Đề Văn bàn về 'lối sống phông bạt' mới mẻ hay là sự cẩu thả, tùy tiện?
Đề kiểm tra giữa kỳ lớp 10 của trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM) bàn về lối sống phông bạt của giới trẻ gây ra nhiều tranh cãi, bàn luận.
"Hãy viết bài văn nghị luận bàn về Lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay".
Đó là yêu cầu trong đề kiểm tra giữa kỳ môn Ngữ văn dành cho học sinh một lớp 10 của trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM). Đề thi chỉ có một câu, với thời gian làm bài 45 phút.
Trên các diễn đàn mạng xã hội, đề thi Ngữ văn này thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác, bình luận. Nhiều người khen ngợi vì đề thi theo chương trình mới ngắn gọn, mới lạ, song cũng không ít tranh cãi xung quanh đề Ngữ văn này.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, thạc sĩ Lê Trần Diệu Thu, giáo viên môn Ngữ văn tại Hà Nội, nhận xét đề Văn bàn về “lối sống phông bạt" là một lựa chọn mang tính thời sự, gần gũi với giới trẻ, nhất là trong thời đại mạng xã hội phát triển.
Khái niệm này đề cập đến thói quen sống phô trương, cố gắng thể hiện những thứ mình không thực sự sở hữu hoặc chỉ có rất ít. Việc đưa vấn đề này vào đề thi có thể giúp học sinh suy ngẫm về cách sống của mình và ảnh hưởng của mạng xã hội đến cách ứng xử, nhận thức xã hội của họ.
Tương tự, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên), cũng chỉ ra một điểm sáng của đề thi này chính là đề “mang hơi thở của cuộc sống”.
Thầy giáo nói rằng nếu người làm đề cẩn trọng, diễn đạt rõ ràng theo ngôn ngữ thông dụng, vấn đề được nêu trong đề kiểm tra sẽ rất hay vì đây là dạng đề nghị luận về đời sống, là chủ đề đang được xã hội quan tâm.
Nên dùng tiếng lóng trong đề thi hay không?
Đề thi bắt nhịp vấn đề thời sự, song theo cô Diệu Thu, một đề Ngữ văn lý tưởng nên đánh giá cả khả năng cảm thụ văn học, năng lực tư duy phản biện và khả năng diễn đạt của học sinh. Trong khi đó, đề Văn này chủ yếu tập trung vào việc phân tích xã hội, chưa thực sự khuyến khích học sinh sử dụng các tác phẩm văn học hoặc dẫn chứng cụ thể từ văn học để phát triển ý tưởng.
Để kiểm tra năng lực toàn diện, đề thi cần mở rộng để học sinh có thể thể hiện hiểu biết về văn học bên cạnh khả năng lập luận xã hội.
Bên cạnh đó, cô Thu cho rằng “lối sống phông bạt” là một thuật ngữ tiếng lóng và không phải ai cũng hiểu rõ, đặc biệt là trong môi trường giáo dục chính thống. Các từ ngữ này thường mang tính chất không chính thức và dễ gây nhầm lẫn, đặc biệt khi mỗi thế hệ có cách hiểu khác nhau.
Điều này có thể gây khó khăn cho học sinh khi làm bài, nhất là những em chưa quen với khái niệm hoặc cách diễn đạt theo xu hướng ngôn ngữ mạng.
Nếu sử dụng tiếng lóng, cô Thu cho rằng đề thi cần có thêm phần giải thích hoặc làm rõ ý nghĩa để đảm bảo mọi học sinh hiểu đúng vấn đề và có thể trả lời một cách toàn diện, thay vì mơ hồ về nội dung. Một cách khác là giáo viên có thể sử dụng các thuật ngữ trung tính hơn, dễ hiểu hơn để đảm bảo tính phổ thông và chuẩn mực cho đề thi.
“Sự mơ hồ trong từ ngữ có thể khiến học sinh hiểu sai và làm lệch đi mục đích của đề thi. Vì vậy, đề thi cần rõ ràng, cụ thể hơn về định nghĩa để tránh hiểu nhầm”, cô Thu nói.
