Kích cầu du lịch nội địa và quốc tế - hướng đi đúng

Thời gian qua, Bình Thuận không chỉ quan tâm kích cầu du lịch đối với khách nội địa mà còn chú trọng khách nước ngoài, các thị trường tiềm năng thông qua nhiều hình thức, chương trình, trong đó có Farmtrip.

Một góc Đá Ông Địa (Ảnh N.Lân)

Một góc Đá Ông Địa (Ảnh N.Lân)

1. Với biển xanh, cát trắng, nắng vàng, khí hậu ấm áp trong lành, Mũi Né nói riêng, Bình Thuận nói chung nổi lên như một hiện tượng trong “ngành công nghiệp không khói” trên thế giới trong thập niên 90 của thế kỷ trước, sau sự kiện nhật thực toàn phần. Từ đó, người dân trong và ngoài nước biết đến Bình Thuận nhiều hơn. Khi họ trải nghiệm đến đâu cũng cảm nhận vùng đất này rất phù hợp phát triển du lịch.

Nhận biết điều đó, cùng với văn bản chỉ đạo của Trung ương, trọng tâm là Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bình Thuận đã tập trung phát triển du lịch. Đến nay, du lịch đã trở thành một trong những ngành kinh tế trụ cột của tỉnh. Năm 2016 - thời điểm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, của Tỉnh ủy (khóa XIII) về phát triển du lịch đến năm 2020, đã có hơn 4,5 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí tại các khu du lịch của tỉnh, trong đó có khoảng 500.000 lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 8.700 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2015. Năm 2023, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng phát triển đồng bộ khi cao tốc Bắc – Nam mở ra tạo đà cho du lịch “cất cánh”, doanh thu từ du lịch ước đạt 11.348 tỷ đồng, tăng 2,52 lần so cùng kỳ năm 2022.

Du khách tham quan vườn thanh long. Ảnh: N.Lân.

Du khách tham quan vườn thanh long. Ảnh: N.Lân.

Điều này dự báo du lịch Bình Thuận tiếp tục tăng trưởng khi Bình Thuận nỗ lực làm mới mình bằng cách chỉnh trang đô thị, quan tâm vệ sinh môi trường, tạo điều kiện cho đầu tư vào lĩnh vực du lịch... Cùng với đó, chú trọng đến các chương trình kích cầu du lịch khách nội và ngoại địa. Nổi rõ là vừa qua, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư phát động Chương trình “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phát triển du lịch toàn diện, nhanh, bền vững với phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện và đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch và đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh và thân thiện". Ngoài ra các cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các cơ sở lưu trú cao cấp ở khu vực Hàm Tiến, Mũi Né (TP. Phan Thiết) đưa ra nhiều gói kích cầu du lịch như tổ chức dịch vụ giải trí thu hút khách nội địa.

Du khách quốc tế tắm biển ở Hàm Tiến. (Ảnh N.Lân)

Du khách quốc tế tắm biển ở Hàm Tiến. (Ảnh N.Lân)

2. Bên cạnh đó chú trọng kích cầu du lịch đối với khách quốc tế bằng nhiều hình thức như ngoài tuyên truyền quảng bá trên phương tiện thông tin trong và ngoài nước thông qua các hãng lữ hành, hội chợ du lịch quốc tế thì còn săn đón các đoàn Farmtrip quốc tế. Mới đây Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận tổ chức gặp gỡ, giao lưu với đoàn Farmtrip quốc tế. Đây không phải là lần đầu tiên địa phương tiếp đón mà nhiều năm trước đó đã thực hiện. Điển hình tháng 9/2015, Hiệp hội Du lịch Bình Thuận làm việc, giao lưu với Đoàn Farmtrip quốc tế gồm các công ty lữ hành, du lịch và phóng viên đến từ các nước như Nga, Anh, Ấn Độ, Hàn Quốc… Bà Linda Kavanagh thuộc Công ty Montecito Village của Mỹ khi ấy lần đầu tiên đến Bình Thuận khảo sát đã ngỡ ngàng với tiềm năng du lịch Bình Thuận. Bà đã có nhận xét, Bình Thuận là điểm đến khá lý tưởng phù hợp với nhiều đối tượng khách. Sau đó bà lên kế hoạch đưa khách đến Mũi Né. Năm 2016, một đoàn Farmtrip quốc tế khác cũng đến khảo sát và tìm hiểu các sản phẩm du lịch. Đoàn đã tham quan và trải nghiệm các sản phẩm du lịch tại một số điểm du lịch nổi tiếng như: đồi cát bay Mũi Né, khu du lịch Tà Cú, di tích tháp Chăm Pô Sah Inư Phan Thiết, lâu đài rượu vang và sân golf của Sealinks City...

Nhiều đoàn Farmtrip đến Bình Thuận khảo sát. Ảnh: T. Nhân.

Nhiều đoàn Farmtrip đến Bình Thuận khảo sát. Ảnh: T. Nhân.

Hầu như lần nào đến, địa phương rất quan tâm tạo điều kiện cho đoàn tìm hiểu, khảo sát. Bởi, đây là cơ hội để doanh nghiệp du lịch quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với đông đảo du khách - “những người mua hàng và tuyên truyền” một cách tích cực nhất. Nhờ đó mà hình ảnh về du lịch Bình Thuận cũng vươn xa hơn. Bà Nguyễn Lan Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nói khi tiếp đoàn Farmtrip: Với mục tiêu phát triển du lịch xanh và bền vững, Bình Thuận nỗ lực xây dựng một thương hiệu du lịch gắn liền với những sự kiện đặc trưng riêng dựa trên thế mạnh về biển và những lợi thế nổi trội của mình, đó là nắng, gió, cát, thiên nhiên trong lành, và nhất là con người hiền hòa, hiếu khách…

Bên cạnh đó, ngoài kích cầu du lịch trong nước và quốc tế, Bình Thuận còn quan tâm vận động, khuyến khích, hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ du khách. Cùng với đó địa phương xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng có thể thu hút, để lại ấn tượng trong du khách về điểm đến, từ đó khách quay lại nhiều hơn.

Farmtrip- một chương trình du lịch miễn phí hoặc được giảm giá do một quốc gia hoặc một tổ chức du lịch đứng ra tổ chức dành cho phía các hãng lữ hành, các cơ quan quản lý và các phóng viên báo chí để tới một hay nhiều điểm du lịch của một quốc gia hoặc một hay nhiều địa phương để khảo sát, tìm hiểu, làm quen, rồi xây dựng chương trình du lịch có hiệu quả, hấp dẫn để chào bán cho du khách.

NINH CHINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/kich-cau-du-lich-noi-dia-va-quoc-te-huong-di-dung-124102.html
Zalo