'Khu vực 52' – Căn cứ quân sự gây tranh cãi nhất trên thế giới - Kỳ cuối

Mức độ phơi nhiễm 'bom bẩn' mà các phi công và nhân viên làm việc tại 'Khu vực 52' phải chịu không chỉ ảnh hưởng đến họ mà còn ảnh hưởng đến gia đình. Bức xạ mà họ mang về nhà trên quân phục đã dẫn đến tình trạng phơi nhiễm chéo khi họ cởi quân phục ra để giặt.

NHỮNG CÁI CHẾT TỪ TỪ

Phi đội bay thử nghiệm và đánh giá 4477 “Red Eagles" năm 1988. Ảnh: Không quân Hoa Kỳ / Wikimedia Commons

Phi đội bay thử nghiệm và đánh giá 4477 “Red Eagles" năm 1988. Ảnh: Không quân Hoa Kỳ / Wikimedia Commons

Cùng với việc kích nổ "bom bẩn", “Khu vực 52”, cũng chịu trách nhiệm thử nghiệm các hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) của nước ngoài, chẳng hạn như S-300PS của Liên Xô và điều khiển Lockheed F-117 Nighthawk, máy bay tấn công tàng hình tuyệt mật của Không quân.

Các phi công ở "vùng đất chết"

Như ông Ely đã ám chỉ trong công việc của một trưởng phi hành đoàn, các máy bay MiG của Liên Xô đã được kiểm tra và bay tại căn cứ này. Trên thực tế, “Khu vực 52” là nơi đặt Constant Peg, chương trình huấn luyện không chiến MiG do Phi đội Thử nghiệm và Đánh giá 4477 "Red Eagles" thực hiện từ năm 1979-88. Chương trình này, do Đại tá Gail Peck dẫn dắt, đã huấn luyện gần 6.000 phi công Mỹ cách vận hành và bay chống lại máy bay địch.

Vào thời điểm đó, các máy bay MiG đang được đưa ra khỏi Khu vực 51. Bộ Quốc phòng Mỹ muốn có một khu vực khác để kiểm tra chúng và giao cho Đại tá Peck nhiệm vụ tìm một địa điểm mới. Ông đã chọn “Khu vực 52” nhưng viên phi công nổi tiếng này không biết rằng địa điểm mà ông chọn đã bị ô nhiễm bởi các vụ nổ nói trên.

Trong Chiến tranh Lạnh, công nghệ không hề tiên tiến như ngày nay, nghĩa là không có thiết bị giám sát nào sẵn có để kiểm tra lượng bức xạ mà các phi công đồn trú tại “Khu vực 52” phải tiếp xúc, trực tiếp hoặc gián tiếp, hàng ngày. Mặc dù vậy, Lầu Năm Góc đã biết về mức độ ô nhiễm, nhưng lại đảm bảo với những người đồn trú ở đó rằng họ không có gì phải lo lắng.

Và khi mọi chuyện trở nền rõ ràng thì điều này hoàn toàn không đúng sự thật.

Máy bay Northrop T-38 Talon và Lockheed F-117 Nighthawk cùng Nhóm chiến thuật 4450 bay qua đường băng tại Sân bay thử nghiệm Tonopah năm 1989. Ảnh: Không quân Hoa Kỳ / Wikimedia Commons

Máy bay Northrop T-38 Talon và Lockheed F-117 Nighthawk cùng Nhóm chiến thuật 4450 bay qua đường băng tại Sân bay thử nghiệm Tonopah năm 1989. Ảnh: Không quân Hoa Kỳ / Wikimedia Commons

Những căn bệnh hiểm nghèo

Trong số những phi công bay cùng đội Red Eagles có CJ “Heater” Heatley III. Ông cũng là cựu huấn luyện viên chương trình TOPGUN của Hải quân Mỹ. Heatley chia sẻ rằng ông bắt đầu bị bệnh trong thời gian phục vụ, với các dấu hiệu của bệnh u lympho vào giữa những năm 1980.

