Kích cầu tiêu dùng, không theo lối mòn cũ

Trước tâm lý âu lo và xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng, việc tìm những giải pháp đột phá để kích cầu, định vị thị trường nội địa trở nên rất cấp thiết.

Cần tăng các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.

Cần tăng các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.

Thách thức mục tiêu 12%

Từ cuối năm 2024, gia đình chị Lê Thanh (TPHCM) đã bắt đầu phương án chi tiêu tiết kiệm, chỉ mua khi thực sự cần. Hiện cả hai vợ chồng chị Thanh đều đang đi làm, nhưng chị cũng vẫn lo lắng về công việc khi cụm từ “mất việc” xuất hiện liên tục thời gian qua, nhất là khi anh chị đã bước qua ngưỡng tuổi 40.

Theo chị Thanh, nay mỗi khi đi siêu thị ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng được giảm giá, khuyến mại. Trong khi đó, những sản phẩm như thời trang, gia dụng không cần thiết, chị Thanh sẽ cân nhắc kỹ trước khi mua.

Nói về nỗi lo của người tiêu dùng, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc kinh doanh cấp cao của Kantar Worldpanel Việt Nam, cho biết qua các khảo sát của Kantar, người tiêu dùng đang lo lắng nhiều hơn. “Chúng tôi chưa có dữ liệu đầy đủ về chỉ số niềm tin người tiêu dùng của quý I, nhưng dự báo niềm tin chưa phục hồi tốt, bắt đầu xuất hiện từ khóa “mất việc” trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Lấy một thí dụ về ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm đạt 4,3%, cao hơn bình quân 2 năm trước, nhưng thấp hơn giai đoạn 2019-2022. Đáng chú ý là mức độ tiêu dùng hầu như không đổi, tăng trưởng là nhờ giá tăng” - bà Phương Nga cho biết.

Khi đánh giá bức tranh tiêu thụ hàng hóa năm 2025, ông Phan Văn Chinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cũng nhắc đến những khó khăn, trong đó không thể bỏ qua tâm lý tiêu dùng và cầu hàng hóa trên thị trường.

Theo đó, những biến động lớn tại thị trường lao động việc làm do ảnh hưởng của việc sắp xếp tinh gọn bộ máy nhà nước, đã ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động trong diện sắp xếp, tinh gọn, một phần ảnh hưởng gián tiếp đến thị trường lao động, việc làm của khu vực tư nhân và doanh nghiệp (DN). Trong ngắn hạn, vấn đề này sẽ ảnh hưởng tâm lý tiêu dùng của người dân.

Ngoài ra cuộc cách mạng công nghệ số làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, ảnh hưởng thu nhập một bộ phận người lao động, nên sẽ ảnh hưởng đến cầu hàng hóa trên thị trường. Thêm nữa, chính sách thuế của Mỹ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường hàng hóa trong nước.

Theo đó, thu nhập và việc làm của lao động tại các DN xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ có thể bị ảnh hưởng, từ đó tác động đến sức mua tiêu dùng trong nước. “Thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh, người tiêu dùng dễ dàng mua hàng trực tiếp từ nước ngoài cũng ảnh hưởng đến tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước” - ông Chinh chia sẻ.

Năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ được Chính phủ đặt mục tiêu tăng 12%. Tuy nhiên, trong quý I, lĩnh vực này mới tăng 9,9% so với cùng kỳ 2024, và chỉ đạt 7,5% nếu trừ yếu tố giá.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, mức tăng trưởng của thị trường bán lẻ hàng hóa, dịch vụ các tháng đầu năm chưa đạt mức kỳ vọng và tiềm ẩn nhiều khó khăn thách thức do tác động của các cuộc chiến thương mại trên thế giới. Phía Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, cho rằng cần có giải pháp đột phá để đạt mục tiêu 12% trong năm nay.

Định vị thị trường bằng cách nào?

Có thể thấy, niềm tin tiêu dùng sụt giảm, xu hướng thắt chặt chi tiêu gia tăng phần lớn đến từ lo ngại việc làm, thu nhập chính. Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, cho rằng để cải thiện niềm tin tiêu dùng thì cần chính sách tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động. Với DN cần có chính sách cụ thể để DN có thể tiếp cận vốn vay, đảm bảo “sức khỏe”.

Chưa hết, cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng cần bước sang một thời kỳ mới. Đồng tình với nhận định này, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, cho rằng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã trải qua hơn 15 năm và nay cần phải thay đổi khẩu hiệu mạnh mẽ hơn, sẽ không còn là ưu tiên.

Những năm gần đây, các địa phương và cả Bộ Công Thương cũng đều có những chương trình khuyến mại tập trung để kích cầu tiêu dùng. Thế nhưng, trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu như hiện nay, nhiều ý kiến đồng tình rằng cần tăng tần suất các chương trình khuyến mại, đặc biệt trong các dịp lễ lớn nhằm khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn.

Ngoài ra, việc giảm 2% thuế VAT nên được kéo dài và mở rộng mặt hàng được hưởng nhằm giảm giá hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng. Chưa hết, để mang hàng hóa đến gần với người tiêu dùng hơn, cần có giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh, phân phối hàng hóa; hỗ trợ và khuyến khích các DN triển khai bán hàng trên sàn thương mại điện tử, cũng như các nền tảng online.

Đặc biệt, đã đến lúc cần định vị lại vị thế của thị trường nội địa và có những chính sách ưu đãi cho phát triển. Theo đó cần nâng cấp chuỗi cung ứng và hạ tầng cho ngành thương mại, nhất là hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN bán lẻ.

“Đề xuất có chính sách ưu đãi tín dụng quy mô lớn dành cho DN logistics, các chương trình ưu đãi và hỗ trợ kết nối, xúc tiến thương mại giữa DN sản xuất, logistics và bán lẻ để hình thành chuỗi cung ứng chủ động, lưu thông hàng hóa thông suốt” - đại diện WinCommerce nêu ý kiến với Bộ Công Thương trong hội thảo gần đây.

Nhắc đến vai trò của thị trường nội địa, Bộ Công Thương nhìn nhận trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều biến động khó lường, tác động tới chuỗi cung ứng, giá cả nguyên vật liệu, tâm lý tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh, thì thị trường trong nước đóng vai trò vô cùng quan trọng, vừa là trụ cột ổn định tăng trưởng, vừa là "phao cứu sinh" cho các DN trong nước, đặc biệt khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn.

DN không nên xem nội địa là kênh giải tỏa hàng xuất khẩu tồn đọng, vì cách làm này sẽ không hiệu quả. Kích cầu cần tiếp cận theo hướng tạo ra nhu cầu, sản phẩm mới phù hợp với thị trường trong nước, thông qua tận dụng công suất sản xuất.

THANH LÂM

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/kich-cau-tieu-dung-khong-theo-loi-mon-cu-post122667.html
Zalo