Kí ức gió mùa

Năm nào tầm này, hoặc sớm hơn chút gió mùa lại về trên phố. Cái se lạnh đầu mùa như chiếc bản lề của cánh cửa, lại như chiếc cầu mỏng mảnh nối hai miền nóng ấm và giá rét để lại bao nỗi bâng khuâng.

Minh họa: BH

Minh họa: BH

Đêm qua, tôi bị thức giấc trong yên lặng của đêm. Không hề có tiếng động lạ, cũng đâu phải vì hồi chiều đã uống ly cà phê nào, vậy mà cứ thế đôi mắt chong chong cho đến sáng.

***

Sớm nay, bỗng có nhiều tiếng hỏi thăm. Bà cụ bán quà sáng đầu ngõ cố nói với theo một anh vừa mua gói xôi cho con nhỏ mang tới trường: “Nhớ qua ngã ba mua cho nó cái khăn quàng tạm”. Anh kia đi vội nhưng vẫn không quên đáp lại: “Vâng bà, con nhớ rồi”. Bà cụ còn đứng nhìn theo lo lắng như thể đó là người thân của mình. Người phố vốn không có họ hàng thân thích như ở nông thôn mà bỗng lo toan, tình nghĩa. Gió mùa như có một phép màu đem đến sự đổi thay đến lạ kì.

Tôi bước ra khỏi nhà, định bụng mở cửa xe đi làm như mọi khi nhưng rồi nghĩ thế nào lại rẽ sang phố bên kia. Lâu lắm rồi, tôi không đi bộ sáng sớm như thế. Bất chợt, tôi nhận ra tiếng động cơ xe của ngày mới vang lên đầy sinh lực, khác với tiếng còi xe uể oải lúc chiều về. Tôi quyết định đi tìm một hàng handmade để sắm đồ cho cháu gái, đứa cháu nhìn giống mẹ tôi hồi còn trẻ. Tầm này chắc nó sắp học xong tiết thứ nhất. Trường nó học là trường tôi ngày xưa, cứ thế, tôi đi bộ đến cổng trường lúc nào không hay.

“Tùng tùng tùng”... ba hồi trống vang lên, tôi thấy hồi hộp như thuở nào. Tôi đứng bên cánh cổng sắt, nắng chiếu lên tạo ra cái bóng mập tròn của tôi. Một người trung niên đang đứng đó chứ đâu còn là bóng đứa trẻ gày guộc ngày nào lấm lem mực, phấn. Tại sao cả nắng cũng không thể lưu giữ được chút ngày xưa cho tôi.

Nhưng rồi nắng đã biến đâu mất khi cơn gió tràn đến. Gió từ cánh đồng vi vút, ôi vẫn cơn gió ngày xưa dẫu ruộng đã hóa nhà cao tầng. Tôi đứng đó ngóng đứa cháu tết hai bím tóc. Nó đang nô đùa với bạn, hồn nhiên như thiên thần. Bất giác nó nhìn thấy tôi, mắt sáng lên, chạy lại phía cổng. Tôi đưa tay qua cánh cổng quàng khăn cho nó. Nó vui lắm, nhìn tôi và bảo: “Chú biết cháu thích khăn handmade như thế nào rồi đấy. Giống ngày xưa bà làm, cảm giác nó ấm hơn khăn dệt máy công nghiệp”. Tôi sực nhớ ra một chữ “ấm” giữa lúc gió mùa vu vi thổi. Phải rồi, sự ấm áp của bàn tay chính là cứu cánh xua đi rét mướt, trống vắng. Khăn đan tay tưởng như đã thất thế, chỉ còn những bà già xế chiều như mẹ tôi quàng, sớm nay bỗng phục sinh trong ánh mắt trẻ mới lớn.

Tôi đã về phòng làm việc, mở một cánh cửa để gió mùa se lạnh thâm nhập khắp căn phòng. Điều hòa nằm im lìm trên tường, cánh quạt như đóng băng, chỉ còn hương thơm từ ấm trà khiến tôi chìm vào hoài niệm. Ngày mẹ tôi còn sống, bà là người luôn nhắc con cháu khi gió mùa về. Bà bảo cái lạnh đầu mùa “độc” lắm, dần dà cơ thể quen thì chẳng sao nữa con ạ. Nhưng từ ngày mẹ đi xa, gió mùa về trên phố bao giờ cũng làm tôi thấy trống vắng, một khoảng trống trong lòng mình.

Gió mùa về phố rồi tan vào mặt hồ, vào những con đường xa tít tắp để cả mùa đông ta cứ bâng khuâng tha thiết nhớ, một kí ức mang tên gió mùa.

Tản văn của Bùi Việt Phương (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ki-uc-gio-mua-34182.htm
Zalo