Ukraine thẳng tay cắt đứt dòng chảy khí đốt của Nga, châu Âu chịu trận

Giới phân tích cho rằng, các nước trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ chịu tổn thất trực tiếp lớn nhất từ việc Ukraine cắt đứt thỏa thuận trung chuyển khí đốt với Nga.

Ukraine đã đề xuất với Slovakia và Azerbaijan một kế hoạch mới về cung cấp khí đốt cho Liên minh châu Âu qua lãnh thổ của nước này. Chủ đề này đã được thảo luận trong một số cuộc họp song phương, RBC-Ukraine đưa tin.

Trạm khí đốt Sudzha ở biên giới Nga - Ukraine. Ảnh: Gazprom

Trạm khí đốt Sudzha ở biên giới Nga - Ukraine. Ảnh: Gazprom

Bản chất của phương án được đưa ra là chủ sở hữu khí đốt sẽ bơm khí đốt vào kho lưu trữ tại các cơ sở Ukraine và sử dụng theo quyết định của riêng họ. Những đề xuất như vậy đã được đưa ra cho cả Azerbaijan và Slovakia cách đây vài tháng.

Nếu Slovakia đồng ý với đề xuất trên, họ có thể mua khí đốt tại biên giới Ukraine và Nga, bơm khí đốt vào các cơ sở lưu trữ ngầm của Ukraine, sau đó sử dụng hoặc bán cho các nước thứ ba nếu cần. Nhưng cho đến nay, đề xuất đó chỉ là chủ đề tham vấn giữa các bên.

Theo Bloomberg, Liên minh châu Âu vẫn đang loay hoay tìm nguồn cung để duy trì hoạt động vận chuyển khí đốt qua Ukraine từ năm 2025 sau khi hợp đồng với gã khổng lồ năng lương Gazprom của Nga kết thúc. Các kế hoạch đề xuất có sự tham gia của Azerbaijan. Tuy nhiên, thỏa thuận vẫn chưa được ký kết.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết ông mong đợi Ukraine sẽ hợp tác trong việc nhập khẩu dầu và khí đốt vào Slovakia. "Nghĩa vụ của chúng tôi là đảm bảo duy trì hoạt động vận chuyển năng lượng, bất kể là dầu hay khí đốt qua Ukraine", ông cho biết.

Trước đó, chính phủ Ukraine tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt với Nga khi thỏa thuận này hết hạn vào tháng 1/2025. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt nghiêm trọng. Nếu tuyến đường vận chuyển khí đốt qua Ukraine bị cắt đứt, điều này có thể làm gia tăng sự cạnh tranh giữa châu Âu và châu Á về nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và đặt ra thách thức mới cho tập đoàn Gazprom của Nga

Vai trò của hệ thống trung chuyển qua Ukraine

Tuyến trung chuyển của Ukraine được Nga sử dụng để vận chuyển khoảng 50% tổng lượng khí đốt xuất khẩu qua đường ống của nước này đến châu Âu, trong đó có cả Thổ Nhĩ Kỳ. Đường ống dẫn này bắt đầu từ mỏ khí Urengoy của Nga chạy qua trạm đo khí đốt Sudzha ở khu vực Kursk sau đó vào Ukraine. Nguồn khi đốt qua Ukraine sẽ được cung cấp cho EU qua Slovakia, sau đó rẽ nhánh sang Áo và Hungary.

Khí đốt cung cấp qua trạm trung chuyển Sudzha cũng được chuyển tới Transnistria, một khu vực ly khai bán tự trị thân Nga của Moldova, nơi đã nhập khẩu khoảng 2 tỷ mét khối khí đốt của Nga vào năm 2023.

Đường ống trung chuyển qua Ukraine là một trong hai tuyến kết nối đường ống dẫn khí còn lại nối Nga với châu Âu. Hai tuyến đường ống dẫn khác là Yamal và Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) đã bị đóng cửa lần lượt vào cuối năm 2021 và mùa thu năm 2022. Đường ống trung chuyển của Ukraine đã gặp nhiều vấn đề kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra và không hoạt động hết công suất.

Theo thỏa thuận mới giữa tập đoàn Gazprom của Nga và tập đoàn Naftogas của Ukraine, Nga sẽ bơm 40 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Tuy nhiên, vào tháng 5/2022, Kiev đã dừng trung chuyển qua trạm đo khí đốt Sohranovka ở khu vực do Nga kiểm soát tại Ukraine. Do đó, khối lượng khí đốt trung chuyển ở thời điểm hiện tại chỉ bằng một phần nhỏ so với con số trên. Năm 2023, Nga chỉ cung cấp 14,6 tỷ mét khối khí đốt qua đường ống trung chuyển của Ukraine.

