Khuyến khích nữ giới tham gia nhiều hơn vào giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học

Ngày 19/2, tại TP Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp cùng Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương khu vực miền Nam, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học 'Bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ'.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Đây là dịp để các nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục, nhà khoa học và các tổ chức liên quan cùng thảo luận về các giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu khoảng cách giới trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Quý Trọng, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương 3, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tham gia Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, đã có những nỗ lực đáng kể để thực hiện cam kết trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.

Ông Phạm Quý Trọng, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương 3, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Ông Phạm Quý Trọng, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương 3, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao đóng góp và vai trò của phụ nữ và thực hiện hàng loạt các chính sách nhằm tăng cường bình đẳng giới, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ, đảm bảo phụ nữ được bảo vệ, chăm sóc và phát triển. “Do vậy, việc khuyến khích nữ giới tham gia nhiều hơn vào giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học không chỉ nâng cao năng lực cá nhân, mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, sáng tạo và đổi mới của quốc gia”, ông Phạm Quý Trọng chia sẻ.

Trên cơ sở khảo sát hơn 9.000 người từ 6 vùng kinh tế, xã hội trên cả nước từ 18 tuổi trở lên trong năm 2024, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội nhìn nhận, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giới trong giáo dục. Tỷ lệ nam và nữ tham gia học tập ở các cấp học gần như tương đương.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại sự chênh lệch trong việc lựa chọn ngành học và định hướng nghề nghiệp. "Do vậy, phụ nữ Việt Nam đang tìm kiếm con đường thăng tiến trong sự nghiệp và ưu tiên quan trọng nhất của họ là đầu tư vào con đường học vấn. Số liệu nghiên cứu cũng cho thấy khoảng cách giới trong trình độ đại học thu hẹp rất nhanh ở thế hệ trẻ…”, bà Trần Thị Minh Thi khẳng định.

Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh chia sẻ về “Đề án Hạnh phúc” mà Sở đang thí điểm. Đồng thời cam kết nhân viên được làm việc theo thời gian linh hoạt, quản lý theo hiệu quả công việc chứ không theo thời gian, giao việc theo nhiệm vụ và khả năng từng người… “Chế độ làm việc phù hợp giúp hiệu quả công việc của nhân viên tăng cao mà vẫn đảm bảo cân bằng được trách nhiệm công việc với gia đình”, bà Trần Thị Kim Thanh khẳng định.

Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố phát biểu tại Hội thảo.

Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố phát biểu tại Hội thảo.

Các đại biểu đã chia sẻ kết quả nghiên cứu mức độ bình đẳng giới ở bậc đại học hiện nay, bình đẳng giới trong lao động, việc làm và vai trò của giáo dục và đào tạo. Các đại biểu trao đổi, thảo luận về sự khác biệt về giới trong sử dụng các thiết bị, ứng dụng công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0; định hướng nghề nghiệp cho con từ khía cạnh giới; phương pháp giáo dục con và những vấn đề giới phát sinh…

Tin, ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/khuyen-khich-nu-gioi-tham-gia-nhieu-hon-vao-giao-duc-dao-tao-va-nghien-cuu-khoa-hoc-20250219171451678.htm
Zalo