Kích cầu nguồn lực, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo
Chính sách hỗ trợ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo luôn là đòn bẩy giúp các chủ thể này tạo dựng, hình thành môi trường tốt để sáng tạo ra những ý tưởng mới, sản phẩm mới.
Tiếp cận các kênh hỗ trợ
Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị trong xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương xác định: Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Trên cơ sở này, việc phát triển doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Nghị quyết số 54 là rất quan trọng, đòi hỏi chính quyền và các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp thiết thực.
Thực hiện định hướng chiến lược này, tỉnh đã triển khai nhiều nhiệm vụ, những bước đi cụ thể, đồng thời ban hành các văn bản liên quan nhằm triển khai Quyết định số 844 của Thủ tướng Chính phủ về đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (gọi tắt Đề án 844). Đáng chú ý, Nghị quyết số 21 của HĐND tỉnh quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh với các chính sách hỗ trợ đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về nguồn vốn để mạnh dạn đầu tư công nghệ, đổi mới trang thiết bị, máy móc, ứng dụng các tiến bộ KHCN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ về khởi nghiệp... Tỉnh cũng đã thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, đây là thiết chế quan trọng trong việc hỗ trợ, kết nối về tài chính các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân trong việc đầu tư phát triển các ý tưởng, dự án KNĐMST trên địa bàn.
Theo sát chương trình KNĐMST của tỉnh, ông Nguyễn Đăng Vinh, Trưởng phòng Thông tin KHCN và ĐMST, Trung tâm Đo lường thử nghiệm và Thông tin khoa học cho biết, với những chính sách, kế hoạch được xây dựng sớm và thiết thực, bám sát tinh thần của Đề án 844 đã giúp hoạt động hỗ trợ KNĐMST trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, lan tỏa đến nhiều sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể cũng như các tổ chức, cá nhân trên toàn tỉnh. Các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp cũng được kết nối hỗ trợ truyền thông, quảng bá, tham gia các khóa ươm tạo, tập huấn phát triển ý tưởng KNĐMST, hướng dẫn gọi vốn, xúc tiến đầu tư thành lập doanh nghiệp...
Theo ông Nguyễn Đăng Vinh, nhiều hoạt động đã kết nối, hội tụ được các nguồn lực, các mạng lưới chuyên gia, nhà đầu tư đến Huế để phát triển KNĐMST, kết nối xúc tiến chuyển giao công nghệ mới, kêu gọi, huy động sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khởi nghiệp tại Huế. Thông qua các cuộc thi KNĐMST, nhiều ý tưởng, dự án kinh doanh đã được hình thành và được thị trường đón nhận.
Vẫn còn rào cản
Mặc dù có những cơ chế, chính sách được ban hành cũng như với rất nhiều thiện chí từ các đơn vị quản lý, hỗ trợ, tư vấn luôn đồng hành, song hoạt động KNĐMST vẫn tồn tại hạn chế trong việc hỗ trợ chính sách. Ngay cả việc hỗ trợ theo Nghị quyết 21 trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa được thực hiện có hiệu quả, do cơ chế ràng buộc về hình thức hỗ trợ, thủ tục hỗ trợ; chưa thu hút, khuyến khích được các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp. Lý do là nội dung và mức chi để phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động KNĐMST đối với cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung chưa nhận được hỗ trợ theo quy định, vì Bộ KH&CN chưa hướng dẫn rõ thẩm quyền chứng nhận các cơ sở này.
Bên cạnh đó, theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, chính sách ưu đãi đối với cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung được hưởng các hỗ trợ như: Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định của pháp luật; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp… Tuy vậy, việc hỗ trợ vẫn khó thực hiện nếu chưa có quy định pháp lý về cấp giấy chứng nhận. Việc hỗ trợ mang tính gián tiếp, mức hỗ trợ thấp nên chưa đáp ứng cũng như thu hút doanh nghiệp tham gia, việc đối ứng kinh phí khó khăn.
Để hoàn thiện chính sách khởi nghiệp sáng tạo, bà Trần Thị Thùy Yên, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, quy định về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hiện nay hầu như mới chỉ đề cập tới các biện pháp hỗ trợ mà chưa đề cập tới việc triển khai thực thi các quy định này cũng như cách thức xử lý nếu như doanh nghiệp không thực hiện đúng các quy định để nhận hỗ trợ. Bộ KH&CN cần có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp chứng nhận cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung để đảm bảo việc thụ hưởng chính sách ưu đãi hỗ trợ được hiệu quả.
Nhiều ý kiến cũng kiến nghị cần xem xét nội dung và mức hỗ trợ về chi hỗ trợ kinh phí sử dụng dịch vụ KNĐMST để việc hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, thiết thực, tránh tình trạng thiếu nhất quán, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật khác nhau. Đồng thời giúp các nhà đầu tư thoát khỏi những lúng túng trong quá trình tổ chức hình thức đầu tư phù hợp, tức là có thể cấp vốn cũng như thu hồi vốn một cách chủ động, minh bạch.
Trung tâm KNĐMST Thừa Thiên Huế - Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh cũng cho rằng, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo cần được hoàn thiện, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thực chất và hiệu quả; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, khơi thông các nguồn lực tài chính sẵn có từ trong nước, nước ngoài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở...