử vong.

BSCKI. Lê Văn Sanh, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Ký sinh trùng - Côn trùng, CDC tỉnh lưu ý: “Trẻ có sức đề kháng kém sau khi nhiễm sởi sẽ gây bội nhiễm phổi, nhiễm trùng cơ hội, nguy cơ tử vong cao”.

Hiện, CDC tỉnh tăng cường giám sát các ca bệnh, nhất là hệ thống điều trị ở các bệnh viện, trạm y tế, cộng đồng. Khi phát hiện phát ban nghi sởi, CDC lấy mẫu gửi viện Pasteur Nha Trang chẩn đoán xác định, đồng thời phối hợp với trung tâm y tế các địa phương nơi ca bệnh sinh sống điều tra xác minh dịch tễ. Ngành y tế cũng yêu cầu các trung tâm y tế phối hợp với trạm y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi - rubella tại cộng đồng, nhất là trong trường học, cơ sở khám, chữa bệnh.

Để phòng chống bệnh sởi hiệu quả, bà mẹ nên cho trẻ tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi. Các chuyên gia y tế khuyến cáo đảm bảo dinh dưỡng hàng ngày nhằm nâng cao sức đề kháng cho trẻ, hạn chế đến nơi đông người, vệ sinh tay chân trẻ và đồ chơi thường xuyên. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu ho, sổ mũi, phát ban nên cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Những ngày này, các gia đình lo ngại bệnh sởi nên đưa con đến tiêm phòng mũi sởi dịch vụ; tuy nhiên, tại CDC tỉnh, vắc-xin này đang khan hiếm. Đối với chương trình tiêm chủng mở rộng, khi vắc-xin được cung ứng đầy đủ, CDC cho hay sẽ triển khai tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa tiêm đủ mũi vắc-xin sởi và sởi - rubella. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nguy cơ mắc bệnh sởi và các biện pháp phòng, chống bệnh.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, đầu năm đến nay ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có 5.000 ca dương tính, 5 ca tử vong. So với năm ngoái, số ca sởi dương tính cao hơn 111 lần. Các tỉnh, thành có nhiều ca sởi gồm: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội, Nghệ An, Đak Lak, Cần Thơ… Cục Y tế dự phòng cho rằng, nguyên nhân gia tăng bệnh sởi ngoài do chu kỳ dịch còn do tỷ lệ tiêm chủng thấp, do tình trạng gián đoạn cung ứng vắc-xin tiêm chủng mở rộng năm 2022 - 2023.

Bài, ảnh: L. TUỆ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/y-te-suc-khoe/kiem-soat-benh-soi-khuyen-khich-tiem-vac-xin-du-phong-149175.html
Zalo