Giảm thuế VAT dài hơi: doanh nghiệp chủ động, người tiêu dùng yên tâm

Đề xuất mở rộng và kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) là động thái tích cực giúp kích cầu tiêu dùng, đồng thời tạo môi trường chính sách ổn định để DN chủ động kế hoạch sản xuất.

Tạo môi trường chính sách ổn định, kích cầu tiêu dùng

Đề xuất kéo dài chính sách giảm thuế VAT đến hết năm 2026 và mở rộng đối tượng hàng hóa áp dụng vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tại chương trình kỳ họp thứ 9 (ngày 13/5) đang nhận được sự đồng tình cao của giới chuyên gia, DN và người dân.

Khác với các lần giảm trước, trong lần đề xuất này, Chính phủ kiến nghị mở rộng nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng mức thuế suất VAT ưu đãi 8%. Ngoài các nhóm hàng hóa đã được áp dụng trong các đợt trước, Chính phủ đề xuất bổ sung thêm các mặt hàng, dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và du lịch như sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, than cốc, dầu mỏ tinh chế; sản phẩm hóa chất, than ở khâu nhập khẩu và than bán ra ở khâu kinh doanh thương mại, xăng, dầu.

Các hàng hóa dịch vụ không được giảm thuế VAT đợt này gồm viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).

Đặc biệt, thời gian giảm thuế được đề xuất gấp 3 lần so với các lần giảm thuế trước, kéo dài từ 1/7/2025 đến hết 31/12/2026.

Hoạt động sản xuất của DN tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Phạm Hùng

Hoạt động sản xuất của DN tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Phạm Hùng

Đề xuất này của Chính phủ được giới chuyên gia, người dân và DN hài lòng, đánh giá cao, bởi VAT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng cuối cùng. Khác với các loại thuế khác, VAT có đặc điểm là gánh nặng thuế được chia sẻ giữa DN và người tiêu dùng. Như vậy, khi chính sách giảm thuế VAT kéo dài liên tục trong 18 tháng là khoảng thời gian đủ để các DN đưa vào kế hoạch xây dựng phương án kinh doanh của mình trong thời gian tới. Còn đối với người tiêu dùng, chính sách giảm thuế kéo dài sẽ giúp họ yên tâm mua sắm, kích cầu tiêu dùng, qua đó tạo nguồn thu cho ngân sách.

Chuyên gia thuế, TS Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên và phấn đấu tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, việc áp dụng giảm thuế VAT là động thái tích cực giúp kích thích chi tiêu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP. Bởi giảm thuế VAT sẽ tác động trực tiếp đến người dân, DN, giúp giảm chi phí trực tiếp cho người mua hàng, việc được giảm thuế sẽ kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các DN sản xuất, kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn.

Ở góc độ DN, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam cho rằng, một môi trường chính sách ổn định và minh bạch là điều kiện tiên quyết để DN chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh. Nếu chính sách đứt quãng, hoặc ngắn hạn có thể khiến DN ở trong tình trạng bị động, làm giảm động lực đầu tư và tiêu dùng, giảm hiệu quả của chính sách kích thích tài khóa.

Hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng

Thực tế, sau 5 lần giảm thuế VAT (từ năm 2022 đến nay), mặc dù ban hành theo từng giai đoạn khác nhau, nhưng chính sách này đã trở thành công cụ quan trọng nhằm hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, đồng thời góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế thế giới có nhiều biến động bất ổn… việc tiếp tục ban hành chính sách này có thể xem là một biện pháp hướng vào tiêu dùng nội địa nhằm thúc đẩy tăng trưởng, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc giảm thuế giá trị gia tăng dự kiến sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 121,74 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh rằng, mục tiêu của chính sách là góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó kích cầu nội địa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ, cho rằng việc tiếp tục giảm VAT là cần thiết để hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhất là trong bối cảnh DN trong nước còn gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn. Việc kích thích tiêu dùng nội địa được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% đã đề ra cho giai đoạn 2025–2026.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc tiếp tục đề xuất ban hành chính sách là chưa thật sự phù hợp và khó đạt được mục tiêu đã đặt ra về kích cầu tiêu dùng vì khả năng kích cầu của chính sách đã bão hòa qua một thời gian dài thực hiện. Bên cạnh đó, việc liên tục gia hạn và kéo dài việc thực hiện chính sách giảm thuế tạo tiền lệ không tốt, khiến chính sách thuế trở nên thiếu tính ổn định và không nhất quán. Ngoài ra, dư địa tài khóa, chính sách bị thu hẹp sẽ làm giảm khả năng ứng phó khi có khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng hơn trong tương lai.

Để đảm bảo hiệu quả của chính sách, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ có giải pháp hiệu quả để khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Cần đảm bảo mục tiêu dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế đồng thời đánh giá kỹ hơn về tác động đối với nguồn thu ngân sách Nhà nước. Cụ thể, Chính phủ đảm bảo việc thực hiện chính sách giảm thuế gắn với mục tiêu ổn định tài khóa trung hạn và an toàn nợ công, bảo đảm nhất quán với các chính sách thuế khác. Một số ý kiến cũng đề nghị rà soát các mặt hàng chịu tác động của chiến tranh thương mại và chính sách thuế đối ứng của Mỹ, đồng thời cân nhắc giảm thuế đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ để đảm bảo tính công bằng.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giam-thue-vat-dai-hoi-doanh-nghiep-chu-dong-nguoi-tieu-dung-yen-tam.703047.html
Zalo