Kịch bản nào cho giá vàng năm 2025?

Nhiều khả năng giá vàng còn tiếp tục tăng trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước cần có những giải pháp phù hợp để bình ổn giá vàng và đưa giá vàng trong nước tiệm cận với giá vàng thế giới.

Hai kịch bản giá vàng năm 2025

Dự báo các kịch bản về giá vàng thế giới và tác động đến giá vàng và tỷ giá trong nước trong năm 2025, ThS. Vũ Thị Đào - Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho biết, kịch bản thứ nhất, nếu tăng trưởng toàn cầu chậm hơn kỳ vọng và khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra cùng với các bất ổn địa chính trị gia tăng, nhu cầu vàng toàn cầu có thể tiếp tục tăng so với năm 2024 đẩy giá vàng thế giới tăng cao như nhiều nhận định của các tổ chức kinh tế thế giới, sẽ tác động làm VND giảm giá, tỷ giá USD/VND tăng.

"Với kịch bản này, khi giá vàng thế giới tăng kéo theo giá vàng trong nước cũng tăng theo, cùng với những bất ổn kinh tế thế giới khiến cho nhu cầu tích trữ vàng trong dân càng lớn. Nhà nước cần có những giải pháp để thu hút nguồn vàng trong dân để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội" - ThS. Vũ Thị Đào phân tích.

Nhiều khả năng giá vàng còn tiếp tục tăng trong năm 2025. Ảnh: TL

Nhiều khả năng giá vàng còn tiếp tục tăng trong năm 2025. Ảnh: TL

Các nhà phân tích ở Phố Wall dự báo, giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025, nhưng mức tăng có thể sẽ khiêm tốn hơn so với thành quả tăng 27% của năm 2024...

Kịch bản thứ hai, nếu FED và các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, đưa lạm phát về mức thấp hơn năm 2024 làm cho vàng có thể trở nên kém hấp dẫn do chi phí cơ hội cao hơn. Khi đó, giá vàng thế giới giảm, giá vàng trong nước cũng giảm theo và không gây áp lực lên tỷ giá hối đoái.

Ở góc nhìn khác, Chuyên gia kinh tế Định Trọng Thịnh cho hay, năm 2025, nền kinh tế thế giới sẽ ổn hơn, các cuộc xung đột sẽ dịu bớt đi. Nền kinh tế của Mỹ sẽ mạnh lên trước các quyết sách của Tổng thống Donald Trump, là những yếu tố khiến giá vàng xuống, ổn định hơn.

Ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT cũng cho rằng, theo nguyên lý, khi kinh tế hồi phục thì vàng sẽ bước vào giai đoạn “ngủ đông”. Dẫn chứng giai đoạn từ năm 2013 - 2019, sau khi tăng mạnh, giá vàng trong nước đã giảm từ 48 triệu đồng/lượng xuống 36 triệu đồng/lượng và đi ngang suốt 6 năm này. Đối chiếu với giai đoạn 2025, ông Huấn cho rằng đây là giai đoạn tiền phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, do đó vàng sẽ tăng chậm lại. Đồng thời, khuyến nghị các nhà đầu tư trong thời gian tới, đặc biệt từ năm 2026, nên hạn chế đầu tư vào vàng.

Cần linh hoạt trong hoạt động quản lý nhà nước đối với thị trường vàng

Khuyến nghị trong công tác quản lý thị trường vàng thời gian tới, Ths. Vũ Thị Đào cũng cho hay, trước tiên cần xây dựng mục tiêu trong hoạt động quản lý nhà nước đối với thị trường vàng cụ thể và xác định lộ trình cho việc thực hiện.

Theo đó, mục tiêu quản lý nhà nước đối với thị trường vàng cần linh hoạt với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế, không có một chính sách một biện pháp nào đúng cho mọi giai đoạn. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần nhận thức được sự chuyển động và đòi hỏi không ngừng của nền kinh tế, kết hợp hài hòa giữa mục tiêu quản lý với lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng, trong đó lợi ích quốc gia được đặt lên hàng đầu...

Bên cạnh đó, cần dỡ bỏ chính sách độc quyền sản xuất vàng miếng, đơn giản hóa chính sách nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Cùng với đó, xây dựng cơ sở pháp lý cho việc thiết lập và vận hành hoạt động của mô hình sàn vàng tập trung bên cạnh việc duy trì thị trường tự do với mạng lưới các cơ sở kinh doanh vàng hiện nay. Sự cho phép sàn vàng hoạt động trở lại là điều kiện cho việc đáp ứng yêu cầu thu hút nguồn vàng trong dân chúng tới với kênh đầu tư chính thức, đem lại nguồn cung vàng ổn định cho doanh nghiệp, đem lại khả năng nắm bắt về cung – cầu vàng cho NHNN...

Nhà nước cần tăng cường thanh tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ đối với thị trường vàng. Ảnh: TL

Nhà nước cần tăng cường thanh tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ đối với thị trường vàng. Ảnh: TL

Ngoài ra, tất cả các điểm kinh doanh vàng phải đăng ký và quản lý chặt chẽ về khối lượng giao dịch. Với công nghệ hiện nay có thể quản lý chặt chẽ khối lượng giao dịch của các điểm kinh doanh vàng. Như vậy, sẽ triệt tiêu các lợi ích, động cơ không trong sáng với thị trường vàng.

Cuối cùng, "Nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường; kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền...; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân... gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng..." - Ths. Vũ Thị Đào khuyến nghị.

Theo Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, dù giá vàng thế giới diễn biến theo chiều hướng nào thì trong nước, việc cơ quan quản lý siết chặt thị trường vàng và diễn biến tỷ giá hiện nay đều không có lợi cho việc đầu tư vàng./.

Nhìn lại năm 2024, giá vàng trong nước và thế giới đều biến động mạnh, có lúc giá vàng SJC đã đạt mốc cao nhất lịch sử là 92 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng trên thế giới đạt đỉnh cao kỷ lục gần 2.790 USD/ounce. Tuy nhiên, các đợt tăng giá thời gian qua cho thấy, những biến động của giá vàng không tác động tiêu cực đến các biến số kinh tế vĩ mô ở Việt Nam do chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, chống vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế thông qua việc kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá.

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kich-ban-nao-cho-gia-vang-nam-2025-168517.html
Zalo