Khu di tích lịch sử Đền Hùng: Mái nhà tâm linh trường tồn của người Việt

Trong ký ức của mỗi người con đất Việt, hình ảnh người bà hiền từ bên bếp lửa hồng, giọng kể trầm ấm về những huyền thoại xa xưa đã trở thành một phần không thể thiếu của tuổi thơ. Tôi cũng vậy, những đêm trăng thanh gió mát, tôi say sưa lắng nghe bà kể chuyện về sự tích 'Con Rồng, cháu Tiên', về cuộc hôn phối kỳ diệu giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ, về bọc trăm trứng nở ra trăm người con, khởi nguồn cho dòng dõi Lạc Việt. Trong trái tim non nớt của tôi lúc bấy giờ, niềm tự hào về cội nguồn dân tộc đã nhen nhóm, lớn dần theo từng câu chuyện.

Khi trưởng thành, tôi lại được biết thêm về sự tích "Bánh chưng, bánh dày", câu chuyện cảm động về lòng hiếu thảo của chàng Lang Liêu và ý nghĩa sâu xa của hai loại bánh tượng trưng cho trời và đất.

Từ đó, hình ảnh các Vua Hùng trong tâm trí tôi không chỉ là những vị khai quốc công thần mà còn là những người cha hiền minh, đặt nền móng vững chắc cho sự hình thành và phát triển của nước Việt.

Tôi ngưỡng mộ đức vua không chỉ vì công lao dựng nước, mở mang bờ cõi mà còn bởi sự bao dung, sáng suốt và tinh thần nhân văn sâu sắc trong cách nhìn nhận con người, trong những quyết định mang tầm vóc quốc gia, dân tộc.

Những câu chuyện ấy thấm sâu vào tâm hồn, bồi đắp thêm lòng yêu kính và biết ơn đối với tổ tiên.

Dòng chảy thời gian cứ thế trôi đi, những bộn bề của cuộc sống cuốn tôi theo những lo toan thường nhật. Mãi đến hơn bốn mươi năm sau, khi mái tóc đã điểm sương, tôi mới có cơ hội thực hiện một ước nguyện ấp ủ bấy lâu: Đặt chân đến với Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Trong không khí trang nghiêm và tĩnh lặng nơi đây, tôi thành kính dâng lên nén tâm hương, tưởng nhớ và tri ân những vị vua đầu tiên, những người đã có công dựng nước và giữ nước trong buổi bình minh của lịch sử dân tộc.

Xúc động khi chạm vào vùng đất thiêng

Lần đầu tiên đặt chân lên núi Nghĩa Lĩnh, ngọn núi mang trong mình bao trầm tích lịch sử, thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, tôi không khỏi bồi hồi xúc động, cảm giác như được chạm vào chính mạch nguồn của dân tộc, nơi khí thiêng sông núi hội tụ.

Đền Hùng trong tâm trí tôi lúc này không chỉ là một chốn tâm linh đơn thuần mà còn là biểu tượng thiêng liêng của tinh thần đoàn kết keo sơn, lòng yêu nước nồng nàn và ý chí quật cường của người Việt Nam qua bao thế hệ.

Khu di tích lịch sử Đền Hùng trải rộng trên một vùng đất linh thiêng, bao gồm nhiều công trình kiến trúc mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc. Mỗi một đền, một lăng, một giếng nước đều ẩn chứa những câu chuyện huyền thoại, những dấu son lịch sử không thể phai mờ.

Đền Hạ, nằm ở vị trí thấp nhất của núi Nghĩa Lĩnh, tương truyền là nơi mẹ Âu Cơ đã sinh ra bọc trăm trứng, một sự tích kỳ diệu thể hiện nguồn gốc chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đứng trước ngôi đền cổ kính, tôi như cảm nhận được sự bao la, vĩ đại của tình mẫu tử, sự khởi nguồn của một dân tộc với sức sống mãnh liệt.

Đoàn chúng tôi dâng hương tại Đền Trung

Đoàn chúng tôi dâng hương tại Đền Trung

Tiếp tục hành trình lên cao, tôi đến với Đền Trung, được biết đến là địa điểm các Vua Hùng thường họp bàn việc nước. Tại đây, những quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia, đến đời sống của muôn dân đã được đưa ra.

