Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp

Chiều 16/12, Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị về công tác bổ trợ tư pháp. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị về công tác bổ trở tư pháp.

Toàn cảnh Hội nghị về công tác bổ trở tư pháp.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của công tác bổ trợ tư pháp vào thành tích chung của Bộ, ngành Tư pháp. Thứ trưởng cho biết, Hội nghị là cơ hội để Bộ, ngành Tư pháp cùng nhìn nhận những kết quả đã đạt được, chỉ ra các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện và đề xuất giải pháp; đặc biệt trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực.

Hội nghị cũng nằm trong chuỗi các hoạt động chuyên môn để đảm bảo sự thành công, hiệu quả của Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2025 (sẽ diễn ra vào ngày 17/12).

Với tinh thần đó, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, nhận diện khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn quản lý của công tác tư pháp, qua đó xác định rõ, sát các nhiệm vụ trọng tâm của công tác này trong năm 2025, bài học, kinh nghiệm; đưa ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…

Thứ trưởng Mai Lương Khôi mong muốn các đại biểu đưa ra các ý kiến để góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, đặc biệt là trong lĩnh vực công chứng, đấu giá, luật sư, giám định tư pháp.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu khai mạc.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu khai mạc.

Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Cục Bổ trợ Tư pháp cho biết, hoạt động bổ trợ tư pháp năm 2024 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Về công tác xây dựng thể chế, Cục đã trình cấp có thẩm quyền ban hành 2 Luật, 1 Thông tư: Luật Đấu giá tài sản, Luật Công chứng…

Về công tác thi hành pháp luật trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, năm 2024, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương đã tập trung phối hợp làm tốt về công tác bổ nhiệm, cấp chứng chỉ hành nghề bổ trợ tư pháp, theo đó, đã tiếp nhận, xử lý 1733 trường hợp; công tác cấp đăng ký hoạt động, đăng ký hành nghề tại các địa phương cũng đã được thực hiện bài bản theo đúng quy định; công tác kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp được coi trọng hơn; công tác hỗ trợ phát triển các nghề bổ trợ tư pháp tại các địa phương đã được thực hiện phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bổ trợ tư pháp, cùng với thường xuyên nhận được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác bổ trợ tư pháp đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên phát biểu tại Hội nghị.

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên phát biểu tại Hội nghị.

Nhận thức của cá nhân, cơ quan, tổ chức về vị trí, vai trò của hoạt động bổ trợ tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực; pháp luật về bổ trợ tư pháp từng bước được hoàn thiện, bám sát chủ trương đổi mới theo yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, cải cách hành chính và hội nhập quốc tế; số lượng người hành nghề bổ trợ tư pháp và mạng lưới các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp phát triển, phân bổ rộng khắp trên phạm vi cả nước đáp ứng cơ bản yêu cầu dịch vụ bổ trợ tư pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, công chứng viên được củng cố, kiện toàn từ Trung ương tới địa phương để thực hiện nhiệm vụ tự quản; công tác quản lý nhà nước đã đi vào nề nếp và từng bước đã phát huy được hiệu quả.

Sự phát triển nhanh, mạnh của các cá nhân và tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp đã góp phần đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và xã hội đối với các dịch vụ bổ trợ tư pháp. Một số tổ chức hành nghề luật sư bước đầu phát huy được thế mạnh, xây dựng được thương hiệu của mình, tạo được sự tín nhiệm trên thị trường dịch vụ pháp lý trong khu vực và quốc tế.

Hoạt động công chứng đã có nhiều bước tiến mới; Hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa một cách mạnh mẽ; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản ngày càng được tăng cường cả ở Trung ương và địa phương. Số lượng các cuộc đấu giá tài sản ngày càng tăng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách nhà nước đạt giá trị lớn, qua đó, đóng góp tích cực cho việc quản lý, sử dụng tài sản công, góp phần tạo nguồn lực cho hoạt động đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Công tác giám định có những bước chuyển biến tích cực, ngày càng nền nếp, hiệu quả; hệ thống các quy định pháp luật về giám định tư pháp ở các lĩnh vực tiếp tục được hoàn thiện; đội ngũ người làm giám định tư pháp, hệ thống tổ chức giám định tư pháp tiếp tục được củng cố và phát triển; hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ngày càng được nâng cao; quản lý nhà nước về giám định tư pháp từng bước đổi mới, đi vào chiều sâu và toàn diện hơn; về cơ bản đã phục vụ tốt hơn cho hoạt động tố tụng.

Đến nay, cả nước đã có hơn 5.500 tố chức hành nghề luật sư với 18.200 luật sư hoạt động; có 1.425 tổ chức hành nghề công chứng với 3.372 công chứng viên; 512 tổ chức đấu giá tài sản với 1.169 đấu giá viên; 721 tổ chức giám định tư pháp với 7.136 người giám định viên tư pháp và 2.621 người giám định tư pháp theo vụ việc; 207 Văn phòng Thừa phát lại với 442 thừa phát lại đang hành nghề; hơn 69 doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đang hoạt động với 301 quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân.

Hồng Mây

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-nha-nuoc-trong-linh-vuc-bo-tro-tu-phap-post535046.html
Zalo