Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán năm 2025?

Năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam đứng trước cơ hội và thách thức khi yếu tố vĩ mô và động lực nội tại được kỳ vọng tạo nên giai đoạn phát triển mới.

VN-Index được dự báo sẽ đạt 1.670 điểm

Báo cáo chiến lược từ Công ty Chứng khoán Vndirect mới đây đã đưa ra hai kịch bản cho chỉ số VN-Index, phản ánh những biến số có thể tác động đến thị trường trong năm nay.

Theo Vndirect, chỉ số VN-Index có thể đạt mức 1.670 điểm trong kịch bản tích cực, tương ứng với mức tăng trưởng 32% so với năm trước. Ngược lại, trong trường hợp kém thuận lợi hơn, VN-Index sẽ dừng lại ở mức 1.340 điểm, tăng nhẹ 6% so với cuối năm 2024. Hai kịch bản này được xây dựng dựa trên các yếu tố vĩ mô, chính sách quốc tế và khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

VNDirect dự báo ngân hàng và bất động sản sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận thị trường trong năm 2025. Ảnh minh họa

VNDirect dự báo ngân hàng và bất động sản sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận thị trường trong năm 2025. Ảnh minh họa

Ở kịch bản tích cực, các yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ bao gồm: Việt Nam có khả năng được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 9/2025. Điều này sẽ thu hút một lượng lớn dòng vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế.

Theo các chuyên gia, dựa trên đà phục hồi của năm 2024 với tăng trưởng lợi nhuận đạt khoảng 16%, dự báo lợi nhuận của các công ty niêm yết trên HOSE sẽ tăng trưởng 17% vào năm 2025, được hỗ trợ bởi: cam kết mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy đầu tư công, đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 7,5% và hướng tới mức tham vọng là 8,0%.

Cùng đó là mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao của Ngân hàng Nhà nước là 16% trong năm 2025, cũng như việc thực hiện mục tiêu nâng hạng lên “thị trường mới nổi thứ cấp” của FTSE sẽ cải thiện thanh khoản thị trường và thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư tổ chức cũng như cá nhân vào thị trường chứng khoán, từ đó thúc đẩy lợi nhuận trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.

Chính sách vĩ mô ổn định, Chính phủ duy trì các biện pháp thúc đẩy đầu tư công, kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.

Ngược lại, kịch bản tiêu cực phản ánh những lo ngại về: Quan hệ thương mại quốc tế: Những rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng đến dòng vốn FDI và xuất khẩu của Việt Nam.

Biến động tỷ giá, đồng VND có thể chịu áp lực mất giá trong bối cảnh chỉ số DXY tăng mạnh, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu. Thị trường chờ đợi nhà đầu tư thận trọng khi các quyết sách của Mỹ dưới thời chính quyền của ông Donald Trump 2.0 chưa rõ ràng.

Ngành nào sẽ là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận thị trường trong năm 2025?

VNDirect dự báo ngân hàng và bất động sản sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận thị trường trong năm 2025, đóng góp lần lượt 58,5% và 10,7% vào tổng lợi nhuận.

Trong khi đó, các ngành như nông nghiệp, vật liệu xây dựng, hàng không và xuất khẩu, vốn đã tăng trưởng mạnh trong năm 2024, được dự báo sẽ chậm lại trong năm 2025.

Nguồn: VnDirect

Nguồn: VnDirect

Yếu tố thứ hai tác động đến triển vọng VN-Index là định giá thị trường hấp dẫn. Theo các chuyên gia, hiện tại, định giá P/E của VN-Index khá hấp dẫn, khi đang giao dịch với mức chiết khấu 8,2% so với trung bình 5 năm, trong khi kỳ vọng tăng trưởng EPS sẽ cải thiện vào năm 2025. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm thường có mối quan hệ nghịch với hệ số P/E. Trong ngắn hạn, lợi suất này được dự báo sẽ tiếp tục tăng do lo ngại về tỷ giá hối đoái và dòng vốn ngoại. Do đó, nhóm phân tích dự phóng P/E năm 2025 ở mức 11,6 lần dựa vào giả định lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng 17% trong năm 2025.

Thứ ba khả năng nâng hạng năm 2025. Với việc đáp ứng hai tiêu chí còn lại của công ty FTSE Russell, bao gồm Tiêu chí Pre-Funding và tiêu chí chi phí liên quan đến giao dịch thất bại, VnDirect kỳ vọng FTSE Russell sẽ chính thức nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi hạng hai trong kỳ đánh giá định kỳ vào tháng 9/2025 của tổ chức này.

Sự tăng tốc của các dự án đầu tư công lớn là động lực chính cho ngành xây dựng. Những công trình trọng điểm sẽ tạo ra nhu cầu lớn về vật liệu xây dựng và đóng góp vào tăng trưởng GDP.

Việt Nam đang nỗ lực thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất chất bán dẫn và trung tâm dữ liệu AI. Đặc biệt, sự hiện diện của các tập đoàn như NVIDIA khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Nhu cầu năng lượng tăng mạnh khi các nhà máy sản xuất công nghệ cao được mở rộng. Bên cạnh đó, các dự án lớn trong lĩnh vực dầu khí sẽ thúc đẩy hoạt động thượng nguồn trong nước. Sau giai đoạn trầm lắng, thị trường bất động sản dân cư được kỳ vọng hồi phục nhờ lãi suất vay giảm và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

Những ngành đóng góp lớn vào lợi nhuận toàn thị trường. Nguồn: VnDirect

Những ngành đóng góp lớn vào lợi nhuận toàn thị trường. Nguồn: VnDirect

Dù triển vọng sáng, thị trường Việt Nam vẫn đối mặt với một số thách thức trong năm 2025. Chính sách thuế quan của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump có thể gây gián đoạn dòng vốn FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng áp thuế toàn diện lên hàng hóa Việt Nam được đánh giá thấp.

Nếu đồng USD tăng mạnh, Việt Nam có thể phải tăng lãi suất hoặc sử dụng dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá, từ đó ảnh hưởng đến chi phí vốn. Một số ngành như thép và xuất khẩu đối mặt với sự suy giảm do dư cung toàn cầu và nhu cầu yếu từ các thị trường lớn.

Dù năm 2025 có thể chứng kiến nhiều biến động, VnDirect nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhìn xa hơn. Nếu Việt Nam chưa được nâng hạng vào năm 2025, khả năng cao sự kiện này sẽ diễn ra vào năm 2026, tạo ra làn sóng đầu tư mạnh mẽ.

Ngọc Ngân

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kich-ban-nao-cho-thi-truong-chung-khoan-nam-2025-370050.html
Zalo