Châu Âu chịu trận

Giới phân tích cho rằng, các nước EU sẽ chịu tổn thất trực tiếp lớn nhất từ việc Ukraine cắt đứt thỏa thuận trung chuyển khí đốt với Nga. EU đã nhập khẩu 45% sản lượng khí đốt từ Nga vào năm 2021. Nhưng con số này đã giảm xuống còn 15% vào năm 2023.

Các nước như Hungary, Áo và Slovakia phụ thuộc phần lớn vào khí đốt từ Nga. Cả ba quốc gia này đều không giáp biển và không có quyền tiếp cận trực tiếp với các cảng LNG. Họ cũng bị ràng buộc với Nga khi ký kết các hợp đồng dài hạn kéo dài đến sau năm 2025.

Hungary, quốc gia phụ thuộc khoảng 80% vào nguồn cung khí đốt của Nga, có thể sẽ ứng phó tốt hơn với tình trạng gián đoạn này so với các nước láng giềng. Hungary có thể tiếp tục nhận nguồn cung từ Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ sau khi tuyến đường trung chuyển của Ukraine đóng cửa. Vào tháng 4/2024, Budapest đã đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc gia tăng nguồn cung khí đốt.

Trái ngược với Hungary, Áo và Slovakia là những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc đóng cửa tuyến đường trung chuyển của Ukraine, nhà phân tích thị trường khí đốt và LNG của tập đoàn Rystad Energy, ông Christoph Halser lưu ý.

Chuyên gia này ước tính, Áo đã nhập khẩu 88% lượng khí đốt từ Nga trong 7 tháng đầu năm nay, cao hơn nhiều so với mức 60% vào năm 2023. Slovakia đã nhập khẩu 69% lượng khí đốt từ Nga vào năm 2023.

Trước tình hình như vậy, châu Âu có thể tính đến phương án nhập khẩu thêm LNG từ Mỹ và các nhà sản xuất khác để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung của Nga. Nhưng có một thực tế là việc tìm kiếm nguồn cung thay thế Nga sẽ buộc EU phải bỏ ra chi phí rất lớn. Vào tháng 5/2024, ông Walter Boltz, cựu giám đốc cơ quan quản lý năng lượng Áo E-Control, ước tính rằng giá khí đốt sẽ tăng tới 20% trong khoảng thời gian từ hai đến bốn tháng trong trường hợp tuyến đường ống trung chuyển qua Ukraine bị đóng cửa hoàn toàn.

Các nhà phân tích trích dẫn tình hình xung đột ở Trung Đông - một khu vực sản xuất khí đốt lớn, sự cạnh tranh gay gắt với châu Á về LNG là những lý do ảnh hưởng đến giá khí đốt tại châu Âu.

Liệu tất cả những rủi ro có thể tránh được?

Giới phân tích cho rằng, về lý thuyết, việc tránh rủi ro là điều có thể thực hiện được. Cả Nga và các nhà nhập khẩu khí đốt EU đều công khai ủng hộ việc tiếp tục vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine. Nhiều cuộc đàm phán được cho là đang diễn ra giữa các bên với Azerbaijan để tìm ra những giải pháp khả thi.

Một kế hoạch mà các nhà phân tích thảo luận có thể liên quan đến việc duy trì hoạt động vận chuyển khí đốt của Ukraine thông qua cái gọi là thỏa thuận hoán đổi giữa Moscow và Baku. Điều này có nghĩa là Azerbaijan sẽ trả phí vận chuyển qua Ukraine và cung cấp khí đốt cho châu Âu, nhưng trên thực tế, khí đốt của Nga vẫn đi qua hệ thống đường ống của Ukraine.

Đổi lại, Nga sẽ tiếp nhận khí đốt của Azerbaijan với khối lượng tương tự và bán cho những nơi khác, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ hoặc thậm chí cho người tiêu dùng trong nước.

Nhưng thỏa thuận này rất phức tạp. Đầu tiên, Nga có thể không muốn bán khí đốt của Azerbaijan với giá thấp hơn nhiều so với giá mà nước này bán khí đốt cho châu Âu. Thứ hai, theo báo cáo của Trung tâm Chính sách Năng lượng thuộc Đại học Columbia, Azerbaijan có thể không có khả năng xuất khẩu lượng khí đốt ngang bằng với lượng khí đốt của Nga trung chuyển qua Ukraine. Thứ ba, có những rủi ro về mặt uy tín đối với EU và Ukraine - những quốc gia đã đặt ra mục tiêu chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Nhà phân tích Halser của Rystad Energy cho rằng: "Mặc dù một thỏa thuận như vậy có thể có ý nghĩa đối với hầu hết các bên, nhưng vẫn chưa rõ EU có chấp nhận đánh đổi uy tín để thực hiện thỏa thuận hay không. Một số nhà phê bình cho rằng thỏa thuận như vậy tương đương với việc 'gắn nhãn lại' khí đốt của Nga".

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ukraine-thang-tay-cat-dut-dong-chay-khi-dot-cua-nga-chau-au-chiu-tran-post1129275.vov
Zalo