“Tôi bị thiếu máu vào năm 1984 và 1985, đó là triệu chứng đầu tiên của bệnh ung thư. Vì vậy, tôi đã bị đình chỉ bay một vài lần và họ không thể tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng này vì u lympho rất hiếm gặp”, Heatley nói với trang War History Online, đồng thời cho biết thêm rằng ông đã nhận được chẩn đoán mắc một dạng “u lympho phi Hodgkin” hiếm gặp.

“Không ai trong gia đình tôi mắc bệnh này. Cũng không ai trong dòng họ tôi mắc bệnh này. Vì vậy, tôi khá chắc chắn rằng tôi đã mắc bệnh này ở Khu vực 52”, ông suy đoán, đồng thời nói thêm, “Không ai nói với chúng tôi rằng khu vực này chứa đầy plutonium và lithium ở khắp mọi nơi”.

Jim Bell, một cựu chỉ huy phi hành đoàn từng phục vụ trong Red Eagles và di chuyển giữa “Khu vực 52” và “Khu vực 51” trong khoảng 10 năm, cho biết ông đã được chẩn đoán mắc bệnh phổi, đồng thời nói thêm rằng Bộ Quốc phòng “không bao giờ nói với chúng tôi bất cứ điều gì” liên quan đến nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ.

J-7B Red 69, một máy bay chiến đấu Liên Xô bị Mỹ thu được, do Phi đội thử nghiệm và đánh giá 4477 "Red Eagles" điều khiển tại Bãi thử Tonopah năm 1980. Ảnh: Không quân Hoa Kỳ/Wikimedia Commons

J-7B Red 69, một máy bay chiến đấu Liên Xô bị Mỹ thu được, do Phi đội thử nghiệm và đánh giá 4477 "Red Eagles" điều khiển tại Bãi thử Tonopah năm 1980. Ảnh: Không quân Hoa Kỳ/Wikimedia Commons

Đối với nhiều cựu chiến binh từng phục vụ tại “Khu vực 52”, họ không biết rằng các vấn đề sức khỏe của mình có thể liên quan đến nghĩa vụ quân sự cho đến khi họ nghe tin từ Ely.

“Mark đã nói với tôi và ông ấy cho tôi xem một thứ trên internet [nói rằng] 'bom bẩn' đã được thử nghiệm ở đó. Họ không bao giờ nói với chúng tôi điều đó”, Bell nói với trang War History Online. “Tôi từng lái xe qua các bãi chứa plutonium hầu như hàng ngày, để ra vào, để đến Khu vực 51 và quay trở lại khu vực của chúng tôi. Tôi liên tục lái xe vào đó hoặc đi bộ vào đó, uống nước, tắm rửa. Điều đó ảnh hưởng đến tôi, và tôi nghĩ nó ảnh hưởng đến cả hai đứa con của tôi.”

Khi biết về tình trạng phơi nhiễm phóng xạ, Ely đã mua một máy đo Geiger (một thiết bị đo bức xạ) trên eBay và đến Căn cứ Không quân Holloman, New Mexico, nơi một trong những chiếc máy bay mà ông làm việc đang được trưng bày. Ông phát hiện ra rằng nó vẫn có dấu hiệu bị nhiễm plutonium.

Sau đó, ông bắt đầu thu thập những câu chuyện của các phi công Không quân đã nghỉ hưu, những người trước đây từng đồn trú tại “Khu vực 52” và thông báo cho họ về mối liên hệ này.

Ông cũng là người thông báo cho Đại tá Peck về tình hình; viên phi công này không chỉ tiếp xúc với bức xạ tại Khu vực 52 mà còn tiếp xúc với chất độc da cam trong thời gian tham chiến ở Việt Nam. Điều này, kết hợp với lực G cao mà ông đã trải qua khi còn là phi công chiến đấu, đã dẫn đến bệnh xơ gan và ung thư tuyến tiền liệt.

