Khuyến khích sự sáng tạo của học sinh trong học tập

Khuyến khích sự sáng tạo của học sinh trong học tập là điều cần thiết trong bối cảnh giáo dục hiện đại, có thể giúp học sinh cảm thụ và ghi nhớ kiến thức hiệu quả hơn.

Sự sáng tạo không phải thứ "trời ban"

Việc khơi gợi được sự sáng tạo của học sinh trong học tập đòi hỏi sự chủ động từ cả phương pháp giảng dạy của giáo viên và sự tích cực của học sinh.

Mọi người thường nghĩ sự sáng tạo là một tài năng thiên bẩm. Cụm từ "khuyến khích sự sáng tạo" có thể khiến nhiều người bật cười, bởi theo cách hiểu thông thường, sáng tạo giống như một thiên phú hơn là kết quả của việc miệt mài luyện tập.

Nhưng thực tế, sáng tạo là một thử thách, và yếu tố quan trọng trong việc hình thành sự sáng tạo của học sinh nằm ở phương pháp dạy của giáo viên, mang đến cảm giác khơi gợi sự hứng thú, từ đó dần thay đổi tư duy của các học sinh.

Giáo viên dẫn dắt, hỗ trợ học sinh phát triển tư duy và khả năng sáng tạo

Một trong những mục tiêu quan trọng phát triển giáo dục hiện nay là đổi mới phương pháp giảng dạy để thúc đẩy tính chủ động, tích cực và sáng tạo của học sinh. Trong quá trình này, giáo viên đóng vai trò quan trọng là người hướng dẫn, có trách nhiệm dẫn dắt, hỗ trợ, giúp học sinh phát triển tư duy và khả năng sáng tạo của mình.

Để có thể khơi gợi và phát huy tính sáng tạo của học sinh, giáo viên cần đặt mình trong góc nhìn của chính các học trò, hiểu rõ được các đặc điểm về lứa tuổi, tâm sinh lý, trình độ tư duy của học sinh, từ đó bắt đầu xây dựng phương án giảng dạy phù hợp.

Mỗi một lứa tuổi lại có những đặc trưng suy nghĩ riêng, và giáo viên cần nắm bắt những đặc trưng đó để kích thích sự sáng tạo bên trong học sinh.

Giáo viên có thể khuyến khích học sinh đặt ra các câu hỏi khác cho từng vấn đề như "Tại sao điều này lại xảy ra?" hoặc "Nếu làm khác đi, kết quả sẽ ra sao?"... Đây là phương pháp giúp học sinh mở rộng tư duy, tránh tiếp nhận thông tin, kiến thức một cách máy móc với khía cạnh hạn hẹp.

Ngoài ra, giáo viên có thể tổ chức các giờ học một cách khoa học, kết hợp sử dụng các bài giảng đa phương tiện để giúp học sinh dễ dàng tiếp thu bài giảng và tích cực tham gia giờ học, từ đó kích thích, nuôi dưỡng sự sáng tạo.

Các học liệu điện tử đa định dạng, sinh động trên nền tảng Hành Trang Số được nhiều giáo viên sử dụng để làm phong phú nội dung giảng dạy, giúp học sinh nắm vững kiến thức, khơi dậy sự tò mò và sáng tạo của học sinh.

Khi chuyển từ phương pháp dạy và học thụ động sang chủ động, tích cực, vai trò của giáo viên không còn đơn thuần là người truyền đạt kiến thức mà còn người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn, gợi mở, xúc tác, động viên và hỗ trợ học sinh trong các hoạt động học tập một cách độc lập.

Học sinh cần chăm chỉ và kiên nhẫn thay đổi tư duy, sáng tạo mỗi ngày

Cần ghi nhớ, sự sáng tạo không phải thứ đạt được trong ngày một, ngày hai. Đó là một quá trình cần nhiều thời gian, và từ chính bản thân các học sinh cũng cần sự chăm chỉ và kiên nhẫn để từng ngày thay đổi tư duy, rèn luyện phát triển sự sáng tạo của bản thân.

Chia sẻ góc nhìn, chuyên gia giáo dục Công ty CP Công nghệ Giáo dục AES cho rằng, một trong những bước quan trọng để mỗi học sinh kích thích được tư duy sáng tạo của bản thân là duy trì thói quen đặt câu hỏi.

Cụ thể, thay vì chấp nhận mọi thông tin một cách thụ động, học sinh nên tò mò về các nội dung được truyền tải và đặt ra những câu hỏi mở rộng. Ví dụ, trong môn Lịch sử, học sinh có thể tự hỏi: "Sự kiện này diễn ra ở đâu?", "Các nhân tố khác nhau ảnh hưởng đến sự kiện như thế nào?". Việc đặt câu hỏi sẽ giúp học sinh tiếp cận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau và phát triển tư duy phản biện.

Sáng tạo thường đến từ việc kết hợp các ý tưởng từ nhiều lĩnh vực khác nhau, như những kỹ năng phân tích, suy luận từ môn Toán có thể được sử dụng trong Vật lí, Hóa học, hoặc kiến thức, cảm thụ từ môn Ngữ văn có thể kết hợp với Mĩ thuật để tạo ra những tác phẩm sáng tạo. Bằng cách kết nối kiến thức giữa các lĩnh vực, học sinh sẽ có cơ hội nhìn nhận vấn đề theo cách mới mẻ và độc đáo hơn.

Từ phía học sinh cũng không nên giới hạn bản thân trong cách học truyền thống. Hãy trải nghiệm nhiều phương pháp học khác nhau như tạo sơ đồ tư duy, sử dụng trò chơi học thuật, hoặc tham gia các dự án thực tế. Việc thử nghiệm các phương pháp học đa dạng sẽ giúp chính các học sinh tìm ra cách học hiệu quả, đồng thời phát triển bản tính sáng tạo vốn có của bản thân.

Để khuyến khích được sự sáng tạo trong học tập cần sự đồng hành của cả giáo viên và học sinh. Giáo viên tạo ra môi trường học tập cởi mở, linh hoạt và kích thích sự tò mò cho học sinh, trong khi đó, học sinh chủ động khám phá, thử nghiệm, và chấp nhận thử thách trong quá trình học tập.

Khi giáo viên và học sinh phát huy vai trò của mình, tính sáng tạo sẽ được khơi dậy và trở thành động lực mạnh mẽ trong việc nâng cao hiệu quả học tập.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/khuyen-khich-su-sang-tao-cua-hoc-sinh-trong-hoc-tap-119241031163426614.htm
Zalo