Khu kinh tế Vân Phong hút mạnh dòng vốn
Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đang tích cực thu hút đầu tư với nhiều dự án lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và đô thị.

Khu kinh tế Vân Phong là nơi thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược của tỉnh Khánh Hòa
2 dự án “khủng” hình thành từ cơ chế, chính sách đặc thù
Khu kinh tế Vân Phong rộng khoảng 150.000 ha, trong đó hơn một nửa là diện tích mặt nước, còn lại là đất liền và đảo. Toàn khu được chia thành 19 phân khu, là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa, hướng tới phát triển về cảng biển, dịch vụ hậu cần, đô thị, dịch vụ nghỉ dưỡng...
Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2050, Khu kinh tế Vân Phong trở thành một trung tâm kinh tế năng động, thông minh, bền vững, có tính cạnh tranh cao và là một khu vực đáng sống với mức sống cao và hạnh phúc cho người dân.
Thời gian qua, Khu Kinh tế Vân Phong liên tục đón làn sóng đầu tư mới, “khủng” về quy mô diện tích và tổng vốn đầu tư, mở ra động lực phát triển mạnh mẽ cho tỉnh Khánh Hòa sau sáp nhập với tỉnh Ninh Thuận. Đáng chú ý, mới đây, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị mới Tu Bông và Dự án Khu đô thị mới Đầm Môn. Đây là 2 dự án trên được lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Nghị quyết số 55 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Theo đó, Dự án Khu đô thị mới Tu Bông có quy mô sử dụng đất hơn 2.579 ha, trong đó có hơn 621,8 ha đất hình thành từ lấn biển (diện tích từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đến ranh giới dự án) và 7,18 ha đất phát triển nhà ở xã hội.
Quy mô dân số dự kiến tại dự án là 74.700 người. Sản phẩm nhà ở sơ bộ gồm nhà ở liên kế 1.002 căn, biệt thự 609 căn, chung cư 3.812 căn, nhà ở xã hội 1.130 căn; các công trình dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú du lịch; các công trình công cộng khác phục vụ cho đơn vị ở và đô thị. Tiến độ thực hiện dự án từ quý II/2025 đến quý IV/2034.
Còn Dự án Khu đô thị mới Đầm Môn có quy mô sử dụng đất hơn 1.440 ha, trong đó có hơn 82 ha đất hình thành từ lấn biển (diện tích từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đền ranh giới dự án) và 3,99 ha đất phát triển nhà ở xã hội. Quy mô dân số dự kiến tại dự án là 28.540 người. Sản phẩm nhà ở sơ bộ gồm nhà ở liên kế 791 căn, nhà ở biệt thự 592 căn, chung cư 858 căn, nhà ở xã hội 352 căn; các công trình dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú du lịch; các công trình công cộng khác phục vụ cho đơn vị ở và đô thị. Tiến độ thực hiện dự án từ quý II/2025 đến quý IV/2034.
Dự án đầu tư xây dựng 2 khu đô thị mới cao cấp góp phần hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật; nhà ở thương mại, nền đất ở, các công trình dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú du lịch vận hành theo các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững của ngành du lịch; các công trình công cộng, dịch vụ phục vụ cho đơn vị ở và đô thị (trường học, trạm y tế, bệnh viện, chợ, trung tâm thương mại, nhà văn hóa...); xây dựng hệ thống công viên, cây xanh đô thị, công viên chuyên đề, bến tàu khách du lịch nhâm mục tiêu hình thành khu đô thị xanh, tiện nghi hiện đại, thông minh, đẳng cấp quốc tế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung và Khu kinh tế Vân Phong nói riêng, góp phần đưa quỹ đất của khu vực vào khai thác có hiệu quả.
Lập Tổ chuyên trách hỗ trợ nhà đầu tư chiến lược
Đến nay, Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút 155 dự án (131 dự án trong nước và 24 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký khoảng 5,4 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt 61%, tương đương 3,3 tỷ USD.
