Khu vực nào đang quyết định xu thế năng lượng tái tạo?

Năng lượng tái tạo là một phần quan trọng trong chiến lược toàn cầu, nhằm giảm lượng khí thải CO₂. Dù thị trường vẫn do châu Á chi phối, châu Phi vẫn đang tiến từng bước vững chắc.

Lắp đặt điện mặt trời áp mái ở châu Á. Ảnh AFP

Lắp đặt điện mặt trời áp mái ở châu Á. Ảnh AFP

Những năm gần đây, ngành năng lượng tái tạo tại châu Phi liên tục lập kỷ lục mới. Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (Irena), tổng công suất năng lượng tái tạo của châu lục này đã đạt 66,8 GW vào năm 2024.

Từ năm 2015, lĩnh vực này tại châu Phi đã tăng trưởng mạnh mẽ, với công suất lắp đặt gần như tăng gấp đôi chỉ trong vòng 10 năm, từ 34,7 GW lên con số hiện tại.

Xu hướng tích cực này cũng phản ánh sự bùng nổ toàn cầu của năng lượng tái tạo, với tổng công suất đạt mức kỷ lục 4.448 GW vào năm 2024, tăng 15,1% so với năm trước.

Trên thế giới, điện mặt trời là nguồn đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng năng lượng tái tạo năm 2024. Tuy nhiên, tại châu Phi, thủy điện vẫn là nguồn năng lượng chiếm ưu thế. Với mức tăng thêm 2 GW trong năm qua, thủy điện hiện chiếm 42,8 GW công suất lắp đặt tại châu Phi, tương đương 64% tổng nguồn năng lượng tái tạo của lục địa. Xếp sau là điện mặt trời với 14,2 GW và điện gió với 9,2 GW.

Về mặt quốc gia, Nam Phi dẫn đầu khu vực với tổng công suất vượt mốc 11 GW vào năm 2024, vượt qua Ai Cập (7,7 GW), Ethiopia (6,3 GW), Maroc (4,3 GW) và Angola (4,12 GW). Cụ thể, Nam Phi chiếm ưu thế trong lĩnh vực điện mặt trời và điện gió, đóng góp hơn 40% và 37% tổng công suất lắp đặt của hai lĩnh vực này, vượt xa Ai Cập - quốc gia xếp thứ hai.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực thủy điện, Nam Phi chỉ đứng thứ ba, sau Ethiopia - quốc gia đã vượt mốc 5 GW, và Angola (3,7 GW).

Mặc dù Irena đánh giá cao sự phát triển của năng lượng tái tạo, đặc biệt với sự đóng góp mạnh mẽ của Trung Quốc (chiếm 40% tổng công suất toàn cầu và 64% lượng công suất mới bổ sung), tổ chức này vẫn cảnh báo rằng nỗ lực hiện tại là chưa đủ để phi carbon hóa lĩnh vực năng lượng.

Với mục tiêu đã được thông qua tại COP28 là tăng gấp ba lần công suất lắp đặt lên 11.000 GW vào năm 2030, thế giới cần bổ sung hơn 1.120 GW mỗi năm từ nay đến cuối thập kỷ để giữ mức nhiệt tăng dưới 1,5°C, theo cam kết của Thỏa thuận Paris tại COP21 năm 2015.

Đáng chú ý, vào năm 2024, năng lượng tái tạo chiếm 46% tổng công suất điện toàn cầu.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/khu-vuc-nao-dang-quyet-dinh-xu-the-nang-luong-tai-tao-726393.html
Zalo