Khung khổ cho thị trường mỹ thuật
Giá trị của văn hóa - nghệ thuật đôi khi là cả chiều dài lịch sử, bề dày của nền văn hiến hay chiều sâu phát triển của một quốc gia, dân tộc mà những con số giá trị - trị giá hay thống kê chưa bao giờ là đủ. Nhưng nói đến công nghiệp văn hóa, chắc chắn cần phải có những con số đóng góp cụ thể cho sự phát triển chung của nền kinh tế và quy trình bài bản trong tổ chức, vận hành dù là quy mô nhỏ hay lớn.
Các phiên gõ búa trúng đấu giá lên tới cả triệu USD cho một bức tranh Việt trên sàn quốc tế, cùng việc hai nhà đấu giá quốc tế (Millon, trụ sở tại Pháp và Sotheby’s, trụ sở tại Mỹ) vừa chính thức đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam là minh chứng để công chúng đặt niềm tin cho mỹ thuật - một trong những lĩnh vực quan trọng góp phần để phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, sau những phiên giao dịch đấu giá triệu USD đó, thực tế trong nước vẫn chưa hình thành một thị trường mỹ thuật căn cơ, bài bản.
Những câu hỏi như: Hệ sinh thái mỹ thuật bao gồm những gì, ai đóng vai trò nào? Định giá tác phẩm ra sao, dựa trên những điều kiện/yếu tố nào? Giám tuyển là công việc gì, quy tắc làm việc với giám tuyển, phòng tranh và nhà sưu tập như thế nào?… Không ít họa sĩ và cả những người tham gia thị trường mỹ thuật vẫn chưa hình dung rõ ràng về những khái niệm đó. Và đây cũng là một trong những hạn chế lớn nhất của nghệ sĩ Việt khi bước ra bên ngoài vì thiếu kỹ năng lẫn kiến thức về cách thức thị trường vận hành. Hiện tại, trong nước chưa có bất kỳ trường lớp về nghệ thuật đào tạo các kiến thức này.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực mỹ thuật đồng quan điểm, chúng ta đang trong một nền mỹ thuật sơ khai, thiếu các thành phần hỗ trợ để có được một thị trường thứ cấp. Chẳng hạn, một tác phẩm nghệ thuật có thể mua bán giữa các nhà sưu tập qua trung gian mà không phải trực tiếp giữa nghệ sĩ và nhà sưu tập… Thế nhưng, trung gian đó là các nhà đấu giá, hội chợ nghệ thuật, triển lãm thường niên hay gallery đúng nghĩa thì vẫn... mông lung! Điều này phần nào lý giải Hội chợ triển lãm nghệ thuật quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam (VIA- Vietnam International Artfair) cuối tháng 12-2024 vừa qua quy tụ 800 tác phẩm nghệ thuật quốc tế với hơn 20 phòng tranh trong và ngoài nước nhưng chỉ thu hút hơn 1.000 lượt khách tham quan. Chính những quy trình bài bản để vận hành thị trường chưa có nên hoạt động hội chợ nghệ thuật - một hoạt động cơ bản của thị trường mỹ thuật - vẫn còn xa lạ với phần lớn công chúng trong nước.
Qua đó để thấy rằng, đã đến lúc cần tạo cơ sở nền tảng cho một thị trường mỹ thuật thực thụ phù hợp với điều kiện trong nước và thế giới. Trước hết là xây dựng khung chính sách, luật pháp để bảo vệ quyền lợi cho các bên tham gia, đảm bảo một thị trường lành mạnh và sôi động. Bởi hiện tại, trong các lĩnh vực nghệ thuật, ngoại trừ điện ảnh đã có luật, lĩnh vực mỹ thuật chủ yếu hoạt động theo khuôn khổ Nghị định 113/2013/NĐ-CP, chưa có luật riêng và chưa có bảo hiểm cho tác phẩm mỹ thuật. Trên cơ sở đó, cần tiếp tục xây dựng các khung khổ quy định pháp lý cụ thể hơn về bên mua (nhà sưu tập, quỹ đầu tư), bên bán (nghệ sĩ), bên môi giới (nhà đấu giá, phòng tranh, nhà môi giới độc lập) và các dịch vụ liên quan trong hệ sinh thái (nghiên cứu, phê bình, giám tuyển, hậu cần, bảo hiểm…). Đây là những điều kiện quan trọng để đưa giá trị mỹ thuật Việt lên xứng tầm hơn. Chưa kể, một khi thị trường được hình thành, bệ phóng cho nghệ sĩ trẻ sẽ vững chắc hơn, bởi họ hiểu rõ cách vận hành để tự định hướng phát triển con đường sáng tạo của mình và định giá tác phẩm đúng với giá trị tự thân của nó.