Trong đó, 6 tháng đầu năm, khu kinh tế đã thu hút 6 dự án mới với tổng vốn đăng ký hơn 3.000 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn cho 2 dự án khác với giá trị bổ sung hơn 296 tỷ đồng.
Nhiều dự án công nghiệp - năng lượng lớn tiếp tục “dẫn dắt” môi trường đầu tư như Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 công suất 1.320 MW đã đi vào vận hành từ tháng 1/2024, đóng góp khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách địa phương. Khu công nghiệp Ninh Thủy (thuộc Khu kinh tế Vân Phong) thu hút được 29 dự án và tiếp tục nâng cao tỷ lệ lấp đầy…
Trong 5 tháng đầu năm 2025, nhà máy sửa chữa, đóng mới các loại tàu biển và gia công các kết cấu thép của Công ty TNHH Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam (HVS) tại khu kinh tế này đạt doanh thu 6.750 tỷ đồng và nộp ngân sách 506 tỷ đồng.
Ông Kim Song Hag - Tổng Giám đốc HVS cho biết: “Chúng tôi sẽ nỗ lực để trở thành doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt trong việc dẫn dắt sự phát triển của ngành đóng tàu Việt Nam”.
Cùng với việc đẩy mạnh “phủ kín” các quy hoạch phân khu (19 phân khu) và tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư, tỉnh Khánh Hòa đặc biệt quan tâm gỡ vướng thủ tục đầu tư và đồng hành với doanh nghiệp trong bối cảnh Khánh Hòa đang nỗ lực phát triển trở thành cực tăng trưởng quan trọng của Nam Trung Bộ.
Cụ thể là mới đây, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong thành lập tổ công tác chuyên trách hỗ trợ các nhà đầu tư trên địa bàn Khu kinh tế Vân Phong và các khu công nghiệp tỉnh Khánh Hòa.
Điểm nổi bật về cơ chế vận hành của tổ công tác này là bám sát nguyên tắc “một cửa tại chỗ, chuyên trách, đồng hành”, nhấn mạnh tính công khai, minh bạch và rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.
Mô hình này không chỉ hỗ trợ các nhà đầu tư xử lý kịp thời các thủ tục liên quan đất đai, xây dựng, môi trường mà còn tăng cường giám sát tiến độ, cam kết của cả hai bên doanh nghiệp và chính quyền.
Ông Trần Minh Chiến - Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong cho biết, việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược sẽ mang lại nguồn vốn lớn, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, góp phần hình thành các ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy sự phát triển cho Khu kinh tế Vân Phong nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung.
Tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Quốc Nam mới đây, ông Chiến kiến nghị UBND tỉnh sớm bố trí lại Trung tâm Phát triển quỹ đất phù hợp ở các địa phương (sau khi bỏ cấp huyện), nhằm thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng; xây dựng các tiêu chí về thời hạn hoạt động của dự án; chuẩn bị sẵn các khu tái định cư nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; bố trí quỹ đất sạch để kêu gọi các nhà đầu tư…
Tiếp nhận kiến nghị trên, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Quốc Nam thống nhất việc xem xét bố trí Trung tâm Phát triển quỹ đất phù hợp để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án; giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh nghiên cứu chiến lược cụ thể và kế hoạch chi tiết về việc xây dựng các khu tái định cư trong ngắn hạn và dài hạn…
Đối với các dự án cảng biển tại Khu kinh tế Vân Phong, ông Nam cho biết tỉnh Khánh Hòa trân trọng mời gọi những nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm xây dựng cảng, kiên quyết không để xảy ra tình trạng xin dự án để giữ đất, gây lãng phí nguồn tài nguyên...
Các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong: Công nghiệp:
Ưu tiên các ngành công nghiệp năng lượng sạch, chế biến, chế tạo công nghệ cao, cơ khí chính xác, chế biến dầu khí, điện tử, và các khu dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Dịch vụ:
Đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính, khu đô thị, khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, vui chơi giải trí, và các dịch vụ logistics.
Hạ tầng:
Xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu phi thuế quan, sân bay, cảng biển và các dịch vụ hậu cần cảng.