Khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung

Cán bộ là nhân tố đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Trong tình hình mới, Đảng ta đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đồng thời chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ. Tại tỉnh Lào Cai, hơn lúc nào hết, tinh thần này cần được lan tỏa mạnh mẽ, khắc phục bệnh “né việc”, “sợ trách nhiệm” trong một số cán bộ, đảng viên, đang là “điểm nghẽn” kìm hãm sự phát triển của tỉnh.

Có thể nói, chưa bao giờ tình trạng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm, bê trễ công việc được đặt ra một cách gay gắt và cấp bách như hiện nay. Nó xuất hiện ở nhiều bộ, ngành, nhiều địa phương, trở thành “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và cả nước. Có không ít cán bộ, công chức đang làm việc theo nguyên tắc “ba không”, là không nói, không tham mưu, đề xuất và không làm, hoặc làm cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng. Nhiều chuyên gia thậm chí cho rằng, hiện tượng trên là “lãn công trá hình”, có thể khiến bộ máy công quyền rơi vào tình trạng trì trệ, công việc ách tắc. Thực tế, tăng trưởng GDP quý I/2023 của cả nước chỉ đạt 3,32%, mức thấp so với kỳ vọng phục hồi kinh tế nhanh sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã nhìn nhận rõ nguy cơ và đang có những chỉ đạo quyết liệt để khắc phục tình trạng này. Cụ thể là ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 280 về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 9 đến 13/5 vừa qua, một trong những nội dung trọng tâm được đưa ra thảo luận cũng là khắc phục, xử lý việc một bộ phận cán bộ né tránh trách nhiệm, sợ sai, không chịu làm, việc của mình nhưng đẩy cho người khác, việc của cấp mình nhưng lại đẩy lên cấp trên.

Tại tỉnh Lào Cai, tâm lý sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm cũng đang xuất hiện tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị và trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, khiến đà tăng trưởng mà chúng ta đã nỗ lực đạt được trong nhiều năm qua có nguy cơ không duy trì được. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ước chỉ đạt 4,65%, trong khi mục tiêu tăng trưởng mà tỉnh đặt ra cho cả năm là trên 11%.

Rất nhiều vấn đề lớn đang đặt ra, điển hình là những khó khăn trong sản xuất công nghiệp chậm được giải quyết; khả năng thu hút đầu tư, cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài đều hạn chế; tiến độ triển khai các dự án đầu tư và việc giải ngân vốn đầu tư công gặp nhiều khó khăn, dù tỉnh đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt theo từng tuần, từng tháng. Ngoài những yếu tố bất lợi khách quan và vướng mắc về thể chế, quy định… thì nguyên nhân trực tiếp nhất dẫn đến những khó khăn, tồn tại này được tỉnh xác định là do công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ ở một số ngành, địa phương thiếu sáng tạo và quyết liệt; quan hệ dọc, ngang chưa nhịp nhàng, thông suốt; địa phương đẩy trách nhiệm lên sở, ngành; sở, ngành chưa rõ ràng, cụ thể trong hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp; nhiều cán bộ, công chức có biểu hiện trùng xuống, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng. Thực trạng này rất nguy hiểm, đang là “điểm nghẽn” kìm hãm sự phát triển của tỉnh, làm chùn bước các nhà đầu tư, gây khó khăn, cản trở hoạt động của doanh nghiệp và người dân, cần phải được tháo gỡ, khắc phục kịp thời.

Ngược dòng thời gian, trở lại với thời điểm tái lập tỉnh năm 1991, khi đó Lào Cai là 1 trong 6 tỉnh nghèo nhất của cả nước, với hàng loạt khó khăn cần giải quyết. Toàn tỉnh có trên 70% số hộ thiếu đói vào mùa giáp hạt, nhiều địa bàn cấp xã “trắng” về y tế, giáo dục; hệ thống hạ tầng yếu kém và xuống cấp trầm trọng, thị xã tỉnh lỵ bị tàn phá nặng nề sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới; kinh tế chậm phát triển, ngoài apatit, tất cả các ngành kinh tế của tỉnh hầu như chưa định hình được hướng đi. Và cái khó lớn nhất là Lào Cai ở thế “ốc đảo”, cả hướng nội, hướng ngoại đều khó khăn do yếu tố hạ tầng và cơ chế chưa đủ “mở”.

Giữa bộn bề khó khăn như vậy, Lào Cai đã dựa vào nhân tố con người, dựa vào đội ngũ cán bộ giàu nhiệt huyết và khát vọng, những người chấp nhận đương đầu với khó khăn, tự nguyện trở lại xây dựng địa phương sau tái lập. Đội ngũ cán bộ ngày ấy, bằng quyết tâm, sự sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm đã góp phần tạo ra cho tỉnh những chặng đường phát triển nhiều dấu ấn.

Câu chuyện về thực hiện chiến lược “dời đô”, mở rộng không gian đô thị, xây dựng thành phố Lào Cai; câu chuyện về phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế đối ngoại, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; hoặc phong trào hướng về cơ sở, tập trung nguồn lực, cả nguồn lực vật chất và đội ngũ cán bộ để làm thay đổi diện mạo các khu vực nông thôn, vùng cao nghèo khó… tất cả đều còn đó, là những bài học kinh nghiệm sâu sắc và quý giá mà Lào Cai đúc rút trong chặng đường đi đến hôm nay.

