Kịch bản phá sản của nhà phân phối truyện tranh lớn nhất nước Mỹ

Theo Screen Rant, sau nhiều tháng 'sống trong lo sợ', ngành công nghiệp truyện tranh nước Mỹ chao đảo vì một thông báo.

Theo đó, Diamond Comic Distributors đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của luật phá sản Mỹ. Trong hơn 20 năm qua, Diamond gần như là nhà phân phối truyện tranh thống trị thị trường Mỹ. Tuy nhiên, họ đã phải vật lộn trong 5 năm qua và vào cuối năm 2024, công ty bắt đầu chậm trễ giao hàng.

Do truyện tranh số ra mắt cùng ngày với bản in, việc chậm trễ giao hàng không chỉ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của Diamond mà còn ảnh hưởng đến các nhà bán lẻ truyện tranh khi độc giả chuyển sang đọc truyện tranh số để có thể nhanh chóng bắt kịp nội dung.

Vào tháng 12/2024, Diamond đã đóng cửa một trung tâm phân phối, điều khiến lịch trình giao truyện ngày càng chậm hơn. Trong khi đó, các nhà bán lẻ không chỉ khiếu nại về việc chậm, muộn mà còn xảy ra vấn đề sách bị hỏng. Vào giữa tháng 1/2025, Diamond đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản, tuyên bố rằng công ty sẽ tiến hành tái cấu trúc.

Trong trường hợp tốt nhất, nếu Diamond có thể tái cấu trúc thành công, công ty sẽ trở lại hoạt động một cách ổn định hơn. Còn các nhà phân phối truyện tranh nhỏ lẻ khác cũng có thể tận dụng khoảng thời gian Diamond dừng hoạt động để gia tăng thị phần, từ đó tăng cường sự cạnh tranh của ngành công nghiệp này.

Nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 đồng nghĩa với việc một doanh nghiệp bị mắc kẹt vì nợ nần được nhà nước bảo hộ để trả nợ trong một khoảng thời gian dài hơn. Về phần mình, khi doanh nghiệp được cải thiện, các chủ nợ có cơ hội tốt hơn đòi được nợ, hoặc khi doanh nghiệp thất bại, họ có thể sẽ nhận được số tiền lớn hơn khi công ty bị thanh lý. Nói cách khác, Chương 11 giúp đôi bên cùng có lợi.

Tuy nhiên, nếu Diamond không thực hiện tái cấu trúc thành công theo Chương 11, họ phải chuyển sang phá sản theo Chương 7 (còn gọi là phá sản thanh lý). Diamond sẽ phải chấm dứt hoạt động ngay lập tức và tiến hành thanh lý toàn bộ tài sản để trả nợ. Lúc này, câu hỏi lớn nhất được đặt ra là về kho hàng của họ. Việc chuyển hàng trăm nghìn truyện tranh và tiểu thuyết đồ họa đến các chuỗi hiệu sách Ollie's và Barnes & Noble với mức chiết khấu sâu có khả năng gây tổn hại đến các nhà bán lẻ độc lập khác.

“Kịch bản này có thể gây thiệt hại lớn (cho các nhà bán lẻ độc lập). Vì vậy, tôi ủng hộ Diamond do có nhiều yếu tố", một nhà bán lẻ truyện tranh kỳ cựu giấu tên nói với Screen Rant.

Gián đoạn trong ngành truyện tranh Mỹ?

Thị trường truyện tranh Mỹ không có nhiều sự thay đổi lớn nào trong vài thập kỷ qua. Trong thời kỳ bùng nổ đầu cơ truyện tranh vào những năm 1990, một số nhà phân phối truyện tranh đã tham gia thị trường. Sau khi kỳ vọng thị trường sụp đổ vào năm 1995, nhiều nhà phân phối đã đóng cửa và Diamond đã mua lại họ, tạo nên vị thế thống trị. Sức ảnh hưởng đó ít nhiều vẫn được duy trì cho đến năm 2020.

