Khúc ca tưởng niệm bên Thành cổ
Thành cổ Quảng Trị trầm mặc và uy nghi trong ráng chiều bình yên, nhưng hơn nửa thế kỷ trước, nơi này đã hứng chịu hàng nghìn tấn bom đạn, cỏ không mọc nổi và máu của hàng ngàn người lính đã hòa vào đất mẹ. Thành cổ Quảng Trị bây giờ đã hồi sinh, xanh ngắt cỏ hoa giữa chiến tích hào hùng.
Từng đoàn, từng đoàn người bước rất nhẹ, rất êm trên con đường vào Thành cổ, dường như tất cả đều lắng mình lại để lắng nghe lấy tiếng vọng âm thầm từ đất, từ nước, từ xa xăm vọng về. Những người cựu chiến binh mái tóc đã bạc, bộ quân phục cũng phai màu thời gian gục đầu rưng rưng khóc, những đoàn học sinh áo trắng lặng người khi hướng dẫn viên kể lại câu chuyện về Thành cổ, những vị khách nước ngoài sửng sốt trong im lặng vì những sự thật được kể lại. Chiều Thành cổ rưng rưng.
Mùa hè ấy cách đây 52 năm, trên Thành cổ này với 81 ngày đêm khói lửa bi hùng nhất, tạc vào sách sử dân tộc những trang vàng và khắc vào trong tâm khảm người Việt nỗi đau mất mát khôn cùng, nhưng lại đầy kiêu hãnh, tự hào. Cuộc chiến đấu anh dũng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (từ ngày 28/6 đến 16/9/1972) đã đi vào lịch sử, như bản tráng ca hào hùng của quân và dân Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung. Tại chiến trường vô cùng ác liệt này, hàng nghìn người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống. Xương máu của các anh đã hóa thân vào từng tấc đất, hòa vào mênh mang sóng nước của dòng Thạch Hãn.
Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hi sinh của các anh đã trở thành bất tử. Có lẽ, trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa bao giờ có chuyện một khu vực mang tên Thành cổ Quảng Trị, có chu vi 2.080m, rộng chưa đầy 3km2, lại khiến đối phương có thể huy động một lực lượng hải, lục, không quân đông và sử dụng một khối lượng chất nổ khổng lồ như vậy. Trong 81 ngày đêm, Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn và mỗi người lính phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Những đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số khi tiến vào Thành cổ chỉ còn lại vài người sống sót. Vậy mà, trong mưa bom bão đạn, bộ đội ta vẫn chiến đấu ngoan cường, quyết không rời trận địa, lớp này ngã xuống, lớp khác đến thay, hàng nghìn người đã lấy máu xương mình giữ gìn Thành cổ. Mật độ bom đạn dày đặc và kéo dài hầu như vùi lấp tất cả, các anh đã mãi yên nghỉ trong một nấm mộ chung. Có lẽ, trong cuộc chiến sinh tử, người ta sẽ cảm nhận rõ hơn ý chí và tình cảm giữa đồng đội với đồng đội.
Bên Thành cổ chiều tháng 7, người cựu chiến binh Thành cổ vừa thả hoa xuống dòng Thạch Hãn, vừa rưng rức, trung đội của ông chỉ mỗi trung đội trưởng là 22 tuổi, còn lại từ 17 đến 20 tuổi. Hai mấy người mà đêm đó còn mỗi mình ông và 3 người đồng đội khác. Khoát nước buông nhành cúc trắng lên trên gợn sóng, bất giác mái đầu bạc phơ rũ xuống nấc lên: “Chúng mày đâu cả rồi. Tao với thằng H. về đây này, chúng mày đi đâu hết rồi!”. Dưới đáy sông này, rất nhiều đồng đội của ông khi ấy trẻ lắm, mới có 18 hay 20 tuổi, còn đang học đại học, đã mãi mãi nằm lại tại đây. Trên dòng Thạch Hãn, có những lớp hậu sinh lặng người dõi theo ánh nhìn trân trối của ông mà rơi lệ. Một người trẻ tuổi lặng người rồi nói với bạn rằng, có những nỗi đau mà thế hệ sau này chúng ta không được chứng kiến, nhưng nhất định phải nhớ.