Không gian tĩnh lặng của Đền Trung gợi cho tôi hình dung về những buổi triều chính trang nghiêm, về sự trăn trở, lo toan của các bậc minh quân vì sự hưng thịnh của đất nước.

Vượt qua những bậc đá rêu phong, Đền Thượng hiện ra uy nghiêm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Đây là nơi cao nhất của khu di tích, nơi các Vua Hùng thực hiện các nghi lễ tế trời đất, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Đứng ở vị trí này, phóng tầm mắt bao quát cả vùng đất Phú Thọ, tôi cảm nhận rõ hơn sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên, giữa quá khứ và hiện tại. Ngọn gió mát lành như mang theo hơi thở của ngàn xưa, nhắc nhở về trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với giang sơn gấm vóc mà cha ông đã dày công xây dựng và bảo vệ.

Không xa Đền Thượng là Lăng Vua Hùng, nơi an nghỉ của Vua Hùng Vương thứ sáu. Mặc dù không phải là nơi an táng của tất cả các vị vua Hùng, nhưng lăng mộ này vẫn mang một ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn và sự tôn kính của hậu thế đối với những người có công dựng nước.

Cuối cùng, Đoàn tôi dừng chân tại Đền Giếng, một ngôi đền nhỏ nhưng mang trong mình câu chuyện cảm động về hai nàng công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, những người con gái xinh đẹp và hiền thục của Vua Hùng.

Tương truyền, hai nàng thường soi mình bên giếng nước trong xanh này. Câu chuyện về hai nàng công chúa không chỉ tô điểm thêm vẻ đẹp huyền thoại cho vùng đất Đền Hùng mà còn thể hiện những nét đẹp trong tâm hồn người phụ nữ Việt Nam.

Những câu chuyện huyền thoại sống mãi

Mỗi một di tích tại Đền Hùng không chỉ là một công trình kiến trúc mà còn là một trang sử sống động, kể về mẹ Âu Cơ, về các Vua Hùng, về các hoàng tử, công chúa. Những câu chuyện ấy đã trở thành một phần không thể thiếu trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, được truyền từ đời này sang đời khác, bồi đắp tâm hồn và nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc.

Người Việt chúng ta, dù ở đâu, làm gì, chắc hẳn ai cũng biết đến mối nhân duyên kỳ lạ giữa Lạc Long Quân, vị thần thuộc dòng dõi Rồng, và Âu Cơ, người thuộc dòng dõi Tiên. Cuộc gặp gỡ định mệnh ấy đã kết nên mối tình đẹp và sinh ra bọc trăm trứng, nở ra trăm người con.

Rồi theo ý trời, Lạc Long Quân đưa năm mươi người con xuống biển để mở mang bờ cõi, Âu Cơ đưa năm mươi người con lên núi để dựng xây đất nước. Sự phân chia này không hề tạo ra sự chia cắt mà ngược lại, nó đã tạo nên một Việt Nam đa dạng về địa hình, phong phú về văn hóa, với sự gắn kết chặt chẽ giữa miền núi và đồng bằng, giữa biển cả và đất liền.

Ngày nay, mỗi dịp Tết đến, xuân về hay trong những ngày Giỗ Tổ thiêng liêng, hình ảnh bánh chưng xanh vuông vắn và bánh dày trắng tròn lại hiện diện trên bàn thờ tổ tiên. Nhìn những chiếc bánh truyền thống ấy, chúng ta không khỏi bồi hồi nhớ về câu chuyện cảm động của chàng Lang Liêu, người con trai hiếu thảo của Vua Hùng.

Chính nhờ sự thành tâm và trí tuệ, chàng Lang Liêu đã được thần linh mách bảo làm ra hai loại bánh tượng trưng cho trời và đất, thể hiện sự biết ơn đối với cội nguồn và ước vọng về một cuộc sống hài hòa, tốt đẹp. Khi dâng lên vua cha, Hùng Vương đã vô cùng cảm động trước ý nghĩa sâu sắc của hai chiếc bánh và quyết định truyền ngôi cho chàng, một minh chứng cho sự coi trọng đạo đức và tài năng của người Việt.