Chung quan điểm với cô Thu, thầy Nguyên Minh nhận xét rằng dù chủ đề hay, đề thi vẫn gây ra nhiều điều đáng tiếc vì sự cẩu thả, tùy tiện và thiếu trách nhiệm của người ra đề.
Theo thầy, “phông bạt” là từ lóng, có người biết và cũng có người không biết. Thầy Minh giả sử nếu trong lớp, một số học sinh không biết “lối sống phông bạt là gì”, các em sẽ phải xoay xở như thế nào, khi đề yêu cầu các em không sử dụng tài liệu, giám thị cũng không giải thích gì thêm.
Nếu người ra đề cẩn trọng hơn một chút, để cụm từ “lối sống phông bạt” vào ngoặc kép và chú thích cụ thể lối sống đó là gì, học sinh sẽ dễ hiểu và phát huy bài làm tốt.
Ngoài ra, thầy giáo cũng đưa ra một gợi ý khác là diễn đạt đề bài này theo ngôn ngữ thông dụng như “Viết bài văn nghị luận bàn về lối sống phô trương, tự tô vẽ bản thân”. Khi đó, đề thi sẽ đảm bảo rõ ràng và hay hơn.
“Tôi cho rằng đã ra đề thi trong trường phổ thông, ngôn ngữ phải đảm bảo chuẩn mực, cách diễn đạt cần phải sáng rõ. Những lúc cần thiết phải sử dụng tiếng lóng để đề mang tính thời sự, chúng ta phải có chú thích cụ thể, rõ ràng. Trong những việc như thế này, sự cẩu thả, tùy tiện là tối kỵ”, thầy Minh nói với Tri Thức - Znews.
Đề thi Ngữ văn cần đảm bảo yêu cầu nào?
Thầy Nguyên Minh cho rằng ra đề thi môn Ngữ văn là một việc rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy học bộ môn. Hơn nữa, đề thi môn học này lại được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Vì vậy, thầy khuyên các giáo viên ra đề Ngữ văn phải cẩn trọng, kỹ lưỡng trong từng câu từng chữ, diễn đạt làm sao cho sáng rõ, chọn ngữ liệu làm sao cho phù hợp, đặt câu hỏi làm sao cho vừa sức mà vẫn kích thích được tư duy...
“Điều quan trọng là các thầy cô phải đặt mình là học sinh để ra đề chứ không phải ra đề theo nhu cầu, sở thích của cá nhân mình. Nghĩa là các thầy cô phải tự hỏi, nếu mình là học sinh mình có làm được đề đó không? Có hứng thú với đề đó không?”, thầy giáo nhấn mạnh.
Cô Thu cũng nêu những quan điểm liên quan việc ra đề thi Ngữ văn. Theo cô, một đề thi hiệu quả cần đảm bảo một số yêu cầu. Thứ nhất là tính rõ ràng và chính xác, bao gồm sử dụng ngôn ngữ chính xác, dễ hiểu để học sinh hiểu đúng yêu cầu và tránh gây ra nhầm lẫn. Điều này đặc biệt quan trọng để học sinh không bị phân tâm bởi các từ ngữ không quen thuộc hoặc dễ gây tranh cãi.
Thứ hai, đề thi cần đánh giá được năng lực toàn diện của học sinh, bao gồm khả năng cảm thụ văn học, kỹ năng tư duy phản biện, khả năng diễn đạt.
Thứ ba, đề Văn nên có tính giáo dục, giúp học sinh nhận thức về các giá trị sống và các vấn đề xã hội. Những vấn đề đưa vào đề thi nên có ý nghĩa thực tế, giúp các em rút ra được bài học và áp dụng vào cuộc sống.
Thứ tư là đề thi cần phù hợp với độ tuổi và trình độ của học sinh để họ cảm thấy tự tin và có đủ nền tảng kiến thức để xử lý.
Cuối cùng là khuyến khích tính sáng tạo và cá nhân hóa. Đề thi nên có tính mở để học sinh tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm cá nhân và thể hiện sự sáng tạo của mình trong cách diễn đạt.