Khi lệnh phong tỏa do đại dịch Covid-19 bắt đầu, Diamond cũng phải tạm thời đóng cửa, điều khiến ngành truyện tranh Mỹ rơi vào cảnh khốn đốn. Các nhà phân phối khác đã nhanh chóng vào cuộc để cứu vãn tình hình. Và khi lệnh phong tỏa kết thúc, họ đã tiến vào được mảng phân phối truyện tranh đầy tiềm năng, tuy nhiên, vẫn chưa thể so sánh được với Diamond với nhiều năm phát triển trong ngành.

Trong email gửi cho các nhà bán lẻ, Chủ tịch Diamond Chuck Parker cho biết quá trình tái cấu trúc "có thể bao gồm việc bán các tài sản chính", trong đó, công ty Universal Distribution đang quan tâm đến việc tiếp quản mảng phân phối trò chơi Alliance Game Distributors.

Theo Businesswire, Diamond UK, Diamond Select Toys và Collectible Grading Authority đều được cho là đang được đưa lên bàn cân rao bán. Diamond có thể tiếp tục hoạt động nhờ khoản tài trợ 41 triệu USD từ JPMorgan Chase. Khoản tiền này sẽ được sử dụng để thực hiện quá trình tái cấu trúc.

Theo kế hoạch hiện tại, Diamond sẽ tập trung vào thị trường truyện tranh, củng cố hoạt động kinh doanh cốt lõi là phân phối truyện tranh và loại bỏ một số hoạt động kinh doanh phụ trợ mà công ty triển khai sau này.

Rõ ràng là nếu không duy trì được vị thế độc quyền mà công ty từng nắm giữ trên thị trường truyện tranh thì hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ sẽ gặp khó khăn, như điều xảy ra trong vài năm gần đây.

Dù vậy, Diamond vẫn có mối quan hệ chặt chẽ với các nhà bán lẻ và nhà xuất bản, bao gồm một số công ty truyện tranh, như DSTLRY - đơn vị Diamond có các thỏa thuận phân phối độc quyền.

Các nhà bán lẻ truyện tranh sẽ làm gì nếu Diamond thất bại?

Một số nhà bán lẻ truyện tranh tại Mỹ đang giảm số đơn hàng họ có với Diamond, mặc dù Lunar, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của họ trên thị trường phân phối truyện tranh trực tiếp, cũng đang giao hàng chậm trong thời gian gần đây. Sự yếu kém của các nhà phân phối trong tháng 12 vừa qua khiến doanh thu của các nhà bán lẻ truyện tranh sụt giảm, vốn dựa vào các tập truyện mới để thu hút độc giả.

Và khi Diamond không thể thoát khỏi tình trạng suy thoái, tiểu thuyết đồ họa và các ấn bản sưu tập đặc biệt sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đa phần các nhà bán lẻ hy vọng Diamond sẽ ổn định trở lại, tuy nhiên, vẫn có nhiều người bày tỏ sự thất vọng, phẫn nộ hoặc mong muốn thay đổi hoàn toàn các nhà phân phối.

Đối với những nhà bán lẻ muốn thay đổi, họ hiện có một số lựa chọn. Ingram, một trong những nhà phân phối các sản phẩm truyền thông lớn nhất ở Bắc Mỹ, đã tham gia vào thị trường phân phối trực tiếp. Hiện nay, các cửa hàng truyện tranh có thể đặt hàng các sản phẩm như sách phim và các đầu sách không phải truyện tranh khác từ Ingram và nhận chúng cùng thời gian với các ông lớn như Barnes & Noble và Amazon.

Dù vậy, việc “xâu xé” miếng bánh phân phối truyện tranh không phải là dễ và quá trình này cũng cần nhiều thời gian. Do đó, nếu không muốn quá trình kinh doanh bị ảnh hưởng, các nhà bán lẻ truyện tranh Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Diamond, ít nhất là trong ngắn hạn.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/kich-ban-pha-san-cua-nha-phan-phoi-truyen-tranh-lon-nhat-nuoc-my-post1526126.html
Zalo