Kích điện bắt cá trên sông, coi chừng bị khởi tố

Nhiều trường hợp kích điện bắt cá trên sông khi tái phạm đã bị khởi tố, xử phạt tù nhưng tình trạng này vẫn đang diễn ra khiến người dân bức xúc.

Chỉ cần đi một vòng sông Sài Gòn qua TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 7 TP.HCM, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân sử dụng ghe đi kích điện bắt cá trên sông.

Nỗi ám ảnh của người dân

Anh Nguyễn Đạt, một người dân sống gần khu vực cầu Bình Lợi, quận Bình Thạnh cho biết hàng ngày anh chứng kiến rất nhiều lượt người dân sử dụng ghe thuyền đi kích điện bắt tôm, cá trên sông.

Theo anh Đạt, những người kích điện chủ yếu là đàn ông nhưng cũng có trường hợp cả vợ chồng cùng đi. Đa số họ dùng thuyền máy di chuyển, có đầy đủ dụng cụ để kích điện, bình ắc quy, vợt cá, cây chọt có gắn dây điện và các dụng cụ khác… “Họ đi cả ngày lẫn đêm. Đa số cá hay tôm bắt được họ đều đem bán”, anh Đạt chia sẻ thêm.

Những ngày lễ, rằm, tần suất hoạt động của người kích điện dày hơn và gây bức xức cho người dân. Mới đây, sáng 12-2 (rằm tháng Giêng), cũng như mọi năm, hàng trăm người dân đổ về chùa Diệu Pháp thả cá, chim, rùa. Khi cá vừa được phóng sinh, nhiều người trang bị thuyền máy, bình điện, vợt để vớt cá,… buộc người dân phải thuê thuyền đi ra giữa dòng sông để thả cá phóng sinh.

Khi lực lượng chức năng có mặt, những người kích điện liền rời đi. Nhưng khi lực lượng chức năng vừa vắng bóng là họ lại xuất hiện kích điện.

Một người dân kích điện bắt cá trên sông Sài Gòn tại khu vực phường 13, quận Bình Thạnh. Ảnh: Nguyệt Nhi

Một người dân kích điện bắt cá trên sông Sài Gòn tại khu vực phường 13, quận Bình Thạnh. Ảnh: Nguyệt Nhi

Công an liên tục xử phạt

Theo Phòng CSGT Công an TP.HCM, về cao điểm đảm bảo trật tự trên các tuyến giao thông dịp Tết và các Lễ hội đầu xuân năm 2025, Trạm Cảnh sát đường thủy Cát Lái đã tăng cường bố trí lực lượng làm việc xuyên suốt trên các tuyến đường thủy đơn vị đảm trách, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhân dân vui xuân an toàn.

Đơn vị cũng đặc biệt chú trọng tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản trái phép địa bàn đường thủy TP.HCM nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Điển hình vào đêm 12-2, tổ công tác đã phát hiện ông TTB (48 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) đang đi ghe gỗ sử dụng công cụ kích điện khai thác thủy sản trái phép tại khu vực thuộc phường Long Bình, TP Thủ Đức.

Tổ công tác đã làm việc với ông B, thu giữ tang vật là công cụ kích điện và 5 kg cá chép, cá trê. Ông B cho biết làm nghề lái ghe, mục đích dùng kích điện đánh bắt cá để sinh sống.

Vụ việc sau đó được Trạm CSGT đường thủy Cát Lái lập hồ sơ ban đầu và phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục xử lý. Riêng số cá tang vật đã được lập biên bản, thả lại về sông Đồng Nai.

Hay vào năm 2021, Chi cục Thủy sản TP.HCM (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) phối hợp với đơn vị nghiệp vụ của CSGT đường thủy đã bắt quả tang và lập biên bản hai người đi xuồng máy đang chích điện tận diệt cá trên sông Sài Gòn, đoạn qua phường Thảo Điền, TP Thủ Đức.

Riêng tháng 11-2024, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Huỳnh Văn Lượm (37 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang; tạm trú huyện Thạnh Hóa) để điều tra về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản.

Lượm là người đã bị công an phát hiện dùng kích điện, bình ắc quy, vợt cá… để chích cá đêm ngày 21-8-2024. Tuy nhiên, qua xác minh, công an còn phát hiện vào ngày 19-9-2023, Lượm cũng đã sử dụng công cụ kích điện khai thác thủy sản trái phép và đến ngày 13-10-2023, UBND xã Thủy Tây ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Lượm số tiền 4 triệu đồng. Dù Lượm đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục tái phạm nên bị Công an khởi tố.

Gần đây nhất, ngày 23-1-2025, TAND huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) tổ chức phiên tòa lưu động xét xử bị cáo Lê Văn Niệm (35 tuổi, ngụ xã Khánh Thuận) về tội "Hủy hoại nguồn lợi thủy sản", theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 242, Bộ luật Hình sự. Nhiệm, dù đã bị xử phạt hành vi sử dụng công cụ kích điện khai thác thủy sản nhưng vẫn cố ý tái phạm nên bị HĐXX TAND huyện U Minh tuyên phạt 9 tháng tù về tội “Hủy hoại nguồn lợi thủy sản”.

Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản đối với trường hợp không sử dụng tàu cá mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

3. Phạt tiền đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 06 mét;

b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét đến dưới 12 mét;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét;

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dòng điện trực tiếp từ điện lưới để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 28 Nghị định số 38/2024/NĐ-CP;

b) Tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c, d khoản 3 và khoản 4 Điều 28Nghị định số 38/2024/NĐ-CP .

6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều 28 Nghị định số 38/2024/NĐ-CP .

Trường hợp hành vi khai thác thủy sản mà vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản quy định tại Điều 242 của Bộ luật Hình sự. (Điều 28 Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản)

TỰ SANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/kich-dien-bat-ca-tren-song-coi-chung-bi-khoi-to-post835395.html
Zalo