Khủng hoảng thiết quân luật: Canh bạc thách thức niềm tin, nguy cơ chia rẽ liên minh Mỹ-Hàn

Tuyên bố thiết quân luật bất ngờ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã gây chấn động chính trường, làm dấy lên lo ngại về sự ổn định dân chủ trong nước và đặt liên minh Hàn-Mỹ trước những thách thức mới trong bối cảnh khu vực đầy biến động.

TV phát sóng trực tiếp thông báo của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại Ga xe lửa Seoul ở Seoul, ngày 7/12. (Nguồn: CFP)

TV phát sóng trực tiếp thông báo của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại Ga xe lửa Seoul ở Seoul, ngày 7/12. (Nguồn: CFP)

Vào đêm 3/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã bất ngờ tuyên bố thiết quân luật, cáo buộc đặc vụ Triều Tiên xâm nhập vào các cơ quan chính phủ. Quân đội lập tức bao vây trụ sở Quốc hội, trong khi cảnh sát chống bạo động được triển khai để thực thi lệnh. Tuy nhiên, chỉ 6 tiếng sau, trước sức ép mạnh mẽ từ cả trong nước và quốc tế, ông Yoon buộc phải rút lại quyết định.

Mặc dù vậy, thiệt hại chính trị đã xảy ra. Hành động của ông Yoon gây ra sự hoang mang sâu sắc, đe dọa sự ổn định dân chủ kéo dài hàng thập kỷ.

Thử thách từ bên trong

Với Mỹ, khủng hoảng này không chỉ là vấn đề nội bộ của một đồng minh, mà còn đặt ra những rủi ro chiến lược. Là trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Washington, Hàn Quốc dưới thời ông Yoon được kỳ vọng là một đối tác đáng tin cậy. Tuy nhiên, tình trạng bất ổn dân chủ và sự thiếu nhất quán trong lãnh đạo có nguy cơ làm suy yếu liên minh Hàn-Mỹ, trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Việc ông Yoon viện dẫn “mối đe dọa Triều Tiên” như một lý do để củng cố quyền lực còn khiến Washington lo ngại về nguy cơ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột không mong muốn. Điều này làm nổi bật sự căng thẳng vốn có trong quan hệ hai nước: giữa cam kết bảo vệ đồng minh và sự thận trọng trước những hành động gây kích động trong khu vực.

Bước đi nguy hiểm

Tuyên bố thiết quân luật của ông Yoon được xem như một "canh bạc chính trị" táo bạo nhằm đối phó với tỷ lệ ủng hộ đang lao dốc và sự kiểm soát của phe đối lập tại Quốc hội. Tuy nhiên, quyết định này đã nhanh chóng vấp phải phản ứng dữ dội từ công chúng và giới chính trị. Các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp cả nước, trong khi Quốc hội phản kháng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, từ góc độ của Mỹ, hành động của ông Yoon lại làm lung lay lòng tin trong liên minh. Sự bất ổn ở Hàn Quốc không chỉ gây lo ngại về tính ổn định của đồng minh, mà còn tạo cơ hội để các đối thủ lợi dụng tình hình.

Vai trò của các giá trị dân chủ

Liên minh Hàn-Mỹ không chỉ là một thỏa thuận an ninh, mà còn dựa trên các giá trị dân chủ chung. Sự chuyển đổi của Hàn Quốc sang nền dân chủ thịnh vượng từng là một minh chứng quan trọng cho quyền lực mềm của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, hành động của ông Yoon đã làm suy yếu câu chuyện này, đặt ra những câu hỏi về tính chính danh của liên minh trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ngày càng gay gắt.

Nếu Hàn Quốc đi ngược lại các nguyên tắc dân chủ, liên minh Mỹ-Hàn không chỉ đối mặt với nguy cơ đổ vỡ từ bên trong, mà còn làm tổn hại uy tín của Mỹ trong việc thúc đẩy mô hình quản trị dân chủ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh hiện nay, việc tái khẳng định các chuẩn mực dân chủ ở Hàn Quốc không chỉ mang ý nghĩa nguyên tắc mà còn là một yêu cầu chiến lược đối với Washington.

Có thể thấy, "canh bạc chính trị" của ông Yoon Suk Yeol không chỉ gây ra cuộc khủng hoảng nội bộ tại Hàn Quốc, mà còn đặt ra những thách thức lớn cho liên minh Hàn-Mỹ. Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng, cả Washington và Seoul cần phải đối mặt với bài toán khó: làm thế nào để bảo vệ mối quan hệ đối tác mà không đánh đổi những giá trị đã làm nên sức mạnh của liên minh này.

(theo the Diplomat)

Đông Nhi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-thiet-quan-luat-canh-bac-thach-thuc-niem-tin-nguy-co-chia-re-lien-minh-my-han-297471.html
Zalo