Khuyến khích trí thức trẻ sẵn sàng nghiên cứu, đột phá trong khoa học công nghệ
Trong kỷ nguyên mới của dân tộc, khi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực cốt lõi đưa Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trên bản đồ thế giới, vai trò của những trí thức trẻ tiên phong trở nên quan trọng hơn bao giờ hết...
Ngày 15/2, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ ở Hà Nội, Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam (VAYSE) tổ chức buổi gặp mặt đầu xuân.
Trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ đầu năm, Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam đã triển khai kế hoạch năm 2025 hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ. Đây là cơ hội để các nhà khoa học, tri thức trẻ cùng nhau kiến tạo những ý tưởng lớn, góp phần đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới đầy tự hào.
Chủ tịch Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ, TS Lê Phước Minh nhấn mạnh, Nghị quyết 57 đã thể hiện một tầm nhìn mới về khoa học công nghệ (KHCN), coi trọng sự “đột phá”. Điều này có nghĩa là cần có cơ chế, chính sách cho phép chấp nhận rủi ro, thử nghiệm, thậm chí là thất bại trong nghiên cứu KHCN, miễn là do nguyên nhân khách quan.
![Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam đã triển khai kế hoạch năm 2025 để hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ. (Nguồn: Mỹ Ánh)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_207_51482871/438f544867068e58d717.jpg)
Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam đã triển khai kế hoạch năm 2025 để hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ. (Nguồn: Mỹ Ánh)
Việc chấp nhận rủi ro sẽ khuyến khích các nhà khoa học dám dấn thân, đưa ra những ý tưởng táo bạo, không đi theo lối mòn an toàn. Vai trò chủ thể của người dân và doanh nghiệp trong phát triển KHCN: Nghị quyết 57 xác định rõ người dân và doanh nghiệp là chủ thể của sự phát triển và đột phá trong KHCN. Các nhà khoa học đóng vai trò then chốt, còn nhà nước tạo hành lang cơ chế. Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam cần hướng đến đối tượng là học sinh, sinh viên, giảng viên, giáo viên, các nhà nghiên cứu và đặc biệt là các doanh nhân, doanh nghiệp có ý tưởng đột phá.
![Chủ tịch Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ - TS Lê Phước Minh phát biểu mở đầu buổi gặp gỡ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_207_51482871/bcefa228916678382177.jpg)
Chủ tịch Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ - TS Lê Phước Minh phát biểu mở đầu buổi gặp gỡ.
Trong kỷ nguyên mới của dân tộc, khi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực cốt lõi đưa Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trên bản đồ thế giới, vai trò của những trí thức trẻ tiên phong trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Để phát triển khoa học công nghệ trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam, Hội Trí thức khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam (VAYSE) đã và đang mang trong mình sứ mệnh kết nối, dẫn dắt, thúc đẩy sự sáng tạo của thế hệ trí thức trẻ, góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường, hiện đại.
![Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam (VAYSE) khuyến khích trí thức trẻ sẵn sàng nghiên cứu, đột phá trong khoa học công nghệ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_207_51482871/69174bd0789e91c0c88f.jpg)
Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam (VAYSE) khuyến khích trí thức trẻ sẵn sàng nghiên cứu, đột phá trong khoa học công nghệ.
Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó chủ tịch thường trực của Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam (VAYSE) nhấn mạnh hoạt động bồi dưỡng, hỗ trợ sinh viên ở các trường đại học tham gia nghiên cứu khoa học rất quan trọng. Ông Hoàng cho rằng cần phát triển hội viên với các trường đại học, cao đẳng và các viện nghiên cứu để xây dựng thêm một đội ngũ trí thức, nhà nghiên cứu trẻ để nối tiếp, ươm mầm việc nghiên cứu khoa học ở Việt Nam nói riêng và vươn tầm quốc tế trong tương lai.
Ông Đặng Văn Phúc, Ủy viên Ban chấp hành Hội Trí thức Khoa học và công nghệ trẻ Việt Nam, hiện là chuyên gia IT của ngân hàng, đề xuất một cách tiếp cận độc đáo như chủ động hỗ trợ, hướng dẫn những người đang nghiên cứu khoa học, thậm chí từ sinh viên.
Các ý tưởng, công trình nghiên cứu thường trải qua nhiều giai đoạn: từ ý tưởng ban đầu, đến nghiên cứu, phát triển, và cuối cùng là đưa ra thị trường. Ông Phúc đề xuất Hội không chỉ dừng lại ở việc “chấm điểm”, “tôn vinh” các ý tưởng đã hoàn thiện, mà cần hỗ trợ các ý tưởng cho các doanh nghiệp, sinh viên... ngay từ giai đoạn sơ khai.