Khuyến nghị tăng thuế thuốc lá để giảm tiêu thụ
Mỗi năm Việt Nam có hơn 84 nghìn người tử vong do hút thuốc lá trực tiếp và gần 19 nghìn ca tử vong do hít phải khói thuốc thụ động. Đáng báo động là với giá bán lẻ quá rẻ, chỉ dao động 7-10 nghìn đồng/bao, thuốc lá dễ dàng tiếp cận đến người tiêu dùng bình dân, bao gồm cả người thu nhập dưới trung bình và thanh thiếu niên.
Hiện tại Việt Nam áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá ở mức 75%, tính theo giá xuất xưởng. Tuy nhiên, tỉ lệ thuế so với giá bán lẻ hiện nay chỉ đạt từ 36,7% đến 38,8% - thấp hơn nhiều so với mức trung bình 59% của các nước có thu nhập trung bình. Thậm chí thấp hơn so với hầu hết các quốc gia trong khu vực ASEAN, như Thái Lan (81,3%), Indonesia (63,5%) và Malaysia (51,6%).
Bà Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) cho biết: “Cần lưu ý là hiện nay ở Việt Nam, giá thuốc lá rất rẻ, cả khi so sánh ở khu vực ASEAN và trên phạm vi toàn thế giới. Hơn thế nữa, thuốc lá ở Việt Nam đã trở nên dễ mua hơn qua thời gian vì giá hầu như không tăng nhưng thu nhập của người dân thì tăng nhanh, khiến cho thuốc lá ngày càng rẻ và dễ mua. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tăng thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả và tiết kiệm nhất để giảm tỷ lệ người hút thuốc. Vì sản phẩm sẽ trở nên khó chi trả hơn, khiến người tiêu dùng cảm thấy ít muốn tiêu thụ hơn”.
Để đảm bảo đạt được mục tiêu giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá theo chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá tới năm 2030, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị, cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030. Phương án này cũng kỳ vọng trở thành đòn bẩy kinh tế, giúp huy động thêm nguồn thu ngân sách để Chính phủ ưu tiên đầu tư vào các mục tiêu phát triển bền vững.
“Việc tăng mức thuế đối với các sản phẩm thuốc lá cũng là xu hướng quốc tế. Một ví dụ gần Việt Nam là Philippines, việc cải cách hệ thống thuế thuốc lá dẫn đến sự sụt giảm rất mạnh về tỉ lệ thuốc. Nó cũng tạo ra một nguồn thu nhập bổ sung rất đáng kể cho Chính phủ. Tạo ra một nguồn thu nhập bổ sung để đầu tư trở lại vào các ưu tiên phát triển, dù là y tế hay các mảng khác, tốt cho cả xã hội và tốt cho cả nền kinh tế nói chung”, bà Angela Pratt cho biết thêm.
Từ kinh nghiệm quốc tế, cải cách hệ thống thuế thuốc lá vừa hướng tới hiệu quả sức khỏe cộng đồng, vừa thúc đẩy nâng cao nguồn thu thuế. Bên cạnh thuốc lá, việc tăng thuế đối với các mặt hàng gây hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, nước ngọt... cũng chính là biện pháp phát triển kinh tế - xã hội lâu dài, góp phần làm nên một Việt Nam văn minh, hiện đại, tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.