Kiểm định khí thải của xe: Cần lộ trình hợp lý kết hợp nhiều biện pháp hỗ trợ
Việc buộc người dân phải thực hiện kiểm định khí thải mà không có sự chuẩn bị đầy đủ có thể vấp phải sự không đồng thuận từ người dân.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư 47, có hiệu lực từ 1-1-2025, trong đó có quy định trình tự, thủ tục kiểm định khí thải xe môtô, xe gắn máy.
Thông tư 47 của Bộ GTVT quy định đối với các xe môtô, xe gắn máy có thời gian tính từ năm sản xuất đến 5 năm, chủ xe không phải nộp hồ sơ kiểm định khí thải và không phải mang xe đến cơ sở đăng kiểm để kiểm định khí thải.
Đối với xe môtô, xe gắn máy có thời gian tính từ năm sản xuất trên 5 năm thì chủ xe phải mang xe đến cở sở đăng kiểm để kiểm định khí thải.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết thời gian, lộ trình thực hiện kiểm định khí thải sẽ thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng Bộ GTVT xây dựng, trình Chính phủ để ban hành quyết định lộ trình thực hiện. Đến nay, quyết định này chưa được ban hành.
Theo tôi, việc bắt buộc kiểm định khí thải đối với xe máy không phải là giải pháp tối ưu, vì có thể gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân. Thay vào đó, nên xử lý xe không đủ điều kiện như tịch thu xe không rõ nguồn gốc hoặc không đảm bảo an toàn, xe mù mờ. Còn những xe có đầy đủ giấy tờ hợp pháp thì nên cho phép tiếp tục lưu hành.
Nhà nước cần hạn chế xe máy nhưng phải đồng thời phát triển hệ thống giao thông công cộng như xe điện, tàu điện, tàu thủy… Khi mạng lưới giao thông đa dạng và thuận tiện, người dân sẽ tự động lựa chọn phương tiện phù hợp nhất với nhu cầu của mình. Việc buộc người dân phải thực hiện kiểm định khí thải mà không có sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở hạ tầng và các phương tiện thay thế sẽ gây khó khăn và không được người dân đồng thuận.
Đối với nhiều người dân, xe máy không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là tài sản quan trọng, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Việc yêu cầu họ thực hiện kiểm định khí thải và có thể bị xử phạt nếu không đáp ứng quy định sẽ gây thêm gánh nặng.
Do đó, cần có một lộ trình triển khai hợp lý, cho phép người dân có đủ thời gian chuẩn bị và thích ứng với yêu cầu mới. Lộ trình này nên bao gồm các giai đoạn rõ ràng, với sự hỗ trợ từ chính phủ, như cung cấp cơ chế khuyến khích chuyển đổi phương tiện hoặc hỗ trợ tài chính để người dân có thể thay đổi phương tiện cũ sang các phương tiện thân thiện với môi trường. Khi điều kiện cơ sở hạ tầng và các phương án thay thế đã đầy đủ, người dân sẽ dễ dàng chấp nhận và tuân thủ mà không cảm thấy bị áp lực hay thiệt thòi.
Theo Thông tư 47/2024 của Bộ Giao thông Vận tải, các xe mô tô, xe gắn máy có tuổi đời dưới 5 năm sẽ được miễn kiểm định khí thải. Xe có tuổi từ 5 đến 12 năm phải kiểm định hai năm một lần, còn xe trên 12 năm tuổi phải kiểm định hàng năm. Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng yêu cầu các xe mô tô, xe gắn máy phải thực hiện kiểm định khí thải từ ngày 1-1-2025. Quy định này được đặt ra nhằm bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn kỹ thuật cho các phương tiện lưu thông.
Nói tóm lại cần một lộ trình triển khai hợp lý, kết hợp với các biện pháp hỗ trợ và khuyến khích người dân chuyển đổi phương tiện, từ đó làm tăng tính khả thi và hiệu quả của việc kiểm định khí thải xe máy.
Không nên áp đặt ngay một mức kiểm định khí thải cao mà chưa có sự chuẩn bị đầy đủ. Trong giai đoạn đầu, cần đưa ra ngưỡng khí thải dễ dàng đạt được để không gây ảnh hưởng nhiều đến người dân. Điều này sẽ giúp người dân có thời gian làm quen với quy trình kiểm định và chuẩn bị các phương tiện để đáp ứng yêu cầu. Sau một thời gian áp dụng mức kiểm định khí thải tương đối thấp, có thể nâng ngưỡng lên từ từ, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng thực hiện mà không cảm thấy quá áp lực.
Về lộ trình triển khai cũng cần được rõ ràng. Cụ thể, cần có một lộ trình cụ thể và hợp lý trong việc triển khai quy định kiểm định khí thải xe máy. Lộ trình này cần bao gồm các giai đoạn và thời gian cụ thể để người dân có thể chủ động chuẩn bị, đồng thời giúp các cơ sở đăng kiểm và cơ quan chức năng có đủ thời gian để triển khai và hoàn thiện hệ thống.
Trong trường hợp người dân không thể đáp ứng yêu cầu khí thải của xe máy, cần có cơ chế hỗ trợ hoặc khuyến khích họ chuyển đổi sang các phương tiện khác thân thiện với môi trường. Khi người dân bán xe cũ, có thể có chính sách hỗ trợ hoặc ưu đãi để mua xe mới thay thế, đặc biệt là các phương tiện như xe điện hoặc các loại xe ít gây ô nhiễm.
Bên cạnh đó, cơ quan đăng kiểm cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện kiểm định khí thải. Điều này có thể bao gồm việc nâng cấp cơ sở vật chất, cải tiến quy trình kiểm tra, đo đạc sao cho đơn giản và thuận tiện hơn cho người dân, nhằm giảm thiểu thời gian chờ đợi và chi phí.
Việc xử phạt vi phạm giao thông liên quan đến khí thải cũng cần có một lộ trình rõ ràng. Các mức phạt và hình thức xử lý cần được áp dụng dần dần và chỉ được thực hiện khi các cơ chế hỗ trợ và chuyển đổi phương tiện đã được triển khai đầy đủ. Điều này giúp tránh tình trạng người dân bị phạt khi họ chưa có đủ điều kiện để thực hiện các quy định mới.