Mùa hè của 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, từng tấc đất đều có máu thịt cha anh. Mỗi mét vuông đất đá đều bị xới đào, những ngọn cỏ bị thiêu cháy. Nhà cửa tan hoang và đổ nát. Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng Trị dưới lớp cỏ xanh kia, dưới tầng tầng gạch vỡ kia còn biết bao hài cốt chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Một khẩu súng giữ hai trời Nam - Bắc, một dấu chân in màu đất hai miền suốt 81 ngày đêm hứng chịu và chống trả, trái tim con người và từng tấc đất nơi đây như đã được luyện thành thép. Sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ ngày ấy đã góp một phần quyết định vào thắng lợi trên bàn Hội nghị Paris, tạo thời cơ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng sức mạnh nào đã khiến hàng vạn người lính bất chấp hiểm nguy của mưa bom bão đạn, sẵn sàng vượt sông bảo vệ Thành cổ mà không tiếc thân mình. Những người anh hùng ấy đã tạc nên một tượng đài sừng sững với khát vọng độc lập, thống nhất về lương tri và phẩm giá con người trước vận mệnh Tổ quốc. Những người anh hùng ấy vĩnh viễn tan hòa vào đất đai, cây cỏ, thành một khúc tráng ca bất hủ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được viết bằng máu.
Bao người con đất Việt đã ngã xuống mảnh đất này và đã hòa vào đất mẹ. Từng dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc vẫn tìm đến tri ân hàng ngày. Đài tưởng niệm liệt sĩ được dựng lên ở trung tâm Thành cổ với thiết kế theo hình bát giác. Bốn lối đi lên tổng cộng 81 bậc thang tượng trưng cho 81 ngày đêm, phía dưới là hình ảnh của những bát cơm úp vào nhau để tưởng niệm những chiến sĩ hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Được mệnh danh là “nấm mồ chung”, có lẽ bởi Thành cổ Quảng Trị là nghĩa trang duy nhất không có nấm mộ nào cụ thể. Di tích, Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị là nơi đặc biệt, không những mang ý nghĩa lịch sử, mà còn mang tính tâm linh, thu hút khách du lịch trong nước và thế giới, là nơi cựu chiến binh và đồng bào về để thắp lên những nén tâm hương tưởng nhớ những người con trung kiên, bất khuất đã không tiếc máu xương để bảo vệ mảnh đất này.
Ngày 9/12/2013, Thành cổ Quảng Trị đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Quảng Trị hôm nay đã vươn lên mạnh mẽ với một sức sống mới, viết nên câu chuyện về “đất thép nở hoa”. Từ một vùng đất bom cày đạn xới, nay diện mạo kinh tế, xã hội của thành phố Quảng Trị không ngừng phát triển, thu nhập và mức sống người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Nhà cửa, bệnh viện, trường học, nhà máy, cầu cống, đường sá khang trang, hiện đại đã mọc lên nơi những hố bom năm xưa. Không còn lửa đạn, nhưng ý chí kiên cường và quyết tâm hướng đến hòa bình, tự do và vượt ra khỏi sự nghèo nàn vẫn thôi thúc mỗi người dân Quảng Trị vươn lên không ngừng.
Tháng 7, dù là ở Thành cổ Quảng Trị hay những khu nghĩa trang trên khắp cả nước, nơi đâu cũng có những người đồng đội đi tìm nhau, hay những người trẻ tuổi thế hệ sau đến thắp hương tri ân sự hy sinh của các bậc cha anh. Bên dòng Thạch Hãn tràn ngập ánh sáng của những ngọn hoa đăng để những tuổi đôi mươi mãi mãi “hóa thành sóng nước”. Thành cổ Quảng Trị luôn ngự trị trong trái tim của biết bao người khi nhớ về một thời “máu lửa” giành giật từng tấc đất với kẻ thù.