Khủng hoảng chính trị, Đức có thể tổ chức bầu cử sớm
Các đảng đối lập và nhóm doanh nghiệp Đức hôm thứ Năm đã thúc giục Thủ tướng Olaf Scholz nhanh chóng tổ chức một cuộc bầu cử sớm để giảm thiểu tình trạng khủng hoảng chính trị sau khi chính phủ liên minh ba bên của ông tan rã.
Bất đồng về chính sách, liên minh cầm quyền tan rã
Liên minh cầm quyền này đã tan rã vào thứ Tư khi nhiều năm căng thẳng lên đến đỉnh điểm trong cuộc tranh cãi về cách lấp đầy lỗ hổng hàng tỷ euro trong ngân sách và phục hồi nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vốn đang hướng đến năm thứ hai suy thoái.
Thủ tướng Scholz cho biết ông sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào tháng 1, mà ông có khả năng sẽ thua, dẫn đến một cuộc bầu cử mới vào cuối tháng 3 - sớm hơn sáu tháng so với dự kiến.
Ông Scholz, thuộc đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD), cho biết ông đã cách chức Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner thuộc đảng Dân chủ Tự do (FDP) bảo thủ về mặt tài chính vì cản trở việc giải quyết các tranh chấp ngân sách.
Giọt nước tràn ly là sự phản đối của ông Lindner đối với kế hoạch nới lỏng giới hạn nợ của ông Scholz nhằm tăng hỗ trợ cho Ukraine trong ngân sách năm 2025 thêm 3 tỷ euro.
Việc sa thải Lindner đã dẫn đến việc FDP rời khỏi liên minh cầm quyền, khiến SPD của ông Scholz và Đảng Xanh phải điều hành một chính phủ thiểu số trong Quốc hội Đức, qua đó sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra bất kỳ một chính sách lớn nào.
Joerg Kukies, một quan chức cấp cao trong Văn phòng Thủ tướng Đức và là một cộng sự thân thiết của ông Scholz trong đảng SPD, sẽ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính mới.
Ông Scholz đã hoãn chuyến khởi hành tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu tại Budapest vào thứ Năm do cuộc khủng hoảng trong nước và hủy bỏ cả việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP29 của Liên hợp quốc.
Bầu cử sớm để cứu nền kinh tế trì trệ và chính trị bất ổn?
Friedrich Merz, lãnh đạo phe bảo thủ đối lập, những người đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò toàn quốc, đã kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm "chậm nhất là vào đầu tuần tới", trong những bình luận được các đảng đối lập khác đồng tình. Ông cho biết cuộc bầu cử có thể diễn ra vào cuối tháng 1.
Ông Merz nói với các phóng viên rằng: "Chúng ta không thể để một chính phủ không có đa số ghế ở Đức trong nhiều tháng nữa, sau đó là chiến dịch tranh cử kéo dài thêm nhiều tháng nữa và có thể là nhiều tuần đàm phán liên minh".
Ngành công nghiệp Đức, đang phải vật lộn với chi phí cao và sự cạnh tranh khốc liệt từ châu Á, cũng đã thúc giục chính quyền của ông Scholz vào thứ Năm sắp xếp một cuộc bầu cử càng sớm càng tốt.
Sự bất ổn khiến chi phí đi vay của Đức tăng vọt, với lợi suất chuẩn kỳ hạn 10 năm tăng tới 10 điểm cơ bản lên mức cao nhất kể từ tháng 7.
Sự trỗi dậy của cả các đảng dân túy cánh tả và cánh hữu ở Đức, cũng như những nơi khác ở châu Âu, có nghĩa là ngay cả một cuộc bầu cử mới cũng không dễ dàng tạo ra một liên minh thống nhất với đa số rõ ràng.
"Bạn không cần phải là người có khả năng tiên tri để suy ra rằng... mọi thứ sẽ không tự động trở nên dễ dàng hơn trong tương lai, ngay cả sau cuộc bầu cử tiếp theo", Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck của Đảng Xanh cho biết.