Thực tiễn những năm qua cũng là minh chứng sống động cho thấy rằng: Yếu tố cán bộ và tinh thần, khí thế tiến công trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên là một trong những nhân tố cốt lõi giúp Lào Cai phát triển. Đã có những thời điểm, nói đến Lào Cai là nói đến tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cả hệ thống chính trị đồng hành với người dân và doanh nghiệp. Năm 2011, chúng ta đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, trở thành địa chỉ đỏ trong thu hút đầu tư, dù nhiều điều kiện quan trọng như hạ tầng hay lực lượng lao động vẫn còn chưa thuận lợi.

Phát huy những giá trị truyền thống vừa đề cập, những năm gần đây, một trong những dấu ấn đổi mới sáng tạo, cũng là thành công rất lớn của Lào Cai là việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cán bộ, đảng viên. Năm 2023, tỉnh chọn chủ đề công tác “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hành động, phát triển” cũng là nhằm phát huy cao độ quan điểm nhất quán này trong toàn hệ thống chính trị. Tuy nhiên, với thực tế đang diễn ra, với hàng loạt công việc chậm, muộn, với nhiều ý kiến phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đối với nền hành chính phục vụ thì có thể thấy, tinh thần sáng tạo và hành động chưa được phát huy.

Đặc biệt, tâm lý trùng xuống do sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm hoặc làm việc cầm chừng đang biểu hiện ngày càng rõ, thậm chí đã xuất hiện tư tưởng “không làm không sai, làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều, vì vậy tốt nhất là không làm”. Xét cả về lý luận và thực tiễn thì tư duy “không làm không sai” chính là tư duy sai, bởi cán bộ, công chức đang hưởng lương của Nhà nước, do Nhân dân đóng góp. Do đó, mỗi cán bộ, công chức không thể ngồi yên, không thể không làm, mà cần phải có trách nhiệm, bổn phận trong việc phục vụ lợi ích chung, lợi ích của Nhân dân.

Thực tế là trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn khuyến khích, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần này đang tiếp tục được khẳng định mạnh mẽ, với việc Bộ Chính trị khóa XIII ban hành Kết luận số 14 ngày 22/9/2021 về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì Nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.

Người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: Nếu cán bộ, công chức làm đúng chức trách, phận sự của mình trong công việc, với tinh thần “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh” như Bác Hồ đã căn dặn thì không có gì phải sợ.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ cũng đang yêu cầu Bộ Nội vụ sớm hoàn thiện việc lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ bản lĩnh, sáng tạo, dám đột phá, trình Chính phủ phê duyệt.

Đối với tỉnh Lào Cai, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã thường xuyên đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách. Kể cả đối với những vấn đề chưa được quy định, hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, nếu không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng thì báo cáo với tổ chức để tiến hành thực hiện thí điểm. Tinh thần trong sáng, không vụ lợi sẽ chính là “tấm khiên” bảo vệ cán bộ trước những rủi ro, nếu việc thí điểm cái mới, cái sáng tạo vì lợi ích chung không đạt hiệu quả như mong muốn.

Như vậy, thông điệp bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung là nhất quán, xuyên suốt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Vấn đề còn lại là mỗi cán bộ, nhất là cán bộ quản lý và cá nhân người đứng đầu phải nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị trong công tác, đồng thời xác định động cơ trong sáng trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao.

Cùng với cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Đảng, Nhà nước và tỉnh Lào Cai cũng sẽ quyết liệt, sẵn sàng xử lý trách nhiệm những tập thể, cá nhân cố tình đùn đẩy, “đá bóng” trách nhiệm khi công việc, trách nhiệm đó thuộc thẩm quyền của mình. Việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chây ì công việc xét đến cùng cũng là một hành vi tiêu cực, bởi nó gây hại cho xã hội, làm kìm hãm sự phát triển chung, mà đối tượng chịu thiệt thòi là Nhân dân, là quê hương, đất nước.

Lào Cai đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với rất nhiều thời cơ và thách thức đan xen. Thách thức chỉ có thể hóa giải bằng hành động, không thể ngồi chờ và thời cơ cũng chỉ đến mang tính thời điểm, cần chớp lấy bằng hành động cụ thể. Bởi vậy, toàn hệ thống chính trị địa phương cần đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, phát huy cao độ truyền thống của quê hương, tinh thần trách nhiệm, sự tự tin, tự trọng trong mỗi tập thể, mỗi cán bộ, đảng viên, từ đó hóa giải “nỗi sợ”, để dám chịu trách nhiệm đối với những công việc, những vấn đề thuộc thẩm quyền trách nhiệm của mình.

Đó là con đường, là hành động duy nhất đúng để Lào Cai hướng đến mạnh giàu, thực hiện thành công mục tiêu trở thành tỉnh phát triển, trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.

Trình bày: Thanh Nam - Hữu Huỳnh - Khánh Ly

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/khuyen-khich-bao-ve-can-bo-dam-nghi-dam-lam-vi-loi-ich-chung-post369674.html
Zalo