Khuyến khích đảng viên '6 dám'

Hơn lúc nào hết, từ yêu cầu thực tiễn nhằm phát triển nhanh, bền vững, xây dựng một nước Việt Nam hùng cường trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải là những người có đủ đức, đủ tài, có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hội tụ phẩm chất '6 dám' là: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, cán bộ, đảng viên của Đảng không chỉ là những người lo trước thiên hạ mà còn phải khổ trước thiên hạ, phải dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Nhân dân, của Tổ quốc, của Đảng. Do đó, nhằm khuyến khích, bảo vệ đảng viên “6 dám” và nhân lên hơn nữa những tấm gương cốt cán này, Đảng và Nhà nước đã sớm có nhiều quy định như: Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; Quy định số 22- QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng... tạo hành lang pháp lý rõ ràng nhằm khuyến khích, bảo vệ những cán bộ, đảng viên “6 dám”; để phẩm chất “6 dám” của cán bộ, đảng viên được phát huy mạnh mẽ. Tuy nhiên, qua trao đổi, mạn đàm cho thấy, một vấn đề cấp thiết trong bối cảnh hiện nay là phải giải tỏa cho được tâm lý sợ làm sai với quy định hiện hành, sợ bị xử lý trách nhiệm mặc dù rất cố gắng giải quyết khó khăn, thách thức với động cơ trong sáng - vì lợi ích của dân, của nước, không vì danh, lợi cá nhân ở không ít cán bộ, đảng viên.

Các Quy định, Nghị định trên đã thỏa mãn được hai yêu cầu cơ bản đó là khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên “6 dám”, trọng tâm là khuyến khích những người năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, trong đó triệt tiêu tâm lý sợ sai, sợ mất lòng, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám đối diện với những khó khăn, vướng mắc, không dám đấu tranh phê phán cái sai, cái xấu... và tư tưởng “an phận thủ thường”, chỉ làm đúng việc, nghỉ đúng giờ, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai im lặng... Đặc biệt, những Quy định, Nghị định này đã đưa ra một cơ chế khuyến khích thiết thực với từng loại vấn đề, từng loại việc, tương xứng với mức độ, quy mô và hiệu quả mà những cái “dám” đó mang lại trong hiện thực.

Đồng thời, các Quy định, Nghị định cũng đưa ra được cơ chế xử lý, kỷ luật nghiêm khắc đối với những hành vi lợi dụng sự khuyến khích, bảo vệ những điều “dám” hữu dụng để tiến hành những điều “dám” chỉ vì mục đích phục vụ cho lợi ích cá nhân, phe nhóm hoặc thiếu tính thực tế, hoang tưởng, làm tổn hại đến uy tín của Đảng, Nhà nước, tài sản của Nhân dân; làm chỗ dựa pháp lý tin cậy cho những hành vi “dám” diễn ra mạnh mẽ, làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá một cách khách quan, chính xác kết quả của những hành vi “dám” trong thực tiễn...

Các phẩm chất “dám” vì sự phát triển, vì lợi ích chung là yêu cầu của mỗi cán bộ, đảng viên thời điểm hiện nay và là động lực để cán bộ, đảng viên “6 dám” có thêm quyết tâm cống hiến hơn nữa cho sự nghiệp phát triển đất nước. Do đó, ở từng chi bộ, cơ quan, đơn vị... cần thường xuyên phát hiện, động viên, tạo điều kiện cho đảng viên “6 dám” phát huy được phẩm chất, từ đó tạo nên phong trào đột phá, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, đảng viên ưu tú, làm “đòn bẩy” quan trọng thúc đẩy sự nghiệp phát triển nhanh, bền vững của đất nước theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

Minh Tự

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/xay-dung-dang/khuyen-khich-dang-vien-6-dam/210114.htm
Zalo