Kiếm hiệp Kim Dung: Điểm yếu chết người của trận pháp mạnh nhất trong Bích huyết kiếm
Dù lợi hại, Ngũ hành bát quái trận vẫn tồn tại một điểm yếu, nếu đối thủ giữ thế bất động, phòng bị kỹ lưỡng không để lộ sơ hở, trận pháp sẽ hoàn toàn bất lực.
Trong kho tàng tiểu thuyết kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung, ngoài những tuyệt kỹ võ công vô địch thiên hạ như Độc cô cửu kiếm, Lục mạch thần kiếm hay Bắc minh thần công, còn tồn tại những trận pháp kỳ ảo mang sức mạnh khó lường, khiến ngay cả những cao thủ võ lâm cũng phải e dè. Một trong số đó chính là Ngũ hành bát quái trận – trấn sơn chi bảo của phái Thạch Lương họ Ôn, xuất hiện trong Bích huyết kiếm.
Ngũ hành bát quái trận là một kết hợp hoàn hảo giữa trận pháp và võ học cao cường. Trận pháp này thực chất là sự kết hợp giữa Ngũ hành trận và Bát quái trận, trong đó Bát quái trận do mười sáu người phối hợp tạo thành, dàn đội hình theo thế bát quái ở vòng ngoài, hỗ trợ cho Ngũ hành trận gồm năm người ở vòng trong.
Sự vận hành của trận pháp được xây dựng trên nguyên tắc "nhanh" – mười sáu người chạy vòng quanh càng lúc càng nhanh, không phát ra tiếng động nào, phong kín mọi lối ra vào, đến mức con ruồi cũng khó lọt qua.

Ngũ hành bát quái trận là sự kết hợp giữa hai bộ trận pháp Ngũ hành và Bát quái.
Trong khi đó, năm người trong Ngũ hành trận sẽ xoay quanh địch thủ, càng lúc càng rút ngắn khoảng cách. Một người trong số đó có nhiệm vụ dẫn dụ đối phương ra đòn, bốn người còn lại sẽ nhân sơ hở mà nhất tề tấn công. Khí giới va chạm tạo nên âm thanh "vù vù", tà áo bay lượn như ảo ảnh, khiến địch nhân rơi vào thế trận càng đánh càng mệt, càng đánh càng rối.
Tuy nhiên, trận pháp lợi hại này vẫn có một điểm yếu chết người, đó là nếu địch thủ hoàn toàn bất động, giữ thế thủ kín kẽ, không để lộ sơ hở thì Ngũ hành trận sẽ mất đi tác dụng. Bởi yếu tố then chốt của trận này là địch phải ra tay trước để tạo sơ hở, nếu địch không cử động, cả trận pháp chỉ còn là cuộc chạy vòng không mục tiêu.
Chính điểm yếu đó đã bị Viên Thừa Chí, nhân vật chính của Bích huyết kiếm phát hiện và khai thác triệt để. Trên núi Hoa Sơn, Viên Thừa Chí tình cờ tìm được di vật của Kim Xà Lang Quân Hạ Tuyết Nghi: Kim xà kiếm và Kim Xà bí kíp. Sau khi luyện thành, chàng lĩnh hội được kiếm thuật tinh diệu vô song.
Khi bị năm anh em họ Ôn dùng Ngũ hành bát quái trận vây đánh, Viên Thừa Chí không hề hoảng loạn. Trái lại, chàng sử dụng chiến lược "bất động", thủ vững thế trận, không để lộ sơ hở, kết hợp với võ công trong Kim xà kiếm pháp kỳ ảo phản kích vào những điểm yếu của đối phương. Kết quả, Viên Thừa Chí không chỉ phá giải trận pháp lừng danh mà còn khiến các cao thủ họ Ôn tâm phục khẩu phục.
Câu chuyện không chỉ thể hiện trí tuệ và bản lĩnh của Viên Thừa Chí, mà còn là minh chứng cho chân lý võ học trong tiểu thuyết Kim Dung: Dù công phu hay trận pháp có cao siêu đến đâu, chỉ cần nắm bắt được bản chất và điểm yếu, vẫn có thể phá giải. Ngũ hành bát quái trận, dù được xem là một trong những trận pháp mạnh nhất trong Bích huyết kiếm, rốt cuộc cũng không thoát khỏi quy luật đó.