Khu nhà tái định cư lác đác bóng người ở Hà Nội, không thể đổ cho vướng cơ chế
'Phải hiểu rằng, trách nhiệm của cơ quan nhà nước không dừng lại ở việc hoàn thành xây dựng, mà cần kéo dài đến khi người dân thực sự sinh sống ổn định. Trách nhiệm chỉ kết thúc khi có đèn sáng, có gia đình sinh sống...'
Đó là chia sẻ của Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm, sau khi theo dõi loạt bài phản ánh của VietNamNet về tình trạng dự ántái định cư nghìn tỷ bỏ trống, lác đác hộ dân về ở tại Hà Nội.
Không chỉ là lỗi do 'vướng cơ chế'
Tại dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư khu X2 (quận Hoàng Mai), dù đã hoàn thành 5 năm, mới chỉ có khoảng 80/750 căn hộ có người ở. Phần lớn còn lại bị bỏ trống, gây lãng phí.
Ông Tú cho rằng, những khối nhà khang trang nhưng lạnh lẽo giữa lòng Thủ đô là minh chứng cho một nghịch lý đau lòng: Bỏ trống giữa thiếu thốn, tức nhà bỏ trống trong khi người dân vẫn thiếu nơi ở ổn định.
“Phía sau những tòa nhà không đèn là những bất cập liên quan đến thiết kế chính sách và quản lý vòng đời công trình công. Đây không chỉ là vấn đề ngân sách, mà còn là dấu hiệu của một tư duy điều hành chưa đến cùng”, ông Tú nói.
Theo luật sư này, nhà xây xong mà không đưa vào sử dụng đúng thời điểm thì đó là thất bại trong khâu hoạch định, không thể chỉ đổ lỗi cho sự “vướng cơ chế”.

Sau 5 năm hoàn thành, tòa CT3 dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư khu X2 mới bàn giao 10 căn. Ảnh: Hồng Khanh
Dự án khu X2 chỉ là một trong 14 dự án xây dựng nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng ở Hà Nội. Đến nay, có 4 dự án đã hoàn thành. Tuy nhiên, nhiều căn hộ vẫn bỏ không, chưa đưa vào sử dụng, gây lãng phí.
Để tháo gỡ khó khăn tài chính cho nhà đầu tư, đồng thời tránh phát sinh rủi ro pháp lý nếu quỹ nhà tái định cư bị đưa ra kinh doanh thương mại, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề nghị UBND TP Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính) khẩn trương hoàn thiện báo cáo về phương án bố trí vốn. Việc này nhằm phục vụ chủ trương mua lại quỹ nhà ở thương mại tại 8 dự án thực hiện thí điểm theo cơ chế đặt hàng, trong đó có dự án khu X2, qua đó đảm bảo đủ nguồn nhà tái định cư cho các dự án giải phóng mặt bằng và hạn chế nguy cơ khiếu kiện.
Trao đổi vấn đề liên quan đến ngân sách hay tiến độ mua lại, luật sư Tú thẳng thắn nhìn nhận, nếu thật sự là vấn đề ngân sách, tại sao không tính ngay từ đầu? Nếu ngân sách thiếu, thì tại sao vẫn duyệt chủ trương đầu tư?
“Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận một khoảng trống lớn trong tư duy hoạch định chính sách hiện nay: thiếu tư duy về vòng đời của dự án. Khi đã phê duyệt, cần tính đến khâu cuối cùng - nơi người dân được chuyển đến sinh sống ổn định. Quản trị hiện đại không chỉ dừng ở ‘có công trình’, mà phải hướng tới ‘có cuộc sống’,” ông Tú nhấn mạnh.

Theo luật sư Trương Anh Tú, quản trị hiện đại không dừng ở việc ‘có công trình’, mà phải là ‘có cuộc sống’. Ảnh: Hồng Khanh
Từ đó, ông Tú đặt vấn đề: Khi phê duyệt dự án tái định cư, có đồng thời xây dựng kế hoạch tài chính để mua lại không? Ai quyết định xây dựng, và quyết định đó có kèm phương án bố trí dân cư cụ thể? Việc để Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng rơi vào một quy trình thiếu khép kín chính là nguyên nhân khiến hàng loạt khu tái định cư trở thành tài sản bị bỏ hoang, lãng phí.
“Đây là câu chuyện trách nhiệm. Nếu một chính sách nhân văn như tái định cư - vốn được thiết kế để bảo vệ người bị thu hồi đất - mà lại khiến người dân không thể sống được trong ngôi nhà được cấp, hay nhà xây rồi bỏ trống thì đó là nghịch lý”, Chủ tịch TAT Law Firm nêu ý kiến.
'Một chính sách không đi đến cùng là một chính sách chưa hoàn thành'
Không chỉ ở các dự án xây dựng nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng, nhiều dự án tái định cư được đầu tư với quy mô hàng nghìn tỷ đồng cũng lâm vào cảnh xây xong rồi đóng cửa, bỏ trống cả thập kỷ xuống cấp hư hỏng.
Thực trạng này không mới, không chỉ xảy ra ở một địa phương, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Trước thực trạng này, luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh vai trò của giám sát.
“Cần thiết lập một cơ chế giám sát độc lập và định kỳ với quỹ nhà tái định cư. Không thể để những khu nhà nghìn tỷ hoang lạnh tiếp tục tăng thêm mà không ai chịu trách nhiệm rõ ràng.
Phải hiểu rằng, trách nhiệm của cơ quan nhà nước không dừng lại ở việc hoàn thành xây dựng mà cần kéo dài đến khi người dân thực sự sinh sống ổn định. Trách nhiệm chỉ kết thúc khi có đèn sáng, có gia đình sinh sống, có hơi thở cuộc sống”, ông Tú nói.
Nêu giải pháp thực tiễn, ông đề xuất cơ quan quản lý cần rà soát toàn bộ quỹ nhà tái định cư, phân loại theo mức độ sử dụng, xác định rõ lý do chưa bố trí dân cư. Ngoài ra, cần có phương án tạm thời sử dụng nhà chưa khai thác cho các mục đích công vụ hoặc nhóm yếu thế.
Với dự án mới, cần quy định chặt chẽ, có chủ trương thì phải có kế hoạch tài chính, phân phối, phương án xử lý tồn đọng.
“Bài học từ hàng loạt khu nhà tái định cư bỏ trống không chỉ là bài học về điều hành. Mà là bài học về tư duy chính sách. Một chính sách không đi đến cùng là một chính sách chưa hoàn thành. Và trong lĩnh vực an sinh, điều đó không chỉ tạo ra lãng phí, mà còn làm xói mòn lòng tin”, vị luật sư nhìn nhận.
Chuyển đổi khu tái định cư bỏ hoang thành nhà ở xã hội
Tại cuộc họp ngày 15/5 với Bộ Xây dựng, các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp bất động sản, kết nối trực tuyến với một số địa phương về tình hình thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ rõ, nhiều dự án nhà tái định cư, nhà ở thương mại xây xong nhưng không có người ở, dẫn đến lãng phí nghiêm trọng.
Phó Thủ tướng đề nghị nghiên cứu chuyển đổi các dự án này sang nhà ở xã hội, đặc biệt là các khu tái định cư, đang bỏ hoang.