Những câu chuyện về việc Vua Hùng kén rể cho con gái mình cũng gắn liền với những sinh hoạt đời thường và những khát vọng của người dân Việt. Câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh tranh tài để giành lấy nàng Mỵ Nương (công chúa Ngọc Hoa) không chỉ là một huyền thoại về sức mạnh phi thường của tự nhiên mà còn thể hiện ước mơ chế ngự thiên tai, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân.

Hay câu chuyện về Chữ Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, một mối tình vượt qua mọi rào cản về địa vị xã hội, thể hiện quan niệm về tình yêu tự do và bình đẳng trong xã hội Việt Nam xưa.

Tất cả những câu chuyện ấy đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người Việt và khiến tôi càng thêm trân trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Ngày hội non sông

Đứng trước đền thờ các vị Vua Hùng uy nghiêm, câu ca dao quen thuộc bỗng vang vọng trong tâm trí tôi, như một lời nhắc nhở thiêng liêng:

"Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà nghìn năm".

Bốn câu ca dao giản dị mà sâu sắc này đã trở thành một lời nhắn nhủ đầy ý nghĩa về lòng yêu nước, sự biết ơn tổ tiên và tinh thần đoàn kết dân tộc, những giá trị văn hóa tốt đẹp được người Việt Nam trân trọng và gìn giữ qua bao thế hệ.

Dù không đến Đền Hùng vào đúng dịp lễ hội, tôi vẫn cảm nhận được không khí trang nghiêm và niềm tự hào dân tộc lan tỏa trong không gian linh thiêng này.

Hàng năm, vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch, Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Khu di tích Đền Hùng với nhiều nghi thức truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Lễ dâng hương, rước kiệu, tế lễ tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng là những nghi thức không thể thiếu, thể hiện lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với tổ tiên.

Bên cạnh phần lễ trang nghiêm, phần hội cũng diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như hát xoan - một loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, kéo co, đấu vật, thi gói bánh chưng, giã bánh dày, biểu diễn nghệ thuật truyền thống,…

Tất cả tạo nên một không gian văn hóa đa dạng, phong phú, thu hút hàng triệu người dân từ khắp mọi miền đất nước và kiều bào ở nước ngoài hành hương về cội nguồn.

Không chỉ tại tỉnh Phú Thọ, trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều địa phương trên cả nước cũng đồng loạt tổ chức lễ dâng hương, thể hiện lòng thành kính và biết ơn đối với tổ tiên. Hình ảnh người dân khi hành hương về Đền Hùng từ xưa đến nay vẫn luôn mang theo những lễ vật truyền thống như bánh chưng, bánh dày, xôi gà,… như một sự nhắc nhớ về nguồn cội, về những giá trị văn hóa ngàn đời của dân tộc.

Chuyến đi về Khu di tích lịch sử Đền Hùng lần này thực sự là một hành trình ý nghĩa, không chỉ thỏa mãn ước nguyện bấy lâu mà còn giúp tôi thêm tự hào về lịch sử và văn hóa của dân tộc mình. Tôi cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết tình yêu nước nồng nàn, lòng biết ơn vô hạn đối với tổ tiên và niềm tin vững chắc vào sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Đền Hùng không chỉ là một địa điểm du lịch văn hóa mà còn là "mái nhà tâm linh" chung của tất cả những người con đất Việt, là nơi để mỗi chúng ta tìm về cội nguồn, để thêm trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống và để cùng nhau xây dựng một tương lai tươi sáng cho đất nước.

Nếu bạn chưa từng có cơ hội đến với Đền Hùng, hãy một lần hành hương về vùng đất thiêng liêng này, nơi mà mỗi người con đất Việt đều có chung một niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc./.

An Thuận

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khu-di-tich-lich-su-den-hung-mai-nha-tam-linh-truong-ton-cua-nguoi-viet-a192981.html
Zalo