Khủng hoảng tài chính lẫn ban lãnh đạo, Tập đoàn Lộc Trời (LTG) vẫn chưa thể công bố BCTC quý 2

Trong bối cảnh kinh doanh thua lỗ nặng, Tập đoàn Lộc Trời (mã cổ phiếu LTG) còn đối mặt với khủng hoảng ban lãnh đạo khi loạt thành viên cấp cao cùng rút lui.

Lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời cho biết tập đoàn này vẫn đang trong giai đoạn khó khăn và dự kiến sẽ cần vài năm để ổn định tình hình kinh doanh.

Lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời cho biết tập đoàn này vẫn đang trong giai đoạn khó khăn và dự kiến sẽ cần vài năm để ổn định tình hình kinh doanh.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã cổ phiếu LTG - sàn UPCoM) vừa có văn bản xin gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 và báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 do chưa thể khắc phục được các sự kiện bất khả kháng.

Trước đó, Tập đoàn Lộc Trời đã xin hoãn công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 đến ngày 30/8/2024. Trong khi theo quy định thì các công ty đại chúng phải nộp báo cáo tài chính quý 2 trước ngày 31/7 hàng năm.

Theo Tập đoàn Lộc Trời, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của tập đoàn đã được tổ chức muộn hơn các năm trước. Ngay sau Đại hội, tập đoàn đã phải đối mặt với sự thay đổi của các nhân sự cấp cao. Đây cũng là lý do dẫn đến việc tập đoàn hoàn tất hợp đồng kiểm toán và soát xét năm 2024 muộn hơn (ngày 19/8).

Trong thời gian qua, Tập đoàn Lộc Trời đã liên tiếp có sự thay đổi về nhân sự. Cụ thể, trong tháng 7/2024, công ty đã miễn nhiệm vị trí Tổng Giám đốc của ông Nguyễn Duy Thuận. Theo đó, mọi hoạt động của tập đoàn sẽ được ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT trực tiếp chỉ đạo cho đến khi bổ nhiệm tân Tổng Giám đốc.

Ngay sau đó, bà Nguyễn Thị Thúy - Thành viên Ban kiểm soát Tập đoàn Lộc Trời cũng đã xin từ chức. Và mới đây, ông Johan Sven Richard Boden - Thành viên HĐQT Tập đoàn Lộc trời đã xin từ chức chỉ sau 2 tháng nhậm chức với lý do cá nhân.

Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn cho biết, hoạt động kinh doanh của tập đoàn trong thời gian qua đã bị ảnh hưởng đáng kể do các yếu tố khách quan như thời tiết, sâu bệnh và các sự cố an ninh lương thực trên toàn thế giới. Từ đó, làm ảnh hưởng đến cán cân tài chính doanh nghiệp, gây ra sự cố về dòng tiền.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời, tập đoàn vẫn đang trong giai đoạn khó khăn và đang tiến hành tái cấu trúc tài chính. Dự kiến sẽ cần vài năm để ổn định lại tình hình tài chính và vấn đề lớn nhất hiện nay là dòng tiền.

“Sau khi ổn định nhân sự, ổn định sản xuất kinh doanh hiệu quả, chúng tôi sẽ hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ đối với tất cả quý vị đúng theo quy định của pháp luật hiện hành", Chủ tịch Lộc Trời nhấn mạnh.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Tập đoàn Lộc Trời là một trong những doanh nghiệp nông nghiệp lớn, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, tập đoàn này đang đối mặt với áp lực tài chính cao khi ghi nhận mức lỗ ròng hơn 96 tỷ đồng trong quý 1/2024, tăng 15 tỷ đồng so với cùng kỳ 2023, và còn cách rất xa mục tiêu lãi 50 tỷ đồng năm 2024.

Tính từ đầu năm 2023 đến hết quý 1/2024, trong 5 quý kinh doanh thì Tập đoàn Lộc Trời báo lỗ tới 3 quý. Đỉnh điểm tại quý 3/2023, tập đoàn này báo lỗ tới 327 tỷ đồng - mức cao nhất kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Trong năm 2023, Tập đoàn Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần đạt 16.088 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm tới 96%, còn 16,5 tỷ đồng. Qua đó, chỉ hoàn thành được 4% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tính đến hết quý 1/2024, tổng tài sản của Tập đoàn Lộc Trời ở mức 11.913 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu khách hàng lên tới 6.472 tỷ đồng, cho thấy tình trạng vốn lưu động của tập đoàn này đang bị chiếm dụng ở mức cao. Thậm chí, Tập đoàn Lộc Trời còn phải trích lập 490 tỷ đồng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi.

Ngược lại, lượng tiền và các khoản tương đương tiền chỉ còn 106 tỷ đồng. Điều này gây ra sự mất cân đối trong việc duy trì dòng tiền trong hoạt động kinh doanh.

Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Tập đoàn Lộc Trời lên tới 8.939 tỷ đồng, chiếm 75% tổng nguồn vốn. Đáng chú ý, nợ vay ngắn hạn lên tới 6.246 tỷ đồng, cao gấp đôi so với vốn chủ sở hữu, cho thấy rủi ro thanh khoản cao.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/khung-hoang-tai-chinh-lan-ban-lanh-dao--tap-doan-loc-troi--ltg--van-chua-the-cong-bo-bctc-quy-2-126048.htm
Zalo