Khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn
Theo Luật Bảo vệ môi trường, từ ngày 1/1/2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Nếu không thực hiện thì sẽ bị xử phạt theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ.
![Công nhân vệ sinh môi trường thu gom rác trên đường phố Tuy Hòa. Ảnh: NHƯ THANH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_445_51483251/7782cf52fc1c15424c0d.jpg)
Công nhân vệ sinh môi trường thu gom rác trên đường phố Tuy Hòa. Ảnh: NHƯ THANH
Mức phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hộ gia đình và cá nhân không thực hiện phân loại rác thải theo quy định. Chế tài xử phạt này nhằm góp phần thúc đẩy người dân thay đổi hành vi, tăng tính răn đe trong xã hội đối với người không tuân thủ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại các địa phương trong tỉnh vẫn chưa thực hiện, các loại rác thải vẫn thu gom chung trước khi đưa đi xử lý.
Mỗi tuần 3 lần, bà Lê Thị Ngọc ở khu phố 2, phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa gom rác thải trong gia đình và để trước cổng nhà để nhân viên vệ sinh môi trường đến vận chuyển đi xử lý. Tất cả các loại rác như thức ăn thừa, vỏ chai thủy tinh, hộp nhựa… đều bỏ vào túi ni lông lớn. Bà Ngọc cho biết có nghe nói về quy định phân loại rác thải tại nguồn, nhưng khu phố nơi bà ở chưa thấy ai thực hiện nên bà cũng chưa phân loại rác.
Còn ông Trần Văn Hùng ở phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa cho rằng việc phân loại rác tại nguồn không khó. Lâu nay ông chỉ nghe tuyên truyền, chứ chưa thấy ai gần khu vực ông sinh sống thực hiện. “Tôi nghĩ việc phân loại rác tại nguồn là hành động nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa lớn, nên mọi người cần chủ động làm để góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh”, ông Hùng chia sẻ.
Theo bà Ngọc, ông Hùng, quy định xử phạt đối với hành vi không phân loại rác thải tại nguồn đã có hiệu lực, dù chính quyền có tuyên truyền, vận động hay không, các gia đình cũng nên chủ động thực hiện. Nhưng cũng có người băn khoăn, nếu tự phân loại rác, rồi sau đó đơn vị thu gom lại đổ chung vào nhau mang đi, làm vậy cũng như không!?
Được biết, năm 2022, TP Tuy Hòa triển khai thí điểm mô hình Phân loại rác tại phường 7 và đang nhân rộng, tiến tới phân loại rác thải tại nguồn trong cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay cơ sở hạ tầng, cách thức triển khai cũng như xử phạt về phân loại rác tại nguồn chưa đồng bộ. Đây là những hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả của việc phân loại rác tại nguồn ở các địa phương trong tỉnh, nhất là tại các đô thị.
Để nâng cao tỉ lệ hộ dân tham gia phân loại rác tại nguồn, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn và thực hiện. Đồng bộ hạ tầng kỹ thuật từ thùng chứa rác, điểm tập kết, trạm trung chuyển cho đến xe thu gom, phương tiện vận chuyển rác thải đã phân loại. Chuyển đổi từ công nghệ chôn lấp sang công nghệ xử lý và tái chế chất thải.
Theo đánh giá của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, việc phân loại rác tại nguồn trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn chưa đi sâu vào đời sống người dân. Thống kê cho thấy tổng lượng rác thu gom và xử lý trên địa bàn tỉnh trên 500 tấn/ngày, trong đó rác hữu cơ chiếm khoảng 70% nhưng chính quyền địa phương chưa có phương án xử lý hiệu quả, do tỉnh chưa có nhà máy xử lý rác thải.
Việc phân loại rác tại nguồn sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường, nhưng để mang lại kết quả như mong đợi đòi hỏi sự vào cuộc từ nhiều phía. Do vậy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến công tác này; người dân cần nâng cao ý thức trong việc tham gia hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn ở địa phương.