Đại tá Gail Peck có mặt tại Bảo tàng Quốc gia Không quân Hoa Kỳ ở Dayton, Ohio, năm 2007. Ảnh: Wikimedia Commons

Đại tá Gail Peck có mặt tại Bảo tàng Quốc gia Không quân Hoa Kỳ ở Dayton, Ohio, năm 2007. Ảnh: Wikimedia Commons

Mark Ely nói thêm rằng vợ của Đại tá Peck, bà Peg, đã chết vì ung thư, mà ông tin rằng có liên quan đến việc chồng bà phục vụ tại “Khu vực 52”. “Ông ấy đã mang bệnh về nhà khi làm ở thao trường”, Ely chia sẻ. “Ông đã ra ngoài thao trường vào thời điểm đó và các vụ nổ xảy ra ngay gần ông ấy. Peck đã mang căn bệnh đó về nhà cho gia đình mình, mà không hề biết điều đó.

Mức độ phơi nhiễm mà các phi công đồn trú tại “Khu vực 52” phải chịu không chỉ ảnh hưởng đến họ mà còn ảnh hưởng đến gia đình họ. Bức xạ mà họ mang về nhà trên quân phục đã dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo khi họ cởi quân phục ra và giặt.

Ngoài những tác động trực tiếp đến sức khỏe mà những người thân yêu của những cựu chiến binh này phải chịu đựng, điều quan trọng là phải lưu ý đến tổn thất về tinh thần và cảm xúc mà tất cả những điều này gây ra cho những người liên quan.

Máy bay Lockheed F-117A Nighthawks thuộc Phi đoàn tiêm kích chiến thuật số 37 tại Sân bay thử nghiệm Tonopah năm 1992. Ảnh: Không quân Hoa Kỳ/Getty Images)

Máy bay Lockheed F-117A Nighthawks thuộc Phi đoàn tiêm kích chiến thuật số 37 tại Sân bay thử nghiệm Tonopah năm 1992. Ảnh: Không quân Hoa Kỳ/Getty Images)

Cuộc đấu tranh kéo dài

Như đã đề cập ở Kỳ 1, phần lớn cựu chiến binh từng phục vụ tại “Khu vực 52” hầu như không được Bộ Cựu chiến binh Mỹ quan tâm, mặc dù đó là quyền của họ với tư cách là quân nhân xuất ngũ danh dự.

Hầu hết đều được đối xử theo kiểu "hãy quay lại sau X tháng nữa và chúng tôi sẽ xem tình hình có tệ hơn không", trong khi những người khác bị từ chối thẳng thừng vì họ không thể chứng minh tình trạng của mình là hậu quả trực tiếp của thời gian nghĩa vụ quân sự, vì hồ sơ của họ được đóng dấu mật.

Rick Workman, một kỹ thuật viên vũ khí hạt nhân và là chỉ huy chiếc máy bay F-117A Nighthawk, người đã trải qua khoảng 9 tháng tại “Khu vực 52” trước khi được triển khai ra nước ngoài tham gia Chiến dịch Bão táp Sa mạc, chưa bao giờ biết rằng anh và đồng đội đã bị phơi nhiễm bức xạ. Sau này, anh đã đấu tranh để thay đổi cách Bộ Cựu chiến binh đối xử với mình và những cựu chiến binh khác.

Theo Mục 38 của Bộ luật Phúc lợi Cựu chiến binh Hoa Kỳ, các kỹ thuật viên vũ khí hạt nhân không thực hiện "Hoạt động có nguy cơ bức xạ", nghĩa là họ không được coi là "Cựu chiến binh tiếp xúc với bức xạ". Điều này phần lớn là do tính chất tuyệt mật của vị trí công việc mà họ được giao.

Chính vì thế đến nay, những người như Mark Ely, Rick Workman vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh để đòi quyền lợi cho mình và những người từng phục vụ ở "Khu vực 52". Họ đã cùng nhau đề xuất "Dự luật về bức xạ ion hóa và phơi nhiễm chất độc của kỹ thuật viên vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh" và tiếp tục gây áp lực lên chính phủ để thay đổi cách đối xử với những cựu chiến binh này.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo War History Online)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giai-mat/khu-vuc-52-can-cu-quan-su-gay-tranh-cai-nhat-tren-the-gioi-ky-cuoi-20241015234518599